📞

Đình công lớn nhất ở Hollywood, kinh đô điện ảnh thế giới có nguy cơ đóng cửa?

Nguyễn Trọng Nghĩa 07:00 | 17/07/2023
Hàng ngàn diễn viên và biên kịch Hollywood đã tham gia vào cuộc đình công lớn nhất ở nước Mỹ. Người ta tự hỏi, liệu rằng Hollywood sẽ sớm đóng cửa?
Đình công ở Hollywood kéo dài từ tháng 5 tới giờ và có thể diễn ra tới cuối năm. (Nguồn: skynews)

Theo The New York Times, trong thời gian cuộc đình công diễn ra, các diễn viên không đóng phim hay tham gia chiến dịch quảng bá phim. Cuộc biểu tình làm trì trệ việc sản xuất các bộ phim bom tấn, ví dụ như các phần tiếp theo của loạt phim Avatar hay Deadpool.

Tác động kéo dài

Sẽ mất một khoảng thời gian để khán giả xem phim ngoài rạp có thể nhận thấy sự thay đổi trên. Tuy nhiên, đối với người hâm mộ phim truyền hình thì tác động của cuộc đình công “kép” này khá rõ rệt.

Các chương trình đêm khuya đang phải phát sóng lại các mùa cũ do ảnh hưởng của cuộc đình công và phần lớn các sản phẩm truyền hình và điện ảnh đã ngừng hoạt động hoặc tạm dừng sản xuất.

Số phận tương tự cũng xảy ra với những chương trình dài tập nổi tiếng, như Yellowjackets, SeveranceStranger Things, hiện vẫn chưa rõ liệu các mùa mới có bị trì hoãn hay không.

Brian Cox, nam diễn viên chính trong loạt phim Kế vị của HBO chia sẻ, cuộc đình công có thể kéo dài đến cuối năm.

Hiện tại, còn quá sớm để dự đoán kết quả của cuộc đình công, nhưng nếu điều này còn tiếp diễn thì lịch chiếu cũng như chất lượng của các phim điện ảnh và truyền hình sẽ bị ảnh hưởng. Hãng Disney đã công bố một số thay đổi đối với lịch phát hành phim rạp vào tháng 6 do tác động từ các cuộc đình công lần này.

Cuộc đình công của các biên kịch và diễn viên có thể khiến Hollywood đóng cửa lần đầu tiên sau hơn 60 năm. (Nguồn: Getty)

Khó khăn từ nhiều phía

Hồi tháng 5, các biên kịch từng biểu tình trước những lo ngại về điều kiện làm việc và những thách thức của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành công nghiệp phim.

Còn lần này, theo The New York Times, nguyên nhân chính của cuộc đình công chủ yếu liên quan đến tiền lương. Sự gia tăng của các nền tảng chiếu phim cũng như thách thức của giai đoạn hậu Covid-19 đang đặt ra sức ép rất lớn lên cả ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ.

Cụ thể, các hãng phim phải hứng chịu các vấn đề về mặt tài chính, còn các diễn viên và biên kịch thì lại đang tìm kiếm mức lương cao hơn, đi kèm với sự bảo đảm về điều kiện làm việc trước những biến đổi nhanh chóng của thời cuộc.

Cả diễn viên và biên kịch đều yêu cầu mức thù lao từ các dịch vụ phát trực tuyến (một loại tiền bản quyền) phải được tăng lên. Các seris phim được sản xuất bởi nền tảng phát trực tuyến thường có ít tập hơn nhiều so với các series phim truyền hình.

Trước đây, với một bộ phim truyền hình ăn khách, các diễn viên và biên kịch đều được nhận một khoản thù lao mỗi khi một tập phim được chiếu đi chiếu lại. Tuy vậy, sự xuất hiện của các nền tảng chiếu phim trực tuyến đã làm thay đổi hệ thống này và gây thiệt hại cho họ.

Chủ tịch Liên đoàn SAG-AFTRA cùng nhiều diễn viên, biên kịch tuyên bố đình công vào ngày 14/7 tại Los Angeles. (Nguồn: Reuters)

Nguy cơ AI lấn sân

Bên cạnh đó, diễn viên và biên kịch còn đối mặt với nguy cơ bị lấn sân bởi AI khi công nghệ này được áp dụng ngày càng nhiều.

Hiệp hội Diễn viên màn ảnh - Liên đoàn nghệ sĩ truyền hình và phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) cho rằng, đối với những diễn viên quần chúng không có tên tuổi, sự ra đời của các AI tân tiến đe dọa trực tiếp đến sinh kế của họ trong một ngành công nghiệp vốn đã luôn có tính cạnh tranh cao.

Các thành viên của Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) chia sẻ lo ngại việc các nhà sản xuất có thể tìm cách sử dụng AI để viết kịch bản hoặc sử dụng công nghệ này để hoàn thành các kịch bản phim còn dang dở.

Họ e rằng, AI có thể tạo ra một bản nháp thô từ một vài gợi ý đơn giản và các nhà biên kịch sau đó được thuê để hoàn thiện các bản nháp đó, nhưng với mức lương thấp hơn bình thường.

Duncan Crabtree-Ireland, giám đốc điều hành quốc gia của SAG-AFTRA, trong tuyên bố về cuộc đình công ở một cuộc họp báo ở Los Angeles cho biết: “Các diễn viên đang phải đối mặt với mối đe dọa về sinh kế do việc sử dụng AI và công nghệ tạo ra".

Điều tương tự đang xảy ra đối với các nhà biên kịch. Theo The Independent, những nhà biên kịch đã đình công từ tháng 5 vẫn đợi chờ sự bảo đảm từ các hãng phim rằng công việc của họ sẽ không bị đe dọa bởi AI.

Trước việc các nền tảng phát phim trực tuyến đẩy nhanh tiến độ sản xuất nội dung để tăng số lượng người đăng ký, các biên kịch đang tìm kiếm những điều khoản tốt hơn về cách thức trả lương, công việc và cả giới hạn về việc sử dụng công nghệ AI.

Các thành viên của Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) chia sẻ lo ngại việc các nhà sản xuất có thể tìm cách sử dụng AI để viết kịch bản hoặc sử dụng công nghệ này để hoàn thành các kịch bản phim còn dang dở. Họ e rằng AI có thể tạo ra một bản nháp thô từ một vài gợi ý đơn giản và các nhà biên kịch sau đó được thuê để hoàn thiện các bản nháp đó, nhưng với mức lương thấp hơn bình thường.

Về phần mình, liên minh các nhà sản xuất phim điện ảnh và truyền hình (AMPTP) cho biết họ dự kiến đưa ra một “mức lương và mức tăng thù lao lịch sử”, đồng thời nới thêm các khoản lương hưu và chăm sóc sức khỏe và các lợi ích khác để đáp ứng nhu cầu của SAG-AFTRA.

Các hãng phim Hollywood cũng than phiền, những biến động trong ngành không hề dễ dàng. Bob Iger, CEO của Disney chia sẻ trên đài CNBC, các biên kịch và diễn viên đang đòi hỏi không thực tế. Hậu Covid-19, số lượng người đến tạp vẫn chưa phục hồi hẳn và phần lớn mọi người đang chuyển từ truyền hình cáp sang các nền tảng phát trực tuyến.

Điều này đã khiến nhiều hãng phim phải chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh và tỷ suất lợi nhuận bị thu hẹp. Một số công ty đã phải cắt giảm chi phí bằng cách sa thải nhân viên hoặc hủy bỏ các dự án phim, đôi khi là cả hai.

Do khó khăn từ nhiều phía, những cuộc đình công còn tiếp tục kéo dài.

Ông Ronald Reagan lãnh đạo cuộc đình công của liên đoàn diễn viên, biên kịch ở Hollywood hồi năm 1960. (Nguồn: Getty Images)

Lịch sử lặp lại

Còn nhớ vào ngày 16/1/1960, WGA từng tổ chức đình công với yêu sách bồi thường cao hơn.

Các nhà biên kịch muốn các hãng phim trả tiền cho quỹ hưu trí và chăm sóc sức khỏe của WGA, đồng thời tăng lương và các khoản thù lao bản quyền liên quan đến các tác phẩm của họ được chiếu trên truyền hình, tính cả những lần phát lại.

Vài tháng sau, Hiệp hội Diễn viên màn ảnh Mỹ (SAG), lúc này vẫn chưa sáp nhập với Liên đoàn Nghệ sĩ truyền hình và phát thanh Mỹ (AFTRA), bắt đầu cuộc đình công của riêng mình vào ngày 7/3/1960, trong “cuộc chiến” giành phần thù lao từ các bộ phim được bán cho các mạng lưới truyền hình, dẫn đến cuộc đình công kép đầu tiên của ngành.

Cuộc đình công của SAG kết thúc vào ngày 18/4/1960, khi Hiệp hội đồng ý từ bỏ các khoản thù lao cho các bộ phim được sản xuất trước năm 1960 để đổi lấy việc nhận số tiền bản quyền cho tất cả các bộ phim làm từ năm 1960 trở đi cũng như khoản thanh toán một lần trị giá 2,25 triệu USD để thành lập một hệ thống hưu trí và chăm sóc sức khỏe của SAG.

Trong khi đó, cuộc đình công của các biên kịch tiếp tục cho đến ngày 12/6/1960, khi WGA đồng ý với một thỏa thuận mới mang tính đột phá về lợi nhuận cho Hiệp hội, bao gồm thù lao lần đầu cho các bộ phim chiếu ngoài rạp (chiếm 1,2% phí bản quyền khi các bộ phim được cấp phép phát sóng trên truyền hình).

Thêm nữa, Hiệp hội còn được nhận một quỹ hưu trí độc lập và chương trình bảo hiểm y tế của ngành và 4% thù lao bản quyền cho các chương trình truyền hình trong và ngoài nước, theo trang web của WGA.

Đặc biệt, cuộc đình công năm đó có sự góp mặt của cựu Tổng thống Ronald Reagan, lúc đó đang đảm nhận vị trí Chủ tịch Hiệp hội SAG. Ông là người dẫn đầu các cuộc đàm phán với những công ty điện ảnh Hollywood.

(tổng hợp)