Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany. (Ảnh: NVCC) |
Tin tưởng vào Việt Nam
Ông đánh giá thế nào về làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang hoành hành tại Việt Nam?
Trong dài hạn, các thành viên EuroCham vẫn tin tưởng và lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Tuy nhiên, chắc chắn rằng, làn sóng thứ 4 của Covid-19 sẽ đặt ra những thách thức cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Điều này có thể có tác động đến niềm tin kinh doanh cho đến khi có một chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 mở rộng, có thể “mở khóa” hoạt động kinh doanh và nới lỏng các yêu cầu kiểm dịch đối với du lịch quốc tế.
Theo ông, đợt dịch Covid-19 hiện nay sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Phần lớn phụ thuộc vào việc làm sóng Covid-19 lần này kéo dài bao lâu, các cơ quan chức năng có thể ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong thời gian bao lâu và tốc độ tiêm vacine ngừa Covid-19 cho người dân được triển khai thế nào.
Việt Nam đã quản lý thành công các đợt bùng phát trước đó thông qua giãn cách xã hội, cách ly và truy vết. Tuy nhiên, cách này không thể hiệu quả mãi mãi, cũng như giúp Việt Nam duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia khác đang mạnh tay triển khai tiêm chủng vaccine và mở cửa lại biên giới.
Các biện pháp y tế công cộng được xem là một chất kết dính; không phải là cách chữa lành "vết thương" kinh tế vĩnh viễn. Hiện tại, Việt Nam cần một chương trình tiêm chủng vaccine đại trà khẩn cấp để đảm bảo có thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vào năm 2021.
Còn với doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam thì sao, thưa ông?
Về tác động với doanh nghiệp châu Âu, không có gì che giấu thực tế rằng, đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến các công ty đang kinh doanh tại Việt Nam. Những thành viên của chúng tôi, trong tất cả các lĩnh vực đã bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó. Trong đó, nặng nề nhất là những doanh nghiệp trong ngành du lịch, khách sạn và hàng không.
Cuộc khảo sát thành viên gần đây của EuroCham cho thấy, 70% lãnh đạo doanh nghiệp đang gặp trở ngại trong làn sóng dịch thứ 4 này, 78% dự đoán rằng, các yêu cầu kiểm dịch trong 3 tuần sẽ dẫn đến việc ít nhà đầu tư và chuyên gia đến Việt Nam hơn. Điều này có thể tác động mạnh đến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Các biện pháp y tế công cộng được xem là một chất kết dính; không phải là cách chữa lành "vết thương” kinh tế vĩnh viễn. Hiện tại, Việt Nam cần một chương trình tiêm chủng vaccine đại trà khẩn cấp để đảm bảo rằng Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vào năm 2021. |
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề “đau cấp tính” đối với các thành viên của chúng tôi chính là yêu cầu cách ly kéo dài 21 ngày đối với tất cả các đối tượng khi đến Việt Nam, kể cả những người đã tiêm vaccine Covid-19.
Nhưng theo quan điểm của tôi, cùng với cách ngăn chặn 3 làn sóng Covid-19 thành công, nếu Chính phủ Việt Nam có thể xử lý theo cách tiếp cận mới (nỗ lực tiêm chủng vaccine) thì không có lý do gì làn sóng Covid-19 thứ 4 này lại gây ra thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế.
Việt Nam đã phục hồi ngoạn mục sau các đợt bùng phát trước đó, đạt được mức tăng GDP mạnh nhất trên thế giới vào năm 2020, do đó, không điều gì có thể ngăn cản quốc gia này làm như vậy một lần nữa.
Về phía doanh nghiệp châu Âu, hiện tại, họ mong muốn điều gì nhất khi kinh doanh tại Việt Nam?
Trước mắt, các doanh nghiệp châu Âu muốn hoạt động kinh doanh trở lại bình thường càng sớm càng tốt. Điều này đòi hỏi một chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 quy mô rộng để bảo vệ sức khỏe dân số và đảm bảo rằng việc tái mở cửa nền kinh tế không tạo ra rủi ro cho sức khỏe cộng đồng.
Các thành viên của chúng tôi cũng mong muốn, khi đến Việt Nam, các yêu cầu cách ly trong 21 ngày được nới lỏng đối với các nhà đầu tư và chuyên gia đã được tiêm phòng vaccine Covid-19.
Hơn 80% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ ý tưởng về một quy trình riêng biệt, ngắn hơn dành cho những nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam và đã được tiêm chủng. Điều này sẽ giúp tăng cường thương mại, đầu tư và góp phần giúp Việt Nam phục hồi sau đại dịch.
Hiện tại, EU đang nghiên cứu về chứng chỉ xanh kỹ thuật số, cho phép người dân đến 27 quốc gia thành viên của khối. Chính phủ Việt Nam cũng có thể xem xét một chương trình tương tự đối với những nhà đầu tư đã được tiêm vaccine đến đây để kinh doanh, đầu tư. Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà không làm suy yếu các nỗ lực y tế cộng đồng của quốc gia.
Hãy tiêm vaccine Covid-19!
Ông nhận định thế nào về tầm quan trọng của vaccine Covid-19 ở thời điểm hiện tại?
Vaccine Covid-19 là "chìa khóa" mở cửa biên giới của Việt Nam, nối lại hoạt động kinh doanh bình thường và bắt đầu lại các chuyến du lịch quốc tế.
Các biện pháp y tế công cộng như giãn cách xã hội, tránh tiếp xúc và kiểm dịch nghiêm ngặt là rất cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong các đợt dịch trước. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu dài và có thể gây rủi ro cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn khi các quốc gia khác đang gấp rút triển khai các chương trình tiêm vacine rộng rãi.
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được là tiêm chủng vaccine Covid-19 cho 75% dân số. Đây phải là trọng tâm cấp bách của Chính phủ, cùng với sự hỗ trợ của khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế khác.
Nếu hoàn thành tốt điều này, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kép là bảo vệ sức khỏe và tăng trưởng kinh tế.
Hiện Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vaccine Covid-19. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Theo ông, doanh nghiệp châu Âu có thể giúp Việt Nam như thế nào trong việc tiếp cận vaccine Covid-19?
EuroCham tận tâm hỗ trợ Chính phủ và người dân Việt Nam trong làn sóng đại dịch Covid-19 lần này. Việt Nam đã nâng cao giới hạn trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, áp dụng các biện pháp y tế công cộng nhanh chóng và hiệu quả nhằm hạn chế tối đa các trường hợp mắc bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay đã có vaccine ngừa Covid-19 và thách thức đã chuyển từ việc ngăn chặn có mục tiêu sang việc tiêm chủng rộng rãi. Các quốc gia khác đang triển khai chương trình tiêm chủng đại trà và mở cửa lại nền kinh tế. Vì vậy, Việt Nam cần triển khai nhanh chóng chương trình tiêm chủng với quy mô lớn.
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được là tiêm chủng vaccine Covid-19 cho 75% dân số. Đây phải là trọng tâm cấp bách của Chính phủ, cùng với sự hỗ trợ của khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế khác. Nếu thực hiện tốt điều này, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kép là bảo vệ sức khỏe và tăng trưởng kinh tế. |
EuroCham muốn giúp Việt Nam đạt được mục tiêu này bằng tất cả các công cụ trong khả năng của mình. Đặc biệt, EuroCham có một số thành viên là những công ty hàng đầu thế giới trong ngành thiết bị y tế, dược phẩm và hậu cần.
Hiện tại, chúng tôi đang hỗ trợ các thành viên này chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn với Việt Nam để đẩy nhanh đợt tiêm chủng vaccine.
Bên cạnh đó, nhiều công ty của chúng tôi cũng rất sẵn lòng chi trả những chi phí tiêm phòng vaccine cho chính nhân viên của họ. Điều này có thể giúp giảm bớt gánh nặng về tài chính cho Chính phủ, đồng thời giúp hoạt động kinh doanh bình thường trở lại càng sớm càng tốt.
Về mặt thực tiễn, một trong những đề xuất của chúng tôi là Chính phủ có thể hợp tác công tư giữa nhà nước và khu vực tư nhân. Điều này có thể tận dụng sức mua và cơ sở hạ tầng của nhà nước cùng tốc độ và sự đổi mới của khu vực tư nhân.
Tất nhiên, Chính phủ sẽ đi đầu. Nhưng các thành viên của chúng tôi rất vui được góp một phần công sức trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 của Việt Nam. Chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Theo EuroCham, có tới 79% doanh nghiệp cho rằng, họ có thể tự mua vaccine để tiêm chủng cho nhân viên. Liệu ý tưởng này có đảm bảo chất lượng vaccine và sự an toàn khi sử dụng vaccine trên diện rộng không, thưa ông?
Như đã trao đổi ở trên, nhiều thành viên của EuroCham sẵn sàng chi trả chi phí tiêm chủng cho nhân viên. Chính phủ sẽ đi đầu trong lĩnh vực mua vaccine, vì điều này sẽ đảm bảo cung cấp các chế phẩm an toàn, hiệu quả và các doanh nghiệp sẽ góp phần đẩy nhanh chương trình tiêm chủng bằng cách chi trả chi phí.
Không chỉ EuroCham, các doanh nghiệp Việt Nam cũng ủng hộ hình thức này.
Theo một cuộc khảo sát gần đây, 68% lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát đồng ý rằng, các công ty tư nhân có thể hỗ trợ việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho nhân viên.
Xin cảm ơn ông!