📞
Hành trình đến tăng trưởng xanh của Việt Nam:

Doanh nghiệp FDI cùng Việt Nam xanh hóa

Gia Thành 08:00 | 22/03/2024
Khi tăng trưởng xanh được Việt Nam xác định là yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, doanh nghiệp FDI khoác lên mình sứ mệnh mới: tiên phong đi đầu và dẫn dắt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2024. (Ảnh: Nhật Bắc)

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2024) diễn ra ngày 19/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh rất khó khăn, nhờ sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, mặc dù xu hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng. Trong hai tháng đầu năm 2024, thu hút FDI đạt 4,3 tỷ USD tăng 38,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%.

Sứ mệnh mới

Thủ tướng nhận thấy, không chỉ về số lượng, khu vực FDI có những đóng góp quan trọng giúp cải thiện chất lượng của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, khu vực này là động lực quan trọng làm thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng pháp luật, cơ chế, chính sách, khả năng quản trị quốc gia.

Cùng chuyển đổi số, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, Việt Nam tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Cụ thể, đất nước đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…

Không chỉ thế, Việt Nam ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, quy hoạch điện VIII…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tăng trưởng xanh chính là “chìa khóa” bảo đảm cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.

Trước bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng vừa là đối tượng, nhưng cũng là chủ thể chủ động tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển nhanh và bền vững.

Thực tế những năm qua, các doanh nghiệp FDI đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp thực hiện tăng trưởng xanh như sử dụng năng lượng sạch, đổi mới quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ cao, giảm thiểu rác thải…

“Với thế mạnh về nguồn vốn, công nghệ, quản trị… doanh nghiệp FDI được trao thêm sứ mệnh mới: Tiên phong đi đầu và dẫn dắt trong thực hiện Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sát cánh cùng Việt Nam

Về phía doanh nghiệp FDI, ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc (BritCham) tại Việt Nam hoan nghênh cam kết của đất nước giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện chương trình nghị sự này.

“Việc thông qua Quy hoạch điện VIII cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giảm thải carbon. Thời gian tới, việc triển khai nhanh chóng Quy hoạch điện VIII, phát triển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), năng lượng mặt trời và gió… là những vấn đề Việt Nam cần lưu ý. Trên hành trình này, doanh nghiệp Anh sẵn sàng đóng góp vào các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, tài chính, dược phẩm và hàng tiêu dùng”, ông Denzel Eades cam kết.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Muto Shiro cam kết hỗ trợ đầy đủ mục tiêu tăng trưởng trung tính carbon mà Chính phủ Việt Nam đề ra vào năm 2050.

Ông bày tỏ: “Điều mà chúng tôi mong muốn là hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng mà không cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Những mục tiêu đó có thể đạt được với sự hỗ trợ của Nhật Bản - nơi khu vực tư nhân sẵn sàng “góp sức” vào đổi mới xanh thông qua quá trình khử carbon, công nghệ, đầu tư và tài chính”.

Còn theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam - doanh nghiệp có 17 năm gắn bó tại đất nước hình chữ S, để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng đến tăng trưởng xanh, Việt Nam cần chú trọng ba vấn đề.

Thứ nhất, cần có những cơ chế ưu đãi hấp dẫn và đa dạng cho các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam.

Thứ hai, đất nước có thể đưa ra cơ chế thử nghiệm để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Thứ ba, cần đơn giản hoá thủ tục hành chính và đảm bảo tính nhất quán của chính sách và giảm thiểu những điều không chắc chắn về khung pháp lý.

Đối mặt với những thách thức toàn cầu chưa từng ghi nhận trước đây, Việt Nam đã thể hiện khả năng thích ứng vượt trội. Kể từ năm 2022 đến nay, dòng vốn FDI liên tục tăng nhờ đất nước duy trì một nền kinh tế năng động và linh hoạt.

Trong tương lai, ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp FDI mong muốn phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng đưa thế giới đến một nơi tốt đẹp hơn.

“Để hoàn thành mong muốn đó, cần có sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức quốc tế. Hãy sát cánh cùng Việt Nam để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh!”, ông Nitin Kapoor kêu gọi.

Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp trong nước cùng sự đồng hành của khu vực doanh nghiệp FDI, Việt Nam sẽ “làm nên chuyện” trên hành trình thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.