📞

Doanh nghiệp Ai Cập tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam

11:20 | 10/03/2017
Ngày 9/3, tại thành phố Mansoura, tỉnh Dakahlia, Đại sứ quán Việt Nam và Bộ phận Thương vụ tại Ai Cập đã phối hợp với Phòng Thương mại tỉnh Dakahlia tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư.

Hội thảo nhằm giới thiệu các cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước cũng như xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập nói chung và tỉnh Dakahlia nói riêng.  Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam Đỗ Hoàng Long, Tham tán Thương mại Phạm Thế Cường, Chủ tịch Phòng thương mại tỉnh Dakahlia Ahmed Roab và đại diện của hơn 40 doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn thuộc nhiều lĩnh vực của tỉnh Dakahlia. 

Đại diện hàng chục doanh nghiệp tỉnh Dakahlia của Ai Cập tham dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Đỗ Hoàng Long đã giới thiệu về tình hình kinh tế Việt Nam, đặc biệt là những thành tựu sau 30 năm Đổi mới, khẳng định Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đến kinh doanh tại Việt Nam. 

Điểm lại những nét nổi bật trong quan hệ giữa Việt Nam và Ai Cập, Đại sứ Đỗ Hoàng Long cho rằng, trên cơ sở mối quan hệ truyền thống hữu nghị, hai nước cần thúc đẩy các giải pháp để tăng cường hợp tác hiệu quả nhất trên các lĩnh vực mà hai bên có lợi thế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch... Doanh nghiệp hai nước cần tích cực tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm và hội thảo đầu tư được hai bên tổ chức nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.  Đại sứ Đỗ Hoàng Long cho biết, Đại sứ quán Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Ai Cập nói chung và tỉnh Dakahlia nói riêng kết nối để tìm kiếm đối tác tại Việt Nam, qua đó các doanh nghiệp có thể tiếp nhận thông tin thị trường cũng như nhu cầu hàng hóa của nhau. 

Về phần mình, Chủ tịch Phòng thương mại tỉnh Dakahlia Ahmed Roab đánh giá cao cuộc hội thảo, coi đây là cơ hội để các doanh nghiệp Ai Cập trao đổi thông tin, tìm hiểu thị trường và các ngành hàng xuất nhập khẩu. Hội thảo giúp thúc đẩy các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các địa phương của Ai Cập, trong đó có tỉnh Dakahlia. Chủ tịch Phòng thương mại Dakahlia cũng giới thiệu về các lợi thế cũng như những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương.

Tại hội thảo, Tham tán Thương mại Phạm Thế Cường đã giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, giải đáp nhiều câu hỏi của đại diện các doanh nghiệp tỉnh Dakahlia về tình hình thị trường, các ngành hàng xuất nhập khẩu của hai nước.

Theo ông Phạm Thế Cường, hiện nay nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có mặt trên thị trường Ai Cập, như thủy hải sản, càphê, hạt tiêu, điều, đồ gỗ, dệt may, sơ sợi, máy móc, thiết bị phụ tùng, điện thoại di động. Trao đổi thương mại song phương năm ngoái đạt khoảng 314 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam xuất sang thị trường Ai Cập vào khoảng 294 triệu USD.

Nhân dịp này, một số đại biểu đã đề nghị phía Việt Nam cử các đoàn doanh nghiệp sang dự hội chợ thương mại tại Ai Cập để trao đổi thông tin, đồng thời mong muốn qua các kênh thông tin với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam. Các doanh nghiệp tỉnh Dakahlia có thể đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của địa phương, nhất là trái cây, vào thị trường Việt Nam.

Đại sứ Đỗ Hoàng Long tặng Chủ tịch Phòng Thương mại tỉnh Dakahlia bức ảnh Bác Hồ đến thăm Kim tự tháp Sakar (Ai Cập) năm 1946.

Tham tán Thương mại Phạm Thế Cường cho biết kim ngạch thương mại song phương hiện nay còn rất khiếm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Bất ổn chính trị thời gian qua cũng như một số chính sách nhập khẩu của Ai Cập và đồng bảng Ai Cập mất giá mạnh so với đồng USD đã ảnh hưởng đến hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này. Tuy nhiên, Ai Cập đang đẩy mạnh cải cách kinh tế theo hướng tích cực và đây là điều kiện giúp thúc đẩy thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.

Ông Phạm Thế Cường cho biết thêm, cuộc hội thảo tại tỉnh Dakahlia nằm trong khuôn khổ kế hoạch năm 2017 của Đại sứ quán và Bộ phận Thương vụ, nhằm đưa thông tin về thị trường và các sản phẩm của Việt Nam tới cộng đồng các nhà nhập khẩu tại các địa phương của Ai Cập.

Ai Cập là một thị trường lớn tại khu vực Bắc Phi, với dân số trên 92 triệu dân và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa trên 80 tỷ USD mỗi năm.

(Tin từ ĐSQVN tại Ai Cập)