📞

Doanh nghiệp “ngại” đầu tư vào nông nghiệp vì đất đai manh mún

21:20 | 30/10/2018
Ngày 30/10, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Các rào cản trong phát triển thị trường đất nông nghiệp Việt Nam”.

Hội thảo nhằm mục tiêu rà soát, đánh giá các rào cản thể chế trong phát triển thị trường đất nông nghiệp nhằm đưa ra các đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật (Nghị định 43, Nghị định 135, các chính sách tín dụng, thu hút đầu tư…) hướng tới tăng hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đất nông nghiệp kém hấp dẫn

Theo IPSARD, hiện nay, hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có diện tích nhỏ hơn 0,5ha.  Điều này khác biệt khá lớn so với các nước trong khu vực, khi từ năm 2012, Thái Lan có 1,4 triệu mảnh ruộng có quy mô hơn 22 ha. Tại Trung Quốc, từ năm 2013, 8,82% diện tích có quy mô hơn 3 ha/mảnh, 0,1% diện tích có quy mô 30-70ha/mảnh.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD cho rằng, đất đai là khâu đầu tiên trong đột phá phát triển nông nghiệp. Xã hội Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã bước vào giai đoạn phát tiển mới, tỷ trọng công nghiệp lớn lên, nông nghiệp có chức năng mới là nền kinh tế nông nghiệp. Do đó, cần có những chính sách mới phù hợp thực tế, tháo gỡ các rào cản nhằm phát triển thị trường đất nông nghiệp Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Vi Vi)

Ông Tuấn cho biết, ngoài vấn đề manh mún, đất đai nông nghiệp còn khá nhiều tồn tại như quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra chậm; thống kê không sát thực tế; cơ sở dữ liệu đo đạc thiếu cập nhật…Điều này gây khó khăn không nhỏ cho việc phát triển thị trường đất đai, đất nông nghiệp kém hấp dẫn, không thể thu hút đầu tư từ doanh nghiệp.

Mô hình cho thuê quyền sử dụng đất dưới hình thức doanh nghiệp thuê đất hiện đã bắt đầu phổ biến nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiếu khung pháp lý, quỹ đất ngày càng hạn chế, thủ tục thẩm định dự án phức tạp, đất manh mún nên khó đạt đồng thuận của số lượng lớn hộ dân…

Một số ý kiến cho rằng, sản xuất nông nghiệp hiệu suất thấp, rủi ro cao nên doanh nghiệp thực sự không muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn bỏ ra lần đầu rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu vì còn phụ thuộc vào chu kỳ sản xuất nông nghiệp, nên đòi hỏi địa phương phải có cơ chế mạnh để thu hút đầu tư

Tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc

Chia sẻ về kinh nghiệm tích tụ, tập trung đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết, trong những năm 2013 - 2015, tỉnh đã tổ chức một số đoàn cán bộ chủ chốt, chuyên viên có trình độ kỹ thuật cao đi tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và khảo sát nhu cầu sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch của các doanh nghiệp, các tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và ở các nước tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. Qua học hỏi kinh nghiệm cho thấy sự phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Để phục vụ thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, Hà Nam đã mạnh dạn đứng ra thuê đất của dân (20 năm), sau đó cấp tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại đúng như thời gian thuê đất và giá thuê đất của dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nông dân vẫn giữ.

Lý giải về việc chính quyền địa phương đứng ra thuê lại đất nông nghiệp của nông dân, ông Ngọc cho biết: “Ruộng đất tại nhiều địa phương hiện nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc tích tụ đất đai gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân vẫn băn khoăn vấn đề cho thuê 20 năm sau, thì sau thời gian đó đất còn hay mất. Vì thế, người dân rất cần một sự tin tưởng mà chỉ có chính quyền địa phương mới có thể đủ sức đảm nhiệm vai trò này”.

Bên cạnh đó, Hà Nam cũng thí điểm ứng từ ngân sách của tỉnh trả tiền thuê đất cho các hộ dân trong thời gian thuê đất 20 năm, sau đó doanh nghiệp trả tiền thuê đất 10 năm đầu ngay sau khi ký hợp đồng, sau 10 năm nộp trả hết số tiền thuê đất còn lại. Đổi lại, doanh nghiệp khi thuê đất cần phải cam kết với chính quyền địa phương là ưu tiên lao động địa phương, ưu tiên các lao động thuộc hộ có đất cho thuê.

Hà Nam đã bước đầu thành công trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhờ tích tụ ruộng đất. (Nguồn: VOV)

Với cách làm hiệu quả, sau một thời gian thí điểm, đến nay đã Hà Nam đã tích tụ 375,5 ha; 2 khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Lý Nhân đã đi vào hoạt động với diện tích 202,3 ha; giải quyết việc làm cho trên 400 lao động nông thôn, với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Dù vậy, ông Ngọc thừa nhận, bên cạnh những thành công bước đầu, quy trình này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như vẫn còn một số hộ dân băn khoăn về chủ trương tích tụ ruộng đất, cho rằng cho thuê đất là mất đất, khi hết thời gian thuê đất doanh nghiệp trả lại đất thì mặt bằng không sản xuất được; một số hộ dân đã đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp lại kích động nhân dân không cho thuê đất, do sợ tích tụ ruộng đất ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của họ…

“Vướng mắc lớn nhất vẫn là chính quyền các cấp chưa được phép thuê đất của dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại vì Luật đất đai năm 2013 không quy định các cấp chính quyền được thuê quyền sử dụng đất của dân”, ông Ngọc chia sẻ.

Ông Võ Thành Minh, Phó Chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cũng chỉ ra những thách thức trong việc kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp vào nông nghiệp: cơ chế chính sách của trung ương phục vụ cho hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ. nhiều bất cập; các quy định của Chính phủ, Bộ ngành trung ương về thủ tục đầu tư còn tốn nhiều thời gian ảnh hướng đến khả năng tiếp cận đầu tư của doanh nghiệp; một số vùng giao thông thủy lợi nội đồng trong tỉnh đã và đang được đầu tư nhưng chưa đồng bộ và chưa hoàn thiện…