📞

Doanh nghiệp lữ hành thời Covid: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"

16:23 | 21/03/2021
TGVN. Trong hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành cho thấy sự linh hoạt và chuyển đổi mạnh mẽ để trụ vững, chờ đợi cơ hội khi thị trường phục hồi.
Các doanh nghiệp lữ hành khẳng định, ngành du lịch sẽ khó có thể phục hồi nếu thiếu sự hỗ trợ và sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương. (Nguồn: Báo Du lịch)

"Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài"

Việc đóng cửa thị trường quốc tế khiến các công ty chuyên đón khách nước ngoài vào Việt Nam (inbound) và đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài (outbound) không còn khách hàng để phục vụ. Hơn 20 năm làm nghề du lịch, chị Thái Thị Thanh Lan (Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Đông Dương - VietIndo Travel) chưa bao giờ chứng kiến hoạt động lữ hành khó khăn đến thế.

Nhân sự phải cắt giảm quá nửa, còn doanh nghiệp của chị xoay chuyển sang xuất khẩu các mặt hàng nông sản như miến dong Quốc Oai, bánh đa nem Hà Nam, mì chũ Bắc Giang, vải khô Lục Ngạn…

Cá nhân chị Lan cũng đảm nhận thêm vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp chuyên tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP trên cả nước.

"Năm 2020, cùng với sự trồi sụt của hoạt động du lịch, các công ty lữ hành đã lãnh đủ khó khăn. Chúng tôi quyết tâm phải thay đổi và làm gì đó để tự cứu mình. Dù chuyển sang làm xuất khẩu nhưng chúng tôi vẫn luôn bảo toàn các mối quan hệ, cập nhật thông tin với đối tác tại châu Âu và chuẩn bị tốt nguồn lực để quay lại với ngành du lịch", chị Lan cho biết.

Cũng giống như chị Lan, anh Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Công ty Vietworld Travel đã phải thu hẹp quy mô công ty, giảm nhân sự ở các bộ phận inbound và outbound còn mảng nội địa chỉ làm các đoàn du lịch MICE. Cả công ty chuyển sang kinh doanh thực phẩm.

"Thực phẩm luôn là mặt hàng thiết yếu, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh. Đây là cách để công ty có nguồn thu để duy trì đội ngũ nhân lực du lịch chờ sự phục hồi. Dù sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, nhưng với kinh nghiệm kinh doanh đa ngành, dữ liệu khách hàng tích lũy sau nhiều năm và tận dụng công cụ tiếp thị, bán hàng trực tuyến, công ty vẫn tiếp cận khách hàng khá nhanh, cung cấp nguyên liệu cho các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng bán lẻ…", anh Sơn chia sẻ.

Còn với Công ty Koji Travel, hoạt động lữ hành gần như "đóng băng". Công ty này chuyển sang hoạt động mảng du học Hàn Quốc, Nhật Bản – những quốc gia từng là thị trường đón khách du lịch chủ đạo của công ty trước đây. Một thuận lợi khác là việc cấp thị thực du học, lưu trú dài hạn cho học sinh Việt Nam vẫn được triển khai và các chuyến bay một chiều từ Việt Nam sang Hàn Quốc vẫn diễn ra hàng tuần.

Đặc biệt hơn, doanh nghiệp này mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi heo thương phẩm – một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với lãnh đạo công ty. Anh Nguyễn Văn Nam – CEO Koji Travel cho biết: "Lĩnh vực chăn nuôi chưa mang lại doanh thu, công ty hi vọng sẽ có trong khoảng vài tháng tới. Và đó chắc chắn là khoản doanh thu vô cùng quý giá đối với công ty cũng như gia đình tôi trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh như hiện nay".

Khi hoạt động lữ hành gần như "đóng băng", Công ty Koji Travel chuyển sang hoạt động mảng du học Hàn Quốc, Nhật Bản. (Nguồn: VOV)

Chuẩn bị cho ngày trở lại

Không còn mảng lữ hành quốc tế vốn chiếm đến 70% doanh thu, Công ty Hanotours đã định hướng lại thị trường và hoạt động của doanh nghiệp. Toàn bộ nhân sự được đào tạo về các sản phẩm du lịch nội địa để phục vụ du khách. Nhờ đó, toàn bộ nhân sự Hanotours vẫn có việc làm ổn định trong năm 2020, dù giảm lương, nghỉ ngày làm để giảm gánh nặng tài chính.

Công ty cũng nỗ lực đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh như xây dựng và thiết bị nội thất phục vụ trong khách sạn… để phát triển bền vững hơn trong tương lai, duy trì niềm đam mê với nghề và mong ngày trở lại mạnh mẽ hơn.

Ông Hồ Xuân Phúc – Giám đốc Công ty Hanotours nói: "Chúng tôi luôn cố gắng cập nhật thông tin các tuyến, điểm mới nhằm tạo ra sự lôi cuốn với du khách; tích cực đào tạo nhân sự để phục vụ du khách tốt hơn và để khi hết dịch có thể ngay lập tức có những sản phẩm, dịch vụ để dẫn dắt thị trường. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với các đối tác, nhà cung cấp và đã xây dựng sẵn các sản phẩm hấp dẫn với giá hợp lý, để sau dịch tung ra các chương trình kích cầu phục vụ du khách".

Chị Thái Thị Thanh Lan cho biết, lĩnh vực về sản phẩm OCOP cho chị cơ hội đi nhiều nơi, đặc biệt là các vùng nông thôn, từ đó giúp chị tìm ra thêm những sản phẩm du lịch mới tại Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh...

Không chỉ đưa khách tới, những tour du lịch nông nghiệp sau này của công ty chị sẽ hấp dẫn hơn, nhiều trải nghiệm hơn và nhất là đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản địa phương từ hoạt động du lịch.

Việc các điểm đến dần mở cửa trở lại và việc tiêm vaccine được triển khai rộng rãi trên thế giới cũng là tín hiệu lạc quan cho ngành du lịch. Anh Nguyễn Văn Nam cho biết, các đường bay Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ sớm nối lại, cho phép đi lại tự do hơn với những người được tiêm vaccine. Du khách đã quá nhớ điểm đến quốc tế và luôn sẵn sàng cho những chuyến đi khi điều kiện cho phép.

Cần Nhà nước giúp sức

Các doanh nghiệp lữ hành khẳng định, ngành du lịch sẽ khó có thể phục hồi nếu thiếu sự hỗ trợ và sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương.

Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đề nghị miễn hoặc giảm 50% thuế VAT đến hết năm 2021 vì hiện nay đa số không có doanh thu, phải bù lỗ do phát sinh lãi vay và các chi phí khác.

Các doanh nghiệp du lịch cần được tạo điều kiện tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0% và giãn nộp bảo hiểm xã hội để giúp giữ chân người lao động cũng như đẩy nhanh tiến độ phục hồi.

Trước mắt với hoạt động du lịch nội địa, ông Hồ Xuân Phúc kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tổ chức nhiều hơn các chương trình kích cầu với sự đồng hành của các hãng hàng không, khách sạn… để tạo nên các sản phẩm hấp dẫn kích thích người dân đi du lịch. Các chính sách trợ giá vé điểm tham quan, trợ giá vé máy bay sẽ mang lại hiệu quả tốt để kích cầu du lịch, giống như những thành công đạt được hồi tháng 6 năm 2020.

Để chuẩn bị đón khách quốc tế, chị Thái Thị Thanh Lan cho biết, các công ty lữ hành, nhất là hoạt động inbound rất cần một cơ quan làm "đầu tàu" để kết nối các đơn vị, cùng quảng bá điểm đến Việt Nam ra thị trường quốc tế một cách đồng bộ, chiến lược để thu hút khách trở lại sau đại dịch.

"Các công ty inbound đa phần đã hết nguồn lực, không đủ sức để tự xúc tiến ở nước ngoài nữa. Cơ quan nhà nước phải là người chủ trì, kết nối các bên nhằm đẩy mạnh quảng bá về hình ảnh Việt Nam an toàn và sẵn sàng. Làm được như vậy mới mong thu hút được nhiều du khách quốc tế quay trở lại", chị Lan đề xuất.

(theo Hải Nam/VOV.VN)