Chiều 16/2, Cục Phát triển doanh nghiệp (PTDN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ, tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022: Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam.
Báo cáo là ấn phẩm thường niên trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Cục PTDN triển khai. Báo cáo cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình và xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam, phân tích mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp và đưa ra những góc nhìn chuyên gia với một số bài học thành công của một số doanh nghiệp điển hình tiến hành chuyển đổi số thành công.
Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022. (Nguồn: USAID) |
Báo cáo được xây dựng dựa trên khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: Nông, lâm, thủy sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn và bán lẻ; Giáo dục đào tạo;… thông qua các hoạt động trong khuôn khổ của Chương trình.
Đây cũng là báo cáo duy nhất được các cơ quan chức năng xây dựng cung cấp các thông tin chính thống cho cộng đồng doanh nghiệp dựa trên các khảo sát cập nhật và thực tiễn về chuyển đổi số.
Kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy những bước trưởng thành đáng kể của doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV trong hành trình chuyển đổi số so với năm 2021.
Thứ nhất, năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này dù ít hay nhiều (năm 2021, nhiều doanh nghiệp đang ở bước học tập, tìm hiểu và tham khảo thông tin, chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số. Sự thay đổi này chủ yếu đến sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.
Thứ hai, các doanh nghiệp đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu và chuẩn hoá quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.
Tuy vậy, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp mà đặc biệt là DNNVV vẫn mang tính cục bộ và rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện chuyển đổi số một cách rõ ràng ngay từ đầu. Vì vậy mà việc đầu tư chuyển đổi số vẫn chưa mang lại thành công như mong đợi ở nhiều doanh nghiệp.
Thứ ba, phân tích mức độ sẵn sàng (MĐSS) của các doanh nghiệp (chủ yếu là DNNVV) cho thấy doanh nghiệp trong hầu hết các ngành đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi lên môi trường số. Tuy nhiên, từng lĩnh vực có MĐSS chuyển đổi số khác nhau đòi hỏi xây dựng lộ trình khéo léo để phù hợp với đặc trưng của từng doanh nghiệp và từng ngành nghề.
Thứ tư, định hướng & chiến lược, con người & tổ chức, trải nghiệm khách hàng & bán hàng đa kênh là 3 khía cạnh có MĐSS chuyển đổi số tốt nhất. Quản trị rủi ro vẫn là điểm hạn chế của hầu hết các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề.
Thứ năm, các doanh nghiệp dù có đủ nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc hỗ trợ, tư vấn về lộ trình chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng giải pháp chuyển đổi số phù hợp là thực sự cần thiết trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục PTDN cho rằng, năm 2022, những tác động sau dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tính tất yếu của xu hướng chuyển đổi số đã được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận và tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, giúp doanh nghiệp thích ứng, và thậm chí tăng tốc trong giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ vừa qua.
"Nhiều nghiên cứu và bài học thực tiễn đã chứng minh những doanh nghiệp biết áp dụng công nghệ tiên tiến sớm hơn có cơ hội tạo ra những bước tiến lớn hơn, bắt kịp với xu hướng phát triển và tạo thêm nhiều giá trị mới, tạo khoảng cách ngày càng xa với các doanh nghiệp chưa chuyển đổi", bà Hương khẳng định.
Theo bà Hương, Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 nhằm nâng cao nhận thức chung về một số xu hướng công nghệ trên thế giới, hiểu được thực trạng, mức độ sẵn sàng (MĐSS) chuyển đổi số, cũng như học hỏi từ những câu chuyện về chuyển đổi số sẽ giúp mỗi doanh nghiệp xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp của riêng mình, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Dự án ưu tiên hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số. (Nguồn: Báo Lao động) |
Đại diện dự án, ông Daniel Fitzpatrick – Giám đốc Dự án USAID LinkSME chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp đã được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số và hiện đang nỗ lực thực hiện các sáng kiến và chiến lược chuyển đổi số của riêng mình, một số doanh nghiệp nhờ đó mà thực hiện quá trình chuyển đổi số nhanh và hiệu quả hơn các doanh nghiệp khác.
Trong bối cảnh đó, nội dung khảo sát – trọng tâm của báo cáo thường niên này thể hiện được tầm quan trọng đối với doanh nghiệp. Dự án USAID LinkSME sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam. Các hoạt động hỗ trợ này sẽ bao gồm xây dựng thêm một số tài liệu sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số, tổ chức tập huấn và cung cấp hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số cho những doanh nghiệp được lựa chọn – tất cả các hoạt động này dự kiến được thực hiện trong nửa đầu năm 2023".
| Thanh niên ngoại giao và sức bật mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số Chuyển đổi số không chỉ là một mỹ từ của truyền thông, mà đó thực sự là một quá trình hành động nhằm thay đổi ... |
| Chuyển đổi số phải được tiến hành thường xuyên, liên tục Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 16/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển ... |
| Doanh nghiệp Singapore: Việt Nam là điểm đến hàng đầu và yêu thích trong chuyển đổi số, kinh tế xanh Việt Nam là đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu và đang là điểm đến yêu thích của các doanh nghiệp Singapore trong các ... |
| Sáng 15/2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Surendra Rosha, đồng Tổng giám đốc điều hành khu vực ... |
| Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Khi Việt Nam đã ‘bước lên thuyền’ Đại hội XIII của Đảng đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Trong các văn kiện của Đại hội XIII của Đảng, ... |