📞

Doanh nghiệp mắc kẹt trong 'bãi mìn' của cuộc đảo chính ở Myanmar

Khánh Linh 13:35 | 21/02/2021
TGVN. Cuộc đảo chính ở Myanmar ngày 1/2 không chỉ khiến hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI) vào quốc gia này bị đe dọa mà còn khiến cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt hoang mang, lo lắng.
Hàng trăm công nhân Myanmar tham gia biểu tình phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2. (Nguồn: AFP)

Một doanh nhân Myanmar đang tham gia đầu tư vào ngành công nghệ non trẻ của quốc gia này chia sẻ, cuộc đảo chính diễn ra ngày 1/2 vừa qua đã mang lại những ký ức đáng buồn về quá khứ đen tối của Myanmar, gieo bầu không khí sợ hãi, những điều mà anh chỉ muốn bỏ lại phía sau.

“Tôi đã từng sống vào những giai đoạn tưởng như khó khăn nhất của đất nước nhưng tôi chưa từng chứng kiến cũng không thể tưởng tượng mọi sự lại chuyển biến như vậy”, doanh nhân có công ty đặt trụ sở ở Bangkok (Thái Lan) cho hay.

Ông cho biết thêm, các công ty liên kết của doanh nghiệp mình ở Myanmar đã bị chính quyền quân đội yêu cầu thông tin về danh tính của những nhân viên vắng mặt – một phần trong nỗ lực xác định những công nhân tham gia vào các cuộc biểu tình leo thang trên đường phố.

Đe dọa đảo ngược một thập kỷ cải cách

Những hạn chế mới của chính quyền quân sự liên quan đến quyền tự do đi lại hay các dự thảo luật về Internet, giám sát dữ liệu đã gây ra sự phản kháng chưa từng có từ các nhóm ngành kinh doanh chủ chốt của đất nước.

Cuộc đảo chính lần này cũng đe dọa đảo ngược cả một thập kỷ cải cách của Myanmar. Kể từ khi bắt đầu quá trình chuyển đổi dân chủ từ chính quyền dân sự vào năm 2011 dưới sự lãnh đạo của cựu tướng Thein Sein, hoạt động kinh doanh đã trở thành động lực phát triển chính của Myanmar, hướng tới bắt kịp các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á.

Nền kinh tế Myanmar dường như đã sẵn sàng để bù đắp cho khoảng thời gian đã mất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ mức nhỏ giọt vào năm 2010 đã đạt kỷ lục 38 tỷ USD vào năm 2016. Trong 6 năm, dịch vụ điện thoại di động và tỷ lệ tiếp cận Internet đã tăng vọt từ gần 0% lên hơn 40% trên tổng số 53 triệu dân.

Lãnh đạo đảng NLD - bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức khác của Myanmar bị bắt giữ trong cuộc đảo chính vừa qua đã khiến “quỹ đạo” đó bị đe dọa chệch hướng và dấy lên những nghi ngờ về khả năng dòng vốn FDI, niềm tin kinh doanh và sự mở rộng của cuộc cách mạng công nghệ sẽ tạo nên sự bùng nổ trong khu vực.

Một nhà đầu tư tư nhân sống tại Yangon được 6 năm cho hay, thời gian tới các nhà đầu tư hay các tổ chức sẽ không bỏ tiền đầu tư cho đến khi tình hình chính trị được ổn định. “Rất có thể họ sẽ rút vốn và cắt lỗ nếu tình hình trở nên quá khó khăn”, ông này nói.

Ông Romain Caillaud, người đứng đầu Công ty cố vấn SIPA Partners có trụ sở ở Tokyo và là một chuyên gia lâu năm về Myanmar cho rằng: “việc duy trì hoạt động kinh doanh ở quốc gia Đông Nam Á này không khác gì đang đi trong một bãi mìn”.

Trong khi đó, một số nhà đầu tư quốc tế cho rằng, chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh như vậy sẽ rất tốn kém.

Doanh nghiệp tháo chạy

Kirin Holdings, công ty sản xuất bia của Nhật Bản cho biết họ đang rút khỏi liên doanh bia với MEHL - tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu của quân đội. Ông trùm người Singapore Lim Kaling cũng vừa tuyên bố rút khỏi liên doanh thuốc lá với Virginia Tobacco – công ty sản xuất thuốc lá lớn nhất Myanmar. Nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Thái Lan, Amata cho biết cũng đã đình chỉ hoạt động đối với một khu liên hợp công nghiệp mà công ty này đang phát triển ở Yangon.

“Mỗi công ty sẽ ra quyết định nên duy trì hay từ bỏ, nhưng điều này không dễ dàng”, đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Yangon cho hay.

“Liệu một cuộc bầu cử (đáng tin cậy) có được tổ chức hay không sẽ là điểm mấu chốt, nhưng không chắc các doanh nghiệp Nhật Bản có chờ đợi được đến thời điểm ấy. Nếu có bạo lực xảy ra, chúng tôi chắc chắn sẽ buộc phải hạn chế đầu tư”, doanh nhân này chia sẻ.

Làn sóng đầu tư nước ngoài vào Myanmar sẽ giảm đáng kể do tác động của tình trạng bất ổn chính trị. (Nguồn: AFP)

Ngay sau đó là những lo ngại về các biện pháp trừng phạt quốc tế chặt chẽ hơn.

Vừa qua, Mỹ đã “bắn một phát súng cảnh cáo” khi công bố trừng phạt các thành viên chủ chốt của quân đội Myanmar vì chính biến ngày 1/2, đóng băng tài sản và đưa 3 công ty do quân đội nắm giữ vào danh sách “Đối tượng được chỉ định đặc biệt” theo lệnh hành pháp từ Tổng thống Joe Biden.

Ông Alexander Dmitrenko, chuyên gia tại Công ty luật Freshfields Bruckhaus Derringer, cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đang thực hiện một cách tiếp cận cẩn thận, có tính toán bằng cách tập trung vào những nhân vật mà họ xác định là thủ phạm chính. “Nếu tình hình trong nước tiếp tục leo thang, chúng ta có thể sẽ thấy nhiều biện pháp trừng phạt hơn”, ông nói.

Sau động thái trừng phạt các nhân vật quân sự chủ chốt của Mỹ, nhiều khả năng áp lực sẽ dồn lên các đối tác kinh doanh khác của MEHL như nhà sản xuất thép Hàn Quốc Posco International, nhà sản xuất quần áo Pan-Pacific Group và nhà phát triển bất động sản Inno Group.

Tất nhiên, theo một số chuyên gia, các công ty đang tháo chạy khỏi Myanmar có thể tạo ra chỗ trống cho các nhà đầu tư ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt - đặc biệt là các nhà đầu tư từ Trung Quốc và một số đối tác châu Á khác.

(theo Nikkei Asian Review)