AVR nhận định, đây là con số đáng báo động trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với rất nhiều đối thủ ngoại đang rầm rộ đổ bộ nhằm tận dụng lợi thế từ các FTA.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt vẫn dửng dưng với hội nhập và ít quan tâm đến các chính sách liên quan đến các FTA thế hệ mới. (Ảnh minh họa) |
Thờ ơ vì không được lưu tâm
Theo AVR, có hai nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp (phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) rất ít quan tâm tìm hiểu các chính sách, pháp luật nói chung, đặc biệt là các chính sách liên quan đến các FTA để phản biện, góp ý cho Chính phủ và cơ quan soạn thảo. Thứ nhất, có tới 51% doanh nghiệp không biết quy trình phản biện và góp ý cần phải làm như thế nào. Thứ hai, 55% doanh nghiệp cho rằng, họ thiếu tin tưởng vào kết quả đóng góp ý kiến và phản biện của mình đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR lấy câu chuyện về việc đấu tranh bỏ trần quảng cáo – khuyến mại làm ví dụ. Từ trước đến nay, việc khống chế chi phí quảng cáo đã khiến doanh nghiệp mệt nhọc vì tính toán. Thông thường, doanh nghiệp phải liệt kê, đánh dấu các hóa đơn chi phí loại này, đến kỳ kê khai thì tổng hợp lại toàn bộ hóa đơn. Sau đó đối chiếu loại chi phí này với tổng chi phí, nếu thấy vượt mức 10-15% thì lại phải bóc bớt một khoản chi nào đó ra cho vừa tỉ lệ quy định. Nếu doanh nghiệp đưa chi phí quảng cáo vào vượt tỉ lệ, làm giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì sẽ bị truy thu thuế và bị phạt nặng.
Việc dỡ bỏ mức trần chi phí quảng cáo và khuyến mại mang lại lợi ích cho Việt Nam từ cả ba góc độ: nền kinh tế, người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, điều này còn giúp Việt Nam hội nhập, cải thiện môi trường đầu tư, cạnh tranh có hiệu quả với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới, tránh tình trạng chính sách “một mình một chợ”.
Dù đã nhiều lần được đề nghị dỡ bỏ do sự bất hợp lý, “trói tay” doanh nghiệp nhưng phải mất 15 năm trời quy định này mới được bãi bỏ, khiến nhiều doanh nghiệp mệt mỏi và gặp không ít phiền toái. “Lẽ ra chúng tôi không đáng phải bỏ ra 15 năm lãng phí nếu những người làm chính sách nhìn thẳng vào thực tế”, bà Loan thẳng thắn.
Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, các cơ chế chính sách cho bán lẻ vẫn còn nhiều điểm cần lưu tâm, khắc phục. Cụ thể như tình trạng bất bình đẳng trong các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Ưu ái nhiều nhất, tốt nhất thường thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sau đó đến doanh nghiệp Nhà nước và cuối cùng sự hỗ trợ ít ỏi mới đến các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, tư duy quản lý “quản không được thì cấm” vẫn “bám rễ”, đặc biệt là trong ngành bán lẻ.
Ngoài ra, ban soạn thảo các nghị định, chính sách cho các ngành nghề kinh tế phần lớn là cán bộ quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu mà thiếu vắng các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Vì vậy, chính sách ban hành vẫn rườm rà, thường xuyên thay đổi và đôi khi vênh với các nghị định, thông tư đi kèm.
Sợ nhất trì trệ
Mặc dù tỏ vẻ thờ ơ với các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)… nhưng nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước lại quan ngại khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường lĩnh vực phân phối, bán lẻ theo các cam kết nêu trong các FTA. Có tới 79% doanh nghiệp cho rằng Nhà nước nên thực hiện các chính sách nhất định để hỗ trợ ngành bán lẻ trong nước phát triển và cạnh tranh bình đẳng một cách hợp lý, hợp pháp không vi phạm các cam kết hội nhập.
Nhận định về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ Việt, TS. Ngô Văn Điểm - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam không giấu nổi sự lo lắng. Ông cho rằng, câu chuyện hội nhập không đáng sợ, cũng không lo doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào thị trường mà điều khiến ông ái ngại nhất chính là sự trì trệ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. “Người Việt Nam nhanh nhẹn nhưng liên kết thiếu bền vững. Dễ làm khó bỏ. Lúc đầu làm hàng thăm dò thị trường thì tử tế, lúc sau thì lại ăn bớt, ăn xén. Tư duy đó cần phải loại bỏ. Làm ăn chộp giật như vậy thì không thể tồn tại được trên thương trường hội nhập”, ông Điểm quả quyết.
Đồng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: “Chúng ta tự hại mình, chứ chẳng phải Australia, Mỹ hay Thái Lan”. Ông Phú cho rằng, điểm yếu nhất của doanh nghiệp chưa hẳn ở vốn hay hạ tầng, cũng chẳng phải có quá nhiều đối thủ mạnh mà nằm ở văn hóa kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự coi trọng văn hóa kinh doanh trong khi điều này thậm chí còn quan trọng hơn cả vốn, cơ sở hạ tầng. Ông kể lại câu chuyện đi mua hàng Thái, khi hàng bị lỗi, ông yêu cầu trả lại thì họ rất niềm nở nhưng hàng Việt thì chưa chắc đã được cư xử như vậy. “Có những người không muốn thoát khỏi vỏ ốc của mình. Chính sức ép hội nhập sẽ là bài học dạy chúng ta phải thoát ra”, ông Phú khẳng định.
Để tăng cường sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, ông Phú khuyến nghị, những người đứng đầu doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần mạnh mẽ, am hiểu, có tinh thần đấu tranh và tự vươn lên. “Có câu biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng nhưng biết rồi thì phải có cách để khắc phục những yếu kém của mình, đầu tư cho công nghệ, nhân lực, thay đổi văn hóa kinh doanh, tăng cường liên kết, và đặc biệt là vấn đề thông tin”, ông nói.
Ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp khi kinh doanh là phải chấp nhận rủi ro, quan trọng là làm cách nào tối thiểu hóa rủi ro. Đây là triết lý kinh doanh và cũng là triết lý cho một đất nước trong quá trình hội nhập.