Không ngạc nhiên về kết quả kinh tế
Dù phải đối mặt với các làn sóng Covid-19 nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam quý II/2021 vẫn đạt 6,61% và 6 tháng đầu năm đạt 5,64%? Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
Tôi không ngạc nhiên về kết quả tăng trưởng GDP trong quý II/2021 và 6 tháng đầu năm. Ngay từ cuối năm 2020, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và một số nhà kinh tế trong nước đã đưa ra dự báo khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm nay. Phần lớn các dự báo đó nằm trong khoảng từ 6,5-7%.
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo. (Ảnh: NVCC) |
Cá nhân tôi cũng nhận thấy, kinh tế Việt Nam có các tín hiệu lạc quan trong năm 2021. Sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, Việt Nam khởi đầu một nhiệm kỳ mới của những nhà lãnh đạo, với những chính sách mới và những định hướng quan trọng để phát triển đất nước về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế.
Thêm vào đó, những chính sách nới lỏng tối đa về tiền tệ và tài khóa trong năm 2020 để “giảm đau” cho nền kinh tế trước những tổn thương do đại dịch Covid-19 cũng đã phát huy tác dụng trong các tháng đầu năm nay.
Song song với đó, chính sách thúc đẩy đầu tư công, các biện pháp hỗ trợ tài chính, sự bật dậy của hiệu ứng “lò xo nén” về tiêu dùng và đầu tư của người dân đã góp phần làm tăng tổng cầu.
Chưa kể, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực tài chính và thị trường bất động sản. Tất cả những điều này đã đem lại kết quả tăng trưởng kinh tế rất mạnh trong quý I, II/2021.
Con số tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm phản ánh những hoạt động kinh tế của các tháng trước đó, khi đợt dịch lần này chưa bùng phát. Với sự gia tăng của tổng cầu, sự phục hồi của các hoạt động đầu tư, tiêu dùng, đặc biệt là vào dịp Tết âm lịch đã tạo ra tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm là hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, chúng ta phải lo lắng về triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm, khi đại dịch Covid-19 và quá trình giãn cách xã hội đang lan rộng ra nhiều địa phương và các hoạt động kinh tế bị co lại. Vì vậy, 6 tháng cuối năm sẽ là thách thức lớn cho các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của Chính phủ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý II/2021 vẫn cho thấy số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới, điều đó có đáng lo ngại, thưa ông?
Nhìn lại năm 2020, có thể thấy, đây là một năm ngoạn mục đối với kinh tế Việt Nam.
Dù đại dịch liên tục bùng phát nhưng Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp mạnh tay để chống dịch và dập dịch. Vì vậy, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới duy trì được mức tăng trưởng dương, đảm bảo hoạt động kinh tế và sức khỏe của người dân. Đó là những dấu hiệu lạc quan và thành quả đáng ghi nhận.
Các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp năm 2020 khá toàn diện và đầy đủ. Tuy số tiền hỗ trợ chưa nhiều nhưng nhìn vào mối tương quan của ngân sách nhà nước, mức lương tối thiểu... đó là sự cố gắng lớn của Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách. |
Chúng ta đã nói rất nhiều đến các nguyên nhân để Việt Nam đạt được thành quả này nhưng một trong số những nguyên nhân quan trọng nhất là sức chịu đựng của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Một trong những đặc tính của người Việt Nam là dành dụm và tiết kiệm. Các nguồn tiết kiệm đó nằm ở các quỹ dự trữ, dự phòng của doanh nghiệp. Vì vậy, khi dịch bệnh hoành hành vào năm 2020, nguồn tích lũy này giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, duy trì hoạt động kinh doanh, đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động và duy trì đơn hàng với các đối tác.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra rằng, sau hơn một năm phải chống chọi với Covid-19, nguồn quỹ đó còn được bao nhiêu?
Tôi cho rằng, việc các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là dấu hiệu đáng lo ngại. Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, nếu họ không chống chịu được, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực.
Năm ngoái, Việt Nam cũng đã có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ngày 1/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết 68 gồm 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người chịu ảnh hưởng bởi đại dịch với số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các gói hỗ trợ cũ và quy mô của gói hỗ trợ mới?
Theo đánh giá của tôi, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp năm 2020 khá toàn diện và đầy đủ. Các gói hỗ trợ đã hướng tới các đối tượng khác nhau, từ người lao động có hợp đồng dài hạn, hưởng lương ngân sách đến lao động tư nhân...
Tuy số tiền hỗ trợ chưa nhiều nhưng nhìn vào mối tương quan của ngân sách nhà nước, mức lương tối thiểu... đó là sự cố gắng lớn của Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách.
Năm ngoái, ngay khi đại dịch bùng phát, các gói hỗ trợ của Chính phủ đã được ban hành nhanh chóng, toàn diện. Tuy nhiên, giữa ý tưởng, nội dung của các gói hỗ trợ đến quá trình thực thi còn có khoảng cách khá lớn.
Nguyên nhân khách quan đến từ việc bộ máy hành chính của Việt Nam lần đầu tiên phải xử lý một gói hỗ trợ như thế này, khiến người thực thi chính sách còn khá e dè.
Tại thời điểm đó, Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm và thông tin để xử lý tình huống bất ngờ. Nhìn ra thế giới, các nhà kinh tế nhận định, Covid-19 là cú sốc mạnh nhất trong lịch sử kinh tế học và không quốc gia nào có đủ kinh nghiệm để “làm gương” cho những quốc gia khác về các chính sách “giảm đau” kinh tế.
Về chủ quan, lực lượng của Việt Nam còn khá mỏng nên việc xử lý các gói hỗ trợ tương đối khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ quan hoạch định chính sách phải đối mặt với các hạn chế về thông tin, năng lực thực thi của các bộ máy khiến cho các gói hỗ trợ năm 2020 chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trên thế giới, người ta dùng khái niệm “tiền trực thăng” (ý tưởng ban đầu do nhà kinh tế Milton Friedman, Mỹ đưa ra vào năm 1968) để nói về những hiện tượng tương tự. Khái niệm này hàm ý rằng, để tiền đến tay người dân nhanh nhất chỉ có cách chất tiền lên máy bay và thả xuống.
Đây cũng là ẩn dụ của một chính sách hỗ trợ tài khóa trên diện rộng để chống giảm phát và suy thoái nhưng chỉ khả thi về mặt lý thuyết.
Ở các nước khác, họ cũng gặp khó khăn trong việc đưa tiền từ các gói hỗ trợ đến tay người dân và đó là tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Gói hỗ trợ vừa được Chính phủ ban hành được quy định rõ rằng, cụ thể và chặt chẽ hơn so với năm 2020.
Tuy nhiên, muốn gói hỗ trợ này thành công, Chính phủ phải vượt qua được tình thế kể trên. Để làm được điều này, bên cạnh nội dung chính sách hỗ trợ, cần có những hướng dẫn, quy định chi tiết cho các cơ quan thực thi chính sách.
Sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam khởi đầu một nhiệm kỳ mới, với những chính sách mới và những định hướng quan trọng để phát triển đất nước về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế. (Nguồn: Vnexpress) |
Tình hình mới, cần chiến lược mới
Với mức tăng GDP 5,64% trong nửa đầu năm, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% của năm nay, kinh tế cần tăng 6,3% trong 6 tháng cuối năm. Theo ông, Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu này không?
Theo quan điểm của tôi, các mục tiêu tăng trưởng kinh tế giống như KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc). Những chỉ tiêu tăng trưởng được Quốc hội, Chính phủ đề ra là con số để chính quyền, doanh nghiệp, người dân cả nước cùng cố gắng phấn đấu đạt được. Đó là kỳ vọng hợp lý trong điều kiện bình thường.
Việt Nam cần hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vaccine Covid-19, nâng cao miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt. Đạt được mục tiêu này sẽ đảm bảo các động lực kinh tế, đưa nền kinh tế sớm trở về trạng thái ổn định và giữ đà tăng trưởng trong nhiều năm tiếp theo, chứ không chỉ riêng năm 2021. |
Tuy nhiên, chúng ta phải linh hoạt. Năm 2020, khi Covid-19 bất ngờ ập đến, Chính phủ đã hướng tới mục tiêu sức khỏe toàn dân quan trọng hơn tăng trưởng kinh tế.
Sau khi đã kiểm soát được dịch mới bắt đầu hướng đến mục tiêu kép, vừa chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Tôi cho rằng, hiện tại không phải lúc để nói quá nhiều đến mục tiêu tăng trưởng GDP mà cần tiếp cận theo hướng làm thế nào để đảm bảo đạt được các thành quả về chống dịch và duy trì sự ổn định như hồi năm 2020.
Một mục tiêu chính phủ đưa ra khá thách thức nhưng nếu đạt được, sẽ là thành tựu còn lớn hơn những gì đã đạt được trong năm ngoái, đó là đến cuối năm 2021, 75% dân số được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19. Theo tôi, mục tiêu này quan trọng hơn mục tiêu tăng trưởng GDP.
Với tình hình mới, chúng ta cần chiến lược mới. Việt Nam cần hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vaccine Covid-19, nâng cao miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt.
Đạt được mục tiêu này sẽ đảm bảo các động lực kinh tế, đưa nền kinh tế sớm trở về trạng thái ổn định và giữ đà tăng trưởng trong nhiều năm tiếp theo, chứ không chỉ riêng năm 2021.
Theo ông, “cỗ xe tam mã” đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng có tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại?
“Cỗ xe tam mã” phù hợp với hoàn cảnh của nền kinh tế năm 2020.
Về tiêu dùng nội địa, năm ngoái, hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới đều chống dịch theo cách phong tỏa giao thương với các quốc gia khác, vì vậy, cần kêu gọi tiêu dùng nội địa.
Về xuất khẩu, năm 2020, xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng rất tốt, vẫn đảm bảo các hoạt động diễn ra liên tục và Chính phủ đã tận dụng tối đa cơ hội đó để đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Về đầu tư công, Chính phủ có thể chủ động quyết định và thúc đẩy, không phụ thuộc vào các quốc gia khác hay nhu cầu người tiêu dùng, do đó, đây được xem như mũi nhọn chủ lực của nền kinh tế.
Song, tình hình hiện tại đã khác đi nhiều. Chiến lược để duy trì động lực tăng trưởng kinh tế và các hoạt động sản xuất sẽ đến từ tiêm chủng vaccine Covid-19.
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng lên dữ dội tại Bắc Giang và Bắc Ninh - các trung tâm sản xuất linh kiện, vật tư cho nhiều nhà máy, ngành nghề khác trên khắp cả nước. Nếu hoạt động sản xuất tại 2 địa phương này bị tê liệt, chuỗi giá trị sản xuất trên cả nước cũng sẽ gián đoạn.
Nhưng song song với việc chống dịch, Chính phủ vẫn phải đảm bảo hoạt động sản xuất thông suốt tại Bắc Giang và Bắc Ninh, bằng cách cách ly các ca F0, F1 ngay tại khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, dù nguồn vaccine còn hạn chế nhưng Chính phủ vẫn ưu tiên tiêm chủng cho công nhân tại các khu công nghiệp này.
Tôi đánh giá cao chính sách này của Chính phủ. Đây là quyết sách đúng đắn để đảm bảo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản xuất của cả nước vì đó là các mắt xích rất quan trọng của nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
| Về bản chất, việc thúc đẩy chiến lược vaccine và hướng tới tiêm chủng cho ít nhất 60% dân số Malaysia vào cuối năm 2021 ... |
| Xác định tình hình dịch bệnh kéo dài và rất phức tạp, chính phủ Malaysia đang chuyển mạnh từ chiến lược ngăn chặn sang chiến ... |