Đây là hội nghị thứ ba thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, cập nhật các yêu cầu xúc tiến thương mại (XTTM) của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu và cơ hội thị trường nước ngoài phục vụ công tác điều hành hoạt động XTTM và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, ngày 30/9. (Ảnh: Diễn Tú) |
Thương vụ là kênh xúc tiến xuất nhập khẩu hiệu quả
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã dần trở thành một kênh xúc tiến xuất nhập khẩu mới nhanh và hiệu quả.
Qua đó, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất - khẩu khẩu có thể tương tác trực tiếp với các Tham tán thương mại, cán bộ thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ mang tính thời sự.
"Những thông tin thị trường, những thay đổi về chính sách ở các thị trường ngoài nước là những yếu tố rất quan trọng và cần thiết giúp cho các ngành sản xuất ở trong nước, các doanh nghiệp trong nước có định hướng, hoạt động cho đúng, trúng và khai thác được thị trường", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, vai trò của hệ thống Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói chung và hệ thống thương vụ nói riêng đối với hoạt động xúc tiến xuất - nhập khẩu được Chính phủ và Thủ tướng đặc biệt quan tâm, coi là chìa khóa thành công đối với tăng trưởng xuất khẩu.
Để hoàn thành tốt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho ngành Công Thương, duy trì sự tăng trưởng bền vững về xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Thương vụ tại thị trường nước ngoài chia sẻ thông tin cập nhật, thời sự về thị trường trong kỳ vừa qua, phân tích, dự báo và đánh giá cơ hội xúc tiến xuất khẩu, khai thác thị trường sở tại thời gian tới.
Ngoài ra, khuyến nghị cụ thể cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cách thức, giải pháp tiếp cận thị trường để có định hướng triển khai hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các Sở Công Thương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trao đổi nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất nhập khẩu cụ thể về mặt hàng và thị trường.
Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công Thương và đặc biệt các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ các ngành hàng làm tốt thị trường, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả, đóng góp vào thành tích chung của ngành.
Chủ động, phối hợp khai thác tốt các thị trường
Tại Hội nghị, đại diện các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây. Từ đó, đưa ra những khuyến nghị, gợi mở về hoạt động XTTM phù hợp tại nước sở tại làm cơ sở cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Ông Phạm Tuấn Huy, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria (kiêm nhiệm Macedonia) thông tin, tuy thị trường Bulgaria có sức tiêu thụ thấp hơn Tây Âu nhưng đây là thị trường tiềm năng do yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã có phần dễ tính hơn.
Ngoài ra, thị trường này còn có cơ sở vật chất về kho ngoại quan, bãi chứa, nhà máy sơ chế hoặc đóng gói sản phẩm; đồng thời có các tuyến đường sắt, đường bộ thuận tiện cho việc tái phân phối hàng hóa đi khắp Bulgaria hoặc sang Tây Âu.
“Việc này cần sự kết hợp, chủ động của các hiệp hội, doanh nghiệp sang xúc tiến, chào hàng, làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối để đánh giá khả năng đáp ứng cho các hệ thống phân phối tại Bungari. Thương vụ luôn sẵn sàng trong các bước cần thực hiện trước như tìm kiếm đối tác thích hợp, xây dựng chương trình làm việc phù hợp”, ông Huy cho hay.
Bà Nguyễn Thị Điệp Hà, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã thông tin về vụ việc 7 container hạt tiêu của Việt Nam gặp vấn đề về thanh toán khi xuất khẩu sang Pakistan.
Ngay khi nhận được thông tin, Thương vụ đã liên hệ với doanh nghiệp đề nghị cung cấp thông tin của đối tác Pakistan để trao đổi xác minh thông tin, đồng thời liên hệ với cơ quan hải quan Pakistan để xác minh thực trạng của lô hàng.
Đại diện Thương vụ đã đề nghị Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp cung cấp thông tin cần thiết về đối tác Pakistan, địa chỉ liên hệ của ngân hàng Pakistan đã chuyển tiền đặt cọc và nhận bộ chứng từ giao, làm việc với hãng tàu về các chi phí liên quan đến việc tái xuất 7 container hạt tiêu về Việt Nam... để góp phần xử lý được vụ việc nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.
Từ vụ việc lần này, đại diện Thương vụ Pakistan khuyến nghị, khi giao thương với các đối tác tại Pakistan, các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng xác minh thông tin khách hàng qua các phòng thương mại, hiệp hội, Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Pakistan; đảm bảo đàm phán, ký hợp đồng với các điều kiện đảm bảo an toàn nhất.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) đề nghị các đơn vị tiếp tục cập nhật tình hình sản xuất xuất khẩu, thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ về phát triển thị trường.
Ngoài ra, kiến nghị về Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan ngay khi có vấn đề phát sinh hoặc tại Hội nghị giao ban XTTM với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hàng tháng. Cục XTTM sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, hiệp hội, báo cáo Lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ cho các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị liên quan thuộc Bộ xử lý.
Các Vụ Thị trường ngoài nước tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ thường xuyên cập nhật tình hình thông tin thị trường; tổng hợp và báo cáo ngắn gọn nhận định về cơ hội xuất khẩu sang các khu vực thị trường trong tháng tới gửi Cục XTTM trước ngày 26 hàng tháng để tổng hợp chung cung cấp cho các địa phương, hiệp hội tại Hội nghị giao ban.
Ở chiều ngược lại, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp với Cục XTTM, các đơn vị liên quan hỗ trợ các hiệp hôi, địa phương triển khai tốt các hoạt động xúc tiến xấu khẩu, nhập khẩu hiệu quả. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới để phân tích, dự báo, phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời có giải pháp phù hợp ứng phó với vấn đề phát sinh.
| Việt Nam và UAE hướng tới kim ngạch thương mại song phương 10 tỷ USD Là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Trung Đông - châu Phi, nhất là về thương mại, Các Tiểu ... |
| Phát huy tối đa vai trò của Thương vụ, khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA Thời gian qua, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao mà Việt Nam ký kết và đi vào thực thi đầy ... |
| Nửa đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào tăng mạnh Trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch thương mai hai chiều giữa Việt Nam-Lào đạt hơn 824 triệu USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ ... |
| Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài làm việc với Bộ Công Thương Ngày 19/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng dẫn đầu đoàn các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở ... |
| Khai giảng lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương từ xa cho các cơ quan đại diện Chiều ngày 18/10, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia long trọng tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng ... |