Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm '3 tại chỗ' gồm: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. (Nguồn: Thanh Niên) |
Nỗ lực vừa sản xuất, vừa phòng dịch
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp là thành phần duy trì và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong mọi tình huống, luôn cần cân nhắc đến việc đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh những tháng qua ở các tỉnh phía Nam cho thấy tính chất của đợt dịch này khác với những lần trước. Vì vậy, khả năng bước ra khỏi "cuộc chiến" chống Covid-19 không thể nhanh chóng như những đợt dịch trước.
Nếu dịch còn kéo dài mà toàn bộ hoạt động sản xuất vẫn đình trệ thì hậu quả cho nền kinh tế và xã hội rất nghiêm trọng. Do đó, phải tìm ra cách chung sống với dịch, sản xuất ngay cả khi có dịch.
Tại TP. Hồ Chí Minh, để hỗ trợ hoạt động sản xuất, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án.
Cụ thể, phương án 1 là tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).
Phương án 2 là tiếp tục thực hiện Phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).
Phương án 3 là cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm”. Cuối cùng là phương án 4 là tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.
Công ty TNHH Nidec Việt Nam Corpotation (tại Khu Công nghệ cao, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) có hơn 6.000 lao động. Hiện tại, Công ty đang thực hiện cả phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm” để đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa sản xuất. Vì vậy, số người lao động giảm còn 2.000 người .
Đại diện Công ty Nidec Việt Nam cho biết, số lượng công nhân giảm còn 1/3, trong đó bố trí 500 người thực hiện “3 tại chỗ” và 1.500 lao động còn lại thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm”. Chi phí thuê khách sạn lưu trú cho công nhân rất lớn, ước tính lên đến 40 tỷ/tháng, tiền ăn 35.000/bữa/công nhân.
Đại diện Công ty chia sẻ: "Đối với người lao động ở tại Công ty, yêu cầu sau khi hết ca phải ở phòng, lều đã chỉ định. Không được đi ra khỏi nơi lưu trú, không mua sắm. Thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế mỗi ngày. Khi ở khách sạn cách ly tuyệt đối không đi lại giữa các phòng. Bố trí bảo vệ kiểm soát chặt tại các khách sạn.
Đối với xe đưa đón công nhân, không để trùng thời gian đưa đón, tối đa 20 người/xe, có vị trí ngồi cố định, trước khi lên xe tất cả đều phải đo thân nhiệt và yêu cầu không xuống xe trên đường đi…".
Tại Hà Nội, với phương châm “nhanh hơn một bước, cao hơn một mức” trong triển khai các phương án phòng, chống dịch Covid-19, người lao động cam kết thực hiện quy trình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, đảm bảo 5K trong mọi hoạt động, Liên đoàn Lao động các quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đã phối hợp với doanh nghiệp triển khai mô hình “vùng xanh doanh nghiệp”.
Ông Hoàng Văn Tiển, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam trên địa bàn quận Hoàng Mai thông tin, mặc dù đơn hàng của công ty dồi dào, nhu cầu sản xuất lớn, song đặt tiêu chí sức khỏe người lao động và an toàn sản xuất lên hàng đầu, để thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19, công ty đã triển khai làm việc giãn cách, chia 3 ca độc lập, cách nhau 15 phút, không gặp nhau giờ giao ca, đi và về theo lối riêng.
Tất cả công nhân, nhà thầu, khách hàng khi đến công ty đều phải quét QR code, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, công ty thực hiện xét nghiệm trước khi nhân viên vào nhà máy và thực hiện xét nghiệm định kỳ theo phương pháp RT-PCR cho tất cả người lao động.
Ông Hoàng Văn Tiển cho biết, triển khai mô hình “vùng xanh doanh nghiệp”, công ty cũng đã giao cho Tổ An toàn Covid-19 của doanh nghiệp hướng dẫn, thực hiện, kiểm tra nội quy, kịp thời báo cáo tình hình hàng ngày cho doanh nghiệp và công đoàn cơ sở. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người lao động tuyệt đối tuân thủ 5K, thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” và phát khẩu trang cho người lao động trước mỗi ca làm việc.
Doanh nghiệp bố trí chỗ ăn có vách ngăn cho công nhân để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. (Ảnh: Minh Hưng/Tienphong) |
Bộc lộ bất cập
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” tại các khu công nghiệp, khu sản xuất là phương án tốt. Tuy nhiên, dù phương án này đã được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi triển khai tại các địa bàn khác, nhất là ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh đã bộc lộ bất cập.
Nguyên nhân là có sự khác biệt ở hai khu vực; các khu công nghiệp phía Bắc ít người hơn trong khi ở phía Nam có những khu có tới hàng chục nghìn công nhân. Đặc biệt, ở miền Nam, người lao động đến từ rất nhiều tỉnh, thành phố khác nhau chứ không như ở miền Bắc. Nếu để người lao động ở tại một chỗ quá lâu cũng ảnh hưởng đến tâm lý, từ đó dẫn đến giảm năng suất lao động cùng các vấn đề khác về an sinh xã hội...
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm: "Ngoài ra, chi phí để thực hiện phương án '3 tại chỗ' quá cao, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì được. Doanh nghiệp cũng lo ngại khi một số quy định của các địa phương còn khác nhau khi phát sinh trường hợp mắc Covid-19 trong khu công nghiệp.
Có địa phương yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa ngay cơ sở sản xuất đó trong khi doanh nghiệp đã rất tốn kém để chuẩn bị phương án sản xuất '3 tại chỗ'. Do vậy, có một số doanh nghiệp đã chủ động không làm nữa"
Tại Toạ đàm trực tuyến “Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng” diễn ra mới đây, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải cũng nhận thấy, khi TP. Hồ Chí Minh và 19 tỉnh thành thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, các doanh nghiệp gần như phải dừng sản xuất ngay lập tức. Dù đã tạo ra lối mở qua cơ chế "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" nhưng áp dụng cơ chế này rất khó, đòi hỏi thời gian, chi phí, không phải doanh nghiệp nào cũng triển khai được.
Ông Trần Thanh Hải cho hay, thậm chí, có doanh nghiệp áp dụng '3 tại chỗ' lại trở thành ổ dịch khiến rất nhiều công nhân ở lại nhà máy trở thành F0, doanh nghiệp lại phải tốn kém chi phí để xử lý. Những doanh nghiệp khác nhìn thấy như vậy cũng e dè.
Ngay cả với doanh nghiệp tiếp tục duy trì "3 tại chỗ", nhưng thiếu nguyên liệu, bán thành phẩm do các doanh nghiệp khác cung cấp nên đến một thời điểm việc sản xuất cũng phải lại dừng lại, không tạo ra được sản phẩm cuối cùng.
Sinh mệnh là trên hết nhưng cũng không thể coi thường sinh kế. Giai đoạn khó khăn do đại dịch cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và thể chế nói chung, bởi đây là lúc dễ tiến tới những đồng thuận hơn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp. |
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh: "Doanh nghiệp dừng sản xuất cũng ví như con người nín thở. Nín thở cũng có giới hạn, tuỳ từng người có thể lâu hay mau. Với cả nền kinh tế thì thời hạn nín thở đó là bao lâu, đến nay là một tháng rồi, liệu có thể chịu thêm 1 tuần, 2 tuần hay 1 tháng nữa không?
Ngay lúc này phải đề ra một sách lược để thoát ra tình trạng này thế nào? Doanh nghiệp cần được sản xuất để duy trì sản lượng, duy trì lực lượng lao động thì chuỗi cung ứng mới phục hồi được”.
Cần những giải pháp lâu dài
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, với tình hình hiện tại, vaccine là giải pháp cứu cánh, nhưng sẽ phải mất vài tháng nữa mới có thể triển khai rộng rãi.
Và kể cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng 60-70% dân số, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài với những biến thể dễ lây lan hơn. Do đó, phải xác định đây là cuộc chiến trường kỳ - cuộc chiến về cả y tế và kinh tế, đòi hỏi phải có những giải pháp lâu dài, có tính chiến lược.
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Chúng ta phải xác định tinh thần là cuộc chiến sẽ trường kỳ, không ai có thể đưa ra dự báo lạc quan lúc này. Do đó, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuyển trạng thái.
Các biện pháp cấp bách không thể kéo dài được, mà phải tính phương án từng bước mở cửa nền kinh tế như thế nào, làm sao để doanh nghiệp vừa phòng dịch vừa sản xuất kinh doanh. Việc này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo để đưa ra các phương thức mới, thích ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay”.
Đề cập sâu hơn về các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn trong đại dịch, ông Lộc cho hay, cần phải đề cao vai trò, tính sáng tạo, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cũng phải tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đó và nên có những tiêu chuẩn, quy định rõ ràng, minh bạch áp dụng cho cả nước.
Chủ tịch VCCI khẳng định: "Nếu chỉ áp dụng cứng các biện pháp thì nền kinh tế sẽ không chịu được. Do đó, cần có sự chuyển trạng thái linh hoạt hơn, đề cao vai trò và sự sáng tạo của cơ sở, chấp nhận sự rủi ro. Tất nhiên sinh mệnh là trên hết nhưng cũng không thể coi thường sinh kế.
Giai đoạn khó khăn do đại dịch này cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và thể chế nói chung, bởi đây là lúc dễ tiến tới những đồng thuận hơn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Thực ra chúng ta không có gói hỗ trợ lớn như các nước được. Vì thế, những hỗ trợ về chính sách, về thị trường chính là gói hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, đây sẽ là sự chuẩn bị tốt nhất cho sự bứt phá vươn lên sau đại dịch”.
| Trưởng ban Pháp chế VCCI: Doanh nghiệp cần những gói hỗ trợ lớn chưa từng có Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, đại dịch Covid-19 mang đến ... |
| Doanh nghiệp sẽ được 'bắt mạch, kê đơn' về công nghệ và tiếp thị số để sớm vượt 'bão' Covid-19 Nhằm mục tiêu nâng cao năng lực trong hoạt động tiếp thị số cho các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như xây dựng một mạng ... |