Một góc Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: L.C) |
Chương trình do Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức nhằm quảng bá các điểm tham quan, du lịch tỉnh Quảng Ngãi và giới thiệu về Di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh tới các cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Chương trình diễn ra từ ngày 3-6/8.
Văn hóa Sa Huỳnh trải rộng từ đồng bằng ra đến hải đảo và rộng lên vùng núi. Trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu, tỉnh Quảng Ngãi có 26 di tích được khai quật.
Di tích khảo cổ Long Thạnh (thuộc thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh). (Ảnh: L.C) |
Tại thị xã Đức Phổ, đoàn đã đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tại các điểm khai quật di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh, tham quan và nghe thuyết minh tại Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh.
Nhà trưng bày nằm cạnh đầm An Khê, thuộc tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, hàng trăm hiện vật, tư liệu, hình ảnh được trưng bày, giúp du khách có cái nhìn sơ lược về nền văn hoá Sa Huỳnh. Ấn tượng nhất là khu trưng bày những mộ chum cùng nhiều đồ tuỳ táng của người Sa Huỳnh xưa.
Đoàn báo chí nước ngoài nghe thuyết minh về văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: L.C) |
Anh Huỳnh Chí Cường, Phụ trách Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh cho hay, tại nhà trưng bày, các hiện vật, ảnh, tài liệu được trưng bày theo chủ đề lịch sử phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi.
Anh Cường nói: "Chúng tôi nhấn mạnh về cư dân của văn hóa Sa Huỳnh, đầm An Khê - nơi tụ cư của cư dân văn hóa Sa Huỳnh cổ. Trong giai đoạn tháng 3-5/2023, đã có khoảng 16.000 du khách, nhà nghiên cứu, đoàn học sinh đến tham quan và tìm hiểu về văn hóa Sa Huỳnh tại nhà trưng bày".
Anh Huỳnh Chí Cường, Phụ trách Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh (áo xanh) và anh Phạm Bắc phóng viên Hãng thông tấn Đức DPA tại Việt Nam (áo trắng) trao đổi về văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: L.C) |
Chia sẻ với phóng viên TG&VN, anh Phạm Bắc phóng viên Hãng thông tấn Đức DPA tại Việt Nam cho biết: "Dù đã nghe và tìm hiểu về văn hóa Sa Huỳnh qua các phương tiện thông tin đại chúng khá nhiều nhưng khi trực tiếp tham gia tìm hiểu mới thấy rõ, nền văn hóa này chứa đựng rất nhiều yếu tố đặc biệt mà công chúng chưa biết.
Từ cách đây hơn 3.000 năm mà nền văn hóa Sa Huỳnh, đặc biệt là cư dân Sa Huỳnh đã có đời sống hết sức phong phú. Họ đã chế tác ra những vật phẩm mà bản thân tôi không nghĩ là có thể tinh xảo như vậy".
Cũng theo anh Phạm Bắc, văn hóa Sa Huỳnh mới chỉ được biết đến bởi người dân trong nước. Chưa có một bài báo nước ngoài nào đề cập đến văn hóa này. "Qua chuyến đi này, tôi đã tập hợp được cho mình một kho tàng tư liệu để có thể giới thiệu văn hóa Sa Huỳnh đến bạn bè quốc tế", anh Bắc chia sẻ.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: L.C) |
Cũng trong sáng 4/8, đoàn đã đến thăm làng Gò Cỏ tại thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Nơi đây nằm gọn trong một thung lũng ven biển Sa Huỳnh, là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn bởi sự hoang sơ, kỳ bí, không gian sống cổ xưa cùng những phong tục, tập quán, làn điệu dân ca mộc mạc.
Theo hướng dẫn viên tại làng Gò Cỏ, làng được phát hiện năm 2017, khi một đoàn đi khảo sát để xây dựng không gian văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại làng Gò Cỏ. (Ảnh: L.C) |
Tại đây, các chuyên gia phát hiện di tích khảo cổ Long Thạnh, tìm thấy mộ táng cùng nhiều di vật cách đây khoảng 3.000 năm thuộc sơ kỳ đồng thau, giai đoạn tiền Sa Huỳnh. Các chuyên gia kết luận, khu vực làng Gò Cỏ, đầm An Khê (phường Phổ Thạnh) là vùng lõi của văn hóa Sa Huỳnh và tiếp nối là văn hóa Champa với hàng loạt di tích như đường đá, giếng, bia ký, tường đá...
Làng vẫn giữ được nét đặc trưng của làng cổ xưa với con đường đá nhỏ, quanh co, những ruộng bậc thang thấp thoáng bên cạnh bờ cát êm dịu. Ở đây, đá hiện diện tại mọi ngóc ngách cùng dân làng trải qua nhiều biến cố lịch sử.
Ngôi nhà độc đáo nhất tại làng Gò Cỏ. (Ảnh. L.C) |
Tháng 4/2019, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được thành lập, với mục đích giúp người dân hiểu giá trị nơi mình sinh sống. Đến thời điểm hiện tại, 90% người dân trong làng đã nhận thức, hưởng ứng và tích cực tham gia làm du lịch.
Bên cạnh thiên nhiên, sản vật, di tích văn hóa, di sản địa chất, con người và những câu chuyện trường kỳ về ký ức chiến tranh, những làn điệu dân ca bài chòi, hát hố là điểm nhấn trong hành trình của du khách khi đến với Gò Cỏ.
Nhà trưng bày công viên di sản làng Gò Cỏ. (Ảnh: L.C) |
Bãi biển Sa Huỳnh, nhìn từ làng Gò Cỏ. (Ảnh: L.C) |
| Quảng Ngãi sẵn sàng đón sóng đầu tư TGVN. Quảng Ngãi đang tận dụng 5 loại “vốn sẵn có” về tự nhiên, địa kinh tế, cơ sở hạ tầng, văn hóa và nhân lực ... |
| Đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam khám phá văn hóa Sa Huỳnh Chiều 3/8, đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đến tìm hiểu, khám phá về văn hóa Sa Huỳnh tại Bảo tàng ... |
| Du lịch, giải trí 'bùng nổ chi tiêu' nhưng nhiều ngành hàng lại sụt giảm nghiêm trọng, nghịch lý của nền kinh tế Trung Quốc Sự tương phản rõ rệt và thiếu đồng đều giữa tốc độ phục hồi của ngành công nghiệp giải trí và những ngành công nghiệp, ... |
| Travel Off Path: 3 lý do khiến Việt Nam trở thành 'điểm nóng' du lịch mới của châu Á Theo Travel Off Path, Việt Nam nổi tiếng với phong cảnh ngoạn mục, đường bờ biển rộng lớn kéo dài 3.260 km đáng kinh ngạc ... |
| Ngành du lịch Việt Nam khai thác được gì từ thói quen chu du của người Kuwait? Với những người làm việc trong ngành du lịch Việt Nam, việc tìm hiểu về những khách du lịch tới từ vùng Vịnh luôn là ... |