TIN LIÊN QUAN | |
Đối ngoại Bắc Giang: Tạo bước phát triển mới | |
Đối ngoại góp phần quan trọng thu hút nguồn lực cho phát triển |
Lạng Sơn nằm ở cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN, là điểm đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam), nằm cạnh tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hệ thống giao thông rất thuận lợi, Lạng Sơn vừa là đầu mối tuyến quốc lộ 1A xuyên Việt đến thành phố Cà Mau, có các tuyến đường quốc lộ 1B, 4A, 4B, 3B sang các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn. Tỉnh Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị - đường bộ và Ga Đồng Đăng - đường sắt), 1 cửa khẩu chính (Chi Ma) và 9 cửa khẩu phụ (Nà Nưa, Bình Nghi, Na Hình, Tân Thanh, Cốc Nam, Pò Nhùng, Co Sâu, Nà Căng, Bản Chắt).
Động lực thúc đẩy nền kinh tế
Thương mại dịch vụ đã được tỉnh Lạng Sơn xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó khu vực kinh tế cửa khẩu có vai trò là vùng kinh tế động lực, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời khẳng định vị trí của Lạng Sơn đối với sự phát triển của Khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ngày 28/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Phối cảnh khu trung tâm Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. |
Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được hình thành trên diện tích 394 km2 bao gồm toàn bộ thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng, thị trấn Cao Lộc và một số xã của huyện Cao Lộc, huyện Văn Lãng, huyện Văn Quan và huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn. Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn là khu kinh tế tổng hợp đa chức năng đan xen các yếu tố quốc phòng an ninh; trong đó lĩnh vực mũi nhọn là phát triển kinh tế cửa khẩu. Về cơ bản, khu kinh tế này được phân thành hai khu chức năng chính là khu phi thuế quan và khu thuế quan.
Mục tiêu là phát triển thành khu kinh tế động lực chủ đạo. Trong Khu kinh tế có 2 cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị - đường bộ và Ga Đồng Đăng - đường sắt), 3 cửa khẩu phụ (Tân Thanh, Cốc Nam, Pò Nhùng) và có các khu chức năng chính: Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng, Khu trung chuyển hàng hóa; Khu chế xuất 1, Khu phi thuế quan (giai đoạn I), Khu công nghiệp Hồng Phong. Hiện nay tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành công tác quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết một số khu chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu và các chính sách ưu đãi đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu đã được UBND tỉnh ban hành. Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn là một trong chín Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước được lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 theo nội dung Công văn số 2236/TTg-KTTH ngày 8/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Ưu đãi thu hút vào khu kinh tế
Hiện tại, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư theo các quy định của Chính phủ và các quyết định của UBND tỉnh về khu cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư lựa chọn cơ hội đầu tư, các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Các doanh nghiệp thực hiện đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được hưởng ưu đãi, hỗ trợ trên một số lĩnh vực: về thuế, về tiền thuê đất, mặt nước; về công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư; về tài chính, tín dụng...
Các cán bộ Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước đối với khu kinh tế cửa khẩu. |
Cụ thể, thứ nhất, doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm. Một số dự án thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể kéo dài hơn nhưng không quá 30 năm. Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được được nhập khẩu để phục vụ sản xuất đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất.
Thứ hai, dự án đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư. Miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ ngày xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Miễn tiền thuê đất 11 năm kể từ ngày xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đối với các dự án không thuộc quy định tại hai mục nêu trên. Sau thời gian được miễn tiền thuê đất, áp dụng mức giá thuê đất, thuê mặt nước bằng 30% giá thuê đất, thuê mặt nước áp dụng tại huyện có mức giá thuê đất, thuê mặt nước thấp nhất trong địa bàn tỉnh.
Tỉnh Lạng Sơn thường xuyên quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư, công tác cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung cũng như vào Khu kinh tế cửa khẩu nói riêng. Từ năm 2009 đến nay (từ khi thành lập khu kinh tế cửa khẩu), tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 59 dự án trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký trên 6.855 tỷ đồng đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Có 21 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 174 triệu USD. |
Thứ ba, hỗ trợ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất, cho thuê đất: UBND huyện, thành phố có dự án đầu tư thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho từng dự án. Trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất, UBND huyện, thành phố có dự án đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ nhà đầu tư: Cung cấp miễn phí các văn bản về chính sách, pháp luật, các hồ sơ về thửa đất có liên quan đến việc thỏa thuận; chủ trì việc tiến hành thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất nếu có đề nghị của một hoặc các bên có liên quan; thực hiện nhanh chóng các thủ tục về chuyển nhượng, chuyển đổi, thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Thứ tư, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động trong Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, sau khi đã quyết toán với cơ quan thuế mà bị lỗ thì được chuyển các khoản lỗ sang năm sau, số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá 5 năm. Những người làm việc tại Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật được giảm 50% số thuế phải nộp.
Thứ năm, doanh nghiệp Khu phi thuế quan được mua văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam để phục vụ cho điều hành và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp. Các dự án đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong Khu phi thuế quan được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa không quá 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa cho 9 năm tiếp theo. Hàng hóa, dịch vụ được gia công, lắp ráp, tái chế do các doanh nghiệp trong Khu phi thuế quan sản xuất và tiêu thụ trong Khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào Khu phi thuế quan không phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Ngoài những chính sách được nêu ở trên, tỉnh Lạng Sơn còn xem xét hỗ trợ nhà đầu tư về các chi phí như: Đào tạo nguồn nhân lực; Chuyển giao công nghệ; Thực hiện xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; Quảng cáo…
***
Với những lợi thế và cơ hội đầu tư rất lớn, cùng với những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Lạng Sơn tin tưởng là điểm đến, sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến đầu tư góp phần cùng với nhân dân các dân tộc tỉnh phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng bứt phá vươn lên, xây dựng Lạng Sơn ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Bạc Liêu trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Bạc Liêu luôn luôn phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển các ngành xuất ... |
Đối ngoại An Giang: Nhiều thành tựu đáng khích lệ Tại Hội nghị đánh giá 5 năm công tác đối ngoại tỉnh An Giang (2010-2015), Lãnh đạo UBND tỉnh đã đánh giá cao những kết ... |
Phú Thọ đẩy mạnh Chiến lược hội nhập Xác định hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND ... |