Thưởng Tết của công nhân dệt may năm nay khả dĩ hơn năm ngoái. |
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn – SFC cho hay năm 2010 doanh nghiệp này kinh doanh khá hiệu quả. Do vậy, thưởng Tết sẽ to hơn năm ngoái. Trong đó, toàn bộ nhân viên làm việc tại đây sẽ được thưởng một tháng lương thứ 13 và 2 tháng lương cho Tết Nguyên đán.
Các mức thưởng được căn cứ vào kết quả kinh doanh, trong đó, người cao nhất dự kiến khoảng 55 triệu đồng. “So với mọi năm, thưởng Tết năm nay của công ty chúng tôi có vẻ cao hơn chút ít do công ty năm rồi làm ăn khá hiệu quả. Ngoài ra mức thưởng trên, SFC còn trích quỹ khen tưởng cho các doanh hiệu thi đua cá nhân và tập thể của năm ”. ông Quỳnh nói.
Các mức thưởng này theo ông Quỳnh chưa tính đến phần trượt giá, lạm phát mà chỉ căn cứ theo bảng lương của năm 2010. Dự kiến, năm 2011, lương cơ bản của SFC sẽ tăng thêm khoảng 10%.
Ông cho biết các năm trước gần đến Tết Nguyên đán, SFC mới công bố các mức thưởng song năm nay chủ trương của công ty là công bố sớm để cán bộ, nhân viên yên tâm. Đồng thời, với khoản thưởng này, người lao động sẽ có kế hoạch mua sắm Tết một cách hợp lý nhất.
Tương tự ngành dệt may, ngành da giày cũng đảm bảo thưởng Tết cho công nhân của mình khả dĩ hơn năm ngoái, trong đó đảm bảo tối thiểu một tháng lương. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty may Sài Gòn 3 cho biết thưởng Tết của trong ngành năm nay khả quan hơn năm ngoái, không có doanh nghiệp nào không thưởng cho nhân viên.
Cụ thể, người lao động được ít nhất là một tháng lương và nhiều nhất khoảng 2,5 tháng lương (sau khi đã cộng thêm phần chuyên cần, quà cáp...). Năm trước, có công nhân nhận tiền thưởng dưới một triệu đồng, nên tính ra, thưởng Tết năm nay tăng gấp rưỡi năm ngoái. Tuy nhiên, ông Hồng cho rằng, mức tăng này thực chất không theo kịp vật giá leo thang như hiện nay.
Theo ông, hoạt động kinh doanh của ngành dệt may năm 2010 khá ổn, nên ai cũng phấn khởi. Doanh nghiệp có nhiều đơn hàng, người lao động có công ăn việc làm, được thưởng Tết nhiều, sang năm cũng không lo thất nghiệp. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất nằm ở chỗ: đầu vào (bông, sợi, xăng dầu, điện nước...) tăng thoải mái mà đầu ra cầm chừng (phải đàm phán nhiều lần mới tăng được giá bán chút ít) nên không thể chắc thu nhập của người lao động sẽ được cải thiện bao nhiêu trong năm tới.
Chưa có công bố chính thức, song Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành - Lê Hải Liễu ước chừng thưởng Tết cho hơn 1.000 lao động năm nay sẽ lạc quan hơn. Cụ thể, mỗi nhân viên vẫn hưởng thêm tháng lương thứ 13. Ngoài ra, dự tính mỗi người còn được "lì xì" thêm một khoản tiền nữa, và không phải chỉ dừng lại ở vài trăm nghìn như năm ngoái mà số tiền thưởng Tết sẽ được coi như một khoản để nhân viên sắm sửa thêm cho ngày Tết. Hơn nữa, thời gian nghỉ Tết cũng sẽ kéo dài khoảng 10 ngày, tạo điều kiện cho những nhân viên ở xa có thêm thời gian đoàn tụ, chung vui năm mới với gia đình.
"Tết là khoảng thời gian mệt nhất đối với ban lãnh đạo, bởi phải chăm lo cho anh em vui xuân", Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương chia sẻ. Năm nay, HVG lãi lớn, ước tính trên 500 tỷ đồng, tăng nhiều so với năm ngoái do hưởng lợi từ biến động tỷ giá, đẩy doanh thu xuất khẩu lên cao. Hơn nữa, doanh nghiệp được vay USD, với lãi suất chỉ 4,5-5,5% một năm, chứ không cao như VND trên 10%. Chưa duyệt con số cuối cùng, song, người đứng đầu Hùng Vương ước tính thưởng Tết năm nay sẽ ở mức khả quan và cao hơn mặt bằng chung trong ngành, đủ giúp nhân viên vui.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất việc dự trù các khoản lương thưởng. Trong đó, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giống như mọi năm vẫn mạnh tay tăng mức thưởng đến gấp đôi, thậm chí gắp rưỡi. Ngoài ra, những lĩnh vực nào sử dụng nhiều chất xám như: tài chính ngân hàng, viễn thông, dầu khí hoặc các ngành dịch vụ tiền thưởng trội hơn.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và chứng khoán thì cho rằng: Kiểu gì cũng có thưởng vấn đề là ít hay nhiều. Đơn vị nào lãi lớn, thưởng Tết sẽ xông xênh. Ngược lại những công ty làm ăn thua lỗ tới vài trăm tỷ đồng thì việc ăn nói với cổ đông đã khó nói gì đến việc tăng thưởng.
Hối hả lo thưởng Tết là động thái thường thấy của lãnh đạo doanh nghiệp trong những tháng cuối năm. Mấy ngày nay, Giám đốc Công ty máy tính Bảo An – Phan Đình Sơn cùng với ban nhân sự, kế toán cũng gấp rút hoàn thiện bảng lương,thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên. Ông Sơn cho biết do năm nay thị trường bán lẻ hàng hóa rất ảm đạm, sức mua kém, dù công ty vẫn giữ ổn định tăng trưởng song doanh thu không đạt được mức kỳ vọng. Theo đó, thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên làm việc tại Bảo An cũng không thể tăng cao hơn so với mọi năm. “Vẫn là lương thứ 13 cùng với khoản thưởng 2-3 tháng như mọi năm song chúng tôi sẽ trích một khoản từ quỹ để tính thêm mức trượt giá cho anh em. Tuy nhiên, mức thưởng cao nhất dự kiến cũng chỉ dừng ở con số dưới 30 triệu”, ông Sơn nói.
Hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn chưa công bố các thông tin liên quan đến lương, thưởng của từng loại hình doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân, khu vực FDI). Tuy nhiên, giống như mọi năm, các mức thưởng sẽ chia thành 3 loại thấp nhất, bình quân, cao nhất.
“Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin chính xác về tiền lương năm 2010 và mức thưởng Tết năm 2011 từ phía các khu vực doanh nghiệp. Dự kiến đầu tháng 1/2011, Bộ sẽ công bố chính thức”, nguồn tin từ Bộ cho biết.
Theo nguồn tin này, về mặt pháp lý, luật không quy định doanh nghiệp phải báo cáo tình hình lương, thưởng Tết. Việc yêu cầu các Sở Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo chỉ để giúp cơ quan quản lý nắm rõ các thông tin nhằm phục vụ cho việc xây dựng cơ chế quản lý tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp.
Theo VnExpress