📞

Doanh nghiệp Mỹ “khó thở” tại “công xưởng” Trung Quốc

07:51 | 22/08/2018
Các nhà chế tạo Mỹ đang ngày càng cảm thấy “khó thở” khi làm ăn tại Trung Quốc khi nước này chuyển đổi ưu tiên từ sản xuất cấp thấp sang các lĩnh vực công nghệ cao, một phần của nỗ lực nâng tầm vị thế của nền kinh tế.  

Và họ còn lo lắng hơn khi những đe dọa “ăn miếng trả miếng” về thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục được đưa ra. Đây được coi là “sát thủ” đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ồ ạt “rút quân” khỏi Trung Quốc

Larry Sloven, Chủ tịch Capstone International HK Ltd, nhà sản xuất đồ điện tử tiêu dùng thuộc Capstone Companies (có trụ sở ở Deerfield Beach, Florida, Mỹ), đã bắt đầu làm ăn tại Trung Quốc cách đây khoảng ba thập niên, khi quốc gia Đông Bắc Á này được coi là trung tâm sản xuất giá rẻ của thế giới. Nhờ đó, công ty của ông trở thành một trong những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới khi xuất khẩu hàng triệu USD hàng hóa từ các thiết bị điện cho tới đèn LED.

Những đe dọa “ăn miếng trả miếng” về thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục được đưa ra khiến doanh nghiệp Mỹ lo lắng.

Tuy nhiên, thời kỳ đó đang dần kết thúc. Trong nhiều năm qua, ông Sloven đã chứng kiến lợi nhuận của công ty suy giảm do chi phí sản xuất tăng cao, Chính phủ Trung Quốc thắt chặt hơn các quy định và chính sách nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững và định hướng theo dịch vụ thay vì sản xuất. Và như “giọt nước làm tràn ly”, khi nguy cơ bị áp các mức thuế mới từ cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như xu hướng bảo hộ lan rộng trên toàn cầu, càng khiến triển vọng kinh doanh của nhiều nhà sản xuất như Capstone International trở nên ảm đạm hơn.

Hiện tại, ông Sloven đang đẩy nhanh nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc thông qua việc đa dạng hóa các trung tâm sản xuất đang phát triển như Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. Rất nhiều nhà sản xuất thuộc các lĩnh vực khác nhau như thiết bị y tế, máy nông nghiệp xuất khẩu sang Mỹ đều đang xem xét lại việc sản xuất tại Trung Quốc.

Charles M. Hubbs, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của nhà sản xuất các sản phẩm y tế Premier Guard cho biết, trước khi các cuộc chiến về thuế quan nổ ra, công ty này cũng đã tính tới chiệc chuyển 30% hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ, do mức lương chi trả cho lao động tăng, lực lượng lao động thu hẹp và các chi phí khác cũng đội lên cao. Tuy nhiên, theo ông Hubbs, với những diễn biến mới nhất về chính sách thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, với giả định những biểu thuế đó sẽ được thực thi, Premier Guard sẽ chuyển khoảng 60% hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về lại Mỹ.

Các công ty khác cũng đang xem xét kỹ các lựa chọn của họ, bao gồm cả việc hạn chế nguồn cung bổ sung từ Trung Quốc, chuyển nguồn cung sang các quốc gia khác hoặc đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ.

Chuỗi cung ứng bị đe dọa

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang khi Tổng thống Donald Trump dọa sẽ áp thuế bổ sung đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với một số doanh nghiệp nước ngoài đang đặt cơ sở chế tạo tại Trung Quốc, tác động này đã xuất hiện rõ ràng và trực tiếp. AGCO Corp có trụ sở tại Georgia (Mỹ) đã trình bày với Đại diện Thương mại Mỹ rằng, chính sách thuế quan mới sẽ làm cho các thiết bị nông nghiệp mà họ sản xuất tại Thường Châu, thành phố thuộc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, kém cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ.

Maroon Group, một nhà sản xuất hóa chất tại Bắc Mỹ cho biết, các sản phẩm của công ty này sẽ bị đội giá và vượt quá khả năng chi trả của người tiêu dùng, qua đó khiến họ đánh mất dần thị phần. Đây cũng là lo ngại của Goodman Global, công ty chuyên lắp ráp điều hòa không khí từ các linh kiện sản xuất tại Trung Quốc, có trụ sở tại Houston (Mỹ).

Một số doanh nghiệp đã đưa ra quyết định của mình. Nhà sản xuất nội thất At Home Group Inc và RH cho biết, họ sẽ cắt giảm hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác lại nỗ lực điều chỉnh chuỗi cung ứng. DSM China Ltd, thuộc tập đoàn sản xuất thực phẩm dinh dưỡng Royal DSM của Hà Lan, đang tìm cách thay thế đậu tương của Mỹ bằng những nguyên liệu mới như bột đậu, có thể lấy từ nguồn cung địa phương để tránh các chính sách thuế trả đũa mà Bắc Kinh áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Ông Bernard Cheung, Giám đốc chiến lược tiếp thị toàn cầu của DSM China Ltd, nói: “Những rủi ro gia tăng từ tình hình căng thẳng thương mại đã tạo cho chúng tôi động lực để xem xét lại toàn bộ hoạt động kinh doanh”. Công ty sản xuất chất phủ chống dính GMM có trụ sở tại Mỹ đã chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Ấn Độ, sau khi số đơn đặt hàng tại Trung Quốc giảm 30 - 40%, chủ yếu do các khách hàng quan trọng của công ty này như George Foreman và Baker's Secret đã chuyển một số mảng sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Về quy mô, Trung Quốc cũng không thể dễ dàng bị thay thế. (Nguồn: Sky)

Theo ôngDan Krassenstein, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của ProconPacific, công ty sản xuất túi chuyên dụng để đóng gói hàng hóa công nghiệp, công ty này đang dần chuyển hoạt động sản xuất sang khu vực Nam Á và Đông Nam Á, nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực giá rẻ hơn, trong khi Bắc Kinh cũng không khuyến khích các ngành sản xuất gây ô nhiễm và lợi nhuận thấp. Ông Krassenstein nhấn mạnh, căng thẳng về thuế quan leo thang sẽ chỉ góp phần đẩy nhanh nỗ lực này.

"Vị trí khó thay thế"

Dù vậy, vẫn còn khá nhiều nhà sản xuất nước ngoài vẫn duy trì hoạt động tại Trung Quốc, đặc biệt là những nhà sản xuất nhắm đến thị trường nội địa Trung Quốc hoặc khu vực châu Á rộng lớn.

Theo khảo sát các nhà điều hành doanh nghiệp do Reuters thực hiện, Trung Quốc vẫn là nước có cơ sở hạ tầng tốt nhất, mạng lưới chuỗi cung ứng mạnh và năng lực kỹ thuật cao. Đây được xem là một trở ngại lớn cho các đối thủ tiềm năng đang tìm cách thu hút các doanh nghiệp với chi phí hoạt động thấp hơn.

Về quy mô, Trung Quốc cũng không thể dễ dàng bị thay thế, bởi báo cáo của Viện Brookings cho hay, nước này có sản lượng chế tạo khoảng 2.000 tỷ USD, mức cao nhất trên thế giới.

Hồi tháng Sáu, Bird- một công ty khởi nghiệp về dịch vụ cho thuê xe scooter có trụ sở tại California (Mỹ)- đã trình bày với Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ rằng, Bird chưa biết liệu có công ty sản xuất xe điện nào của Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu của công ty này hay không.

Trong khi đó, Keith Siilats, người đứng đầu Bytelogics-  một công ty khởi nghiệp tương tự của Mỹ đặt hoạt động sản xuất tại Trung Quốc cho biết, rất khó để rút hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Thay vào đó, ông hy vọng Bytelogics sẽ thích ứng tốt với chi phí hoạt động cao hơn ở thời điểm hiện tại và lên kế hoạch phát triển hoạt động ở châu Âu, nơi ít bị áp lực hơn bởi các chính sách thuế quan.

Các chuyên gia cho rằng, “đế chế” sản xuất của Trung Quốc sẽ khó có thể biến mất ngày một ngày hai, nhưng một sự thay đổi là không thể tránh khỏi. Bối cảnh này đang tạo cơ hội cho các đối thủ của Trung Quốc trong khu vực bước lên và cạnh tranh với nước này.

Thái Lan đang tích cực thể hiện mình là một trung tâm sản xuất của châu Á, cung cấp các ưu đãi như miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 8 năm đối với một số ngành và miễn thuế nhập khẩu đối với một số nguyên liệu thô. Ngoài ra, một thỏa thuận thương mại tự do giữa Trung Quốc và ASEAN có thể giúp giảm thiểu rủi ro từ cuộc chiến thương mại hiện tại cho các công ty làm ăn với cả Mỹ và Trung Quốc.

(Theo Reuters)