“Cuộc chơi” xác định giá dầu có lẽ còn tiếp tục kéo dài. |
Thỏa thuận sơ bộ về việc “đóng băng” sản lượng dầu mỏ của Nga và một số đại diện OPEC (Saudi Arabia, Qatar và Venezuela) dự kiến được ký kết vào ngày 1/3 sau khi những quan điểm chung được thống nhất trong cuộc gặp ngày 16/2 vừa qua. Theo đó, các bên sẽ cùng lấy sản lượng tháng Một làm mức sản lượng tối đa hàng tháng, quyết không tăng trong thời gian tới, nhằm tránh dư thừa nguồn cung dẫn tới giá dầu tiếp tục sụt giảm.
Khi Nga và OPEC cùng “nhún”
Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, các quốc gia trong thỏa thuận này chiếm khoảng 75% thị phần dầu mỏ thế giới. Nếu thỏa thuận được ký kết, mức dư thừa toàn cầu sẽ giảm ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, số phận của thỏa thuận dầu lửa toàn cầu đầu tiên trong 15 năm này bị cho là đang nằm trong tay Iran. Giới phân tích cho rằng, nếu không có sự tham gia của Iran, thỏa thuận này sẽ chẳng có mấy ý nghĩa đối với giá dầu, bởi các nước tham gia đều không tăng sản lượng trong thời gian gần đây. Tất nhiên, đại diện Bộ Năng lượng Nga vẫn tin tưởng rằng, một khi được ký kết, Thỏa thuận chắc chắn sẽ có tác động tới thị trường cho dù có sự tham gia của Iran hay không.
Trong khi đó, dù tuyên bố ủng hộ Thỏa thuận, Iran không đưa ra bất cứ cam kết nào. Theo đồn đoán của giới quan sát, quốc gia này không có ý định cắt giảm sản lượng khai thác, mà thay vào đó sẽ tiếp tục tăng cường xuất khẩu dầu cho đến khi đạt ngưỡng tương đương trước khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế.
Trên thực tế, đúng là giá dầu đã lập tức tăng từ 30 USD lên 34 USD sau cái bắt tay của Nga và OPEC. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là một “động tác giả” của thị trường. Bởi ngay sau đó, bất chấp mong muốn của các nhà sản xuất, giá dầu thô trên thị trường vẫn chưa thể đứng vững.
Các nhà đầu tư Phố Wall cho rằng đây là quyết định giữ nguyên chứ không phải cắt giảm. Giữ nguyên ở mốc sản lượng như hồi tháng Một đối với bốn nước, tức là nó đã ở mức quá cao. Cả Saudi Arabia, Nga, Venezuela và Qatar cộng lại thì đã có 25 triệu thùng dầu được đẩy ra thị trường mỗi ngày, trong khi nhu cầu thế giới vẫn ngày càng yếu đi.
Thêm vào đó, từ lâu Nga, OPEC và Mỹ luôn chạy đua về sản lượng, không ai chịu nhường ai nhằm chiếm thị phần dầu thế giới. Việc giữ nguyên sản lượng của bốn nước trên đương nhiên sẽ chấp nhận đẩy thị phần cho Mỹ. Và như vậy, miếng bánh thị phần dầu vẫn sẽ không đổi, chỉ chuyển từ Nga và OPEC sang tay Mỹ.
Cờ lại về tay Mỹ
Giá dầu thô đã lao dốc hơn 70% trong 18 tháng qua, trong bối cảnh thế giới đang “ngập” trong dầu. OPEC, mà chủ yếu là “ông lớn” Saudi Arabia từng kiên quyết từ chối cắt giảm sản lượng, nhằm dùng dầu giá rẻ để “hất cẳng” những nhà sản xuất chi phí cao ra khỏi ngành, đặc biệt là những công ty dầu đá phiến Mỹ.
Vượt qua các xung đột lợi ích, Nga và OPEC đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì để ổn định thị trường. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, bất chấp các nỗ lực trên, giá dầu vẫn sẽ tiếp tục lao dốc. Quá muộn để có thể ngăn chặn một đợt sụt giảm nữa, bởi OPEC đã mất quá nhiều thời gian mới đưa ra quyết định. Goldman Sachs còn nhận định, việc cắt giảm sản lượng đồng loạt trong khối là không khả thi và là hành vi tự hại mình. Động thái này sẽ có tác dụng ngược với mong muốn của OPEC vì cho phép hồi phục sản xuất của Mỹ - vốn đang chậm lại.
Như vậy, cờ sẽ lại vào tay Mỹ. Từ trước đến nay, vai trò của Mỹ vẫn là quyết định vì Mỹ có thể làm đồng USD lên xuống, kinh tế Mỹ vẫn là đầu tàu thế giới, tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới, chưa nói đến tình hình chính trị - xã hội Mỹ có thể tác động tới nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, cuộc chơi này được cho là không đơn thuần kinh tế mà còn nhuốm màu chính trị. Trong đó Nga, Venezuela và các nước Trung Đông đều là mục tiêu kiểm soát của Mỹ.
Tuy nhiên, một trong những lý do có thể thúc đẩy Mỹ ra tay cứu giá dầu, đó là thiệt hại của các công ty dầu lửa Mỹ. Nếu giá dầu cứ rẻ mãi, nhiều doanh nghiệp dầu lửa Mỹ sẽ phá sản, trở thành nợ xấu, từ đó tác động đến hệ thống tài chính, ngân hàng Mỹ - những người đã bỏ tiền cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới. Đó là chưa kể đến lượng công nhân thất nghiệp, chi phí bảo dưỡng máy móc thiết bị trong quá trình tạm ngưng sản xuất...
Tất nhiên, không ít người cho rằng giá dầu càng thấp thì càng tốt. Điều này chỉ còn đúng trong quá khứ. Ở góc độ cung cầu, đây là một cuộc chơi có tổng bằng 0. Các quốc gia nhập khẩu có lợi, phần bất lợi đẩy lại cho các quốc gia xuất khẩu. Dầu mỏ đóng vai trò trụ cột đối với nhiều thị trường mới nổi. Cú sốc giá dầu xảy ra vào đúng thời điểm kinh tế thế giới vẫn đang chật vật chữa lành những vết thương còn lại từ khủng hoảng tài chính. Và, giá dầu giảm lại trở thành “một con quái vật” hạ gục kinh tế toàn cầu thay vì đem quà tặng đến cho thế giới.