Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Alain Cany. |
Quý I/2021, kinh tế Việt Nam ước tính tăng 4,48% so với năm trước. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
Tăng trưởng GDP gần 4,5% trong quý I/2021 là một thành tựu nổi bật. Năm 2020, Việt Nam là một trong ba quốc gia trong khu vực không bị sụt giảm sản lượng kinh tế. Điều này là nhờ vào việc Chính phủ xử lý nhanh chóng và hiệu quả đại dịch Covid-19 - vốn đã tạo ra một đám mây bao trùm thương mại và đầu tư toàn cầu.
Hiện tại, Việt Nam đang gặt hái được thành công từ các biện pháp y tế công cộng vững chắc của Chính phủ và quản lý kinh tế hợp lý. Việt Nam cũng đã tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở hơn các quốc gia khác trong khu vực.
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong quý I/2021 là minh chứng cho sự thành công của môi trường kinh doanh cởi mở. Điều này cũng chứng minh rằng, cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có thể tự tin về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021.
Tất nhiên, thách thức vẫn còn. Mặc dù bức tranh chung tương đối khả quan nhưng một số lĩnh vực và ngành công nghiệp như hàng không và du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề. Đây là hệ quả tất yếu của các hạn chế đi lại quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai vaccine ngừa Covid-19 đang được đẩy nhanh. Chúng tôi hy vọng rằng, những lĩnh vực này có thể bắt đầu phục hồi và một lần nữa đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam. Điều này không chỉ giúp ích cho các công ty trong lĩnh vực du lịch mà sẽ có hiệu ứng gợn sóng đối với các ngành công nghiệp khác phụ thuộc vào du lịch quốc tế.
Dự đoán của ông về tình hình đầu tư của EU vào Việt Nam năm 2021. Theo ông, đâu là điểm nhấn trong bức tranh đầu tư từ Việt Nam vào EU thời gian tới?
Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư châu Âu, bởi quốc gia này sở hữu thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh, vị trí chiến lược quan trọng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và lực lượng lao động được giáo dục tốt, có sức cạnh tranh.
12 tháng qua, Việt Nam cũng khẳng định lại rằng, quốc gia này là một thị trường an toàn, đảm bảo và thịnh vượng để đầu tư. Việc Chính phủ xử lý một cách chắc chắn và nhanh chóng đại dịch Covid-19, kết hợp với việc thực hiện thành công các thỏa thuận thương mại mới như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đưa Việt Nam vào “tầm ngắm” của các nhà đầu tư châu Âu. Điều này có thể được nhìn thấy trong Khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất của EuroCham.
Theo đó, có 30% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, sẽ tiếp tục đầu tư vào quý I/2021. 56% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, đầu tư của họ vẫn ở mức cũ. Điều này cho thấy, lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, đồng thời có cái nhìn tích cực về triển vọng về các doanh nghiệp của họ.
"Việt Nam hiện đã có đặc quyền tiếp cận thị trường EU thông qua Hiệp định EVFTA. Hãy nắm bắt các cơ hội của Hiệp định lịch sử này để xây dựng các mối quan hệ thương mại mới với các đối tác EU và thiết lập thương hiệu với người tiêu dùng EU", - Chủ tịch EuroCham Alain Cany. |
Mặc dù Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công quốc tế của năm 2020, nhưng Covid-19 vẫn tiếp tục phá vỡ thương mại và đầu tư toàn cầu. Do đó, phần còn lại của thế giới vẫn đang phụ thuộc vào cách các quốc gia xử lý đại dịch như thế nào. EU đang triển khai vaccine ngừa Covid-19 nhưng một số quốc gia thành viên của EU vẫn tiếp tục phải vật lộn với tác động của virus SARS-CoV-2 đối với hoạt động kinh doanh.
Nhưng, phải nhấn mạnh rằng, Việt Nam hiện đã có đặc quyền tiếp cận thị trường EU thông qua Hiệp định EVFTA. Quốc gia này nên nắm bắt các cơ hội của Hiệp định này để xây dựng các mối quan hệ thương mại mới với các đối tác EU và thiết lập thương hiệu với người tiêu dùng EU - những người tạo nên một thị trường tiềm năng và khổng lồ với 450 triệu dân.
Việt Nam hiện đã có đặc quyền tiếp cận thị trường EU thông qua Hiệp định EVFTA. (Nguồn: Vietnambiz) |
Chính phủ Việt Nam, EU và EuroCham đã có nhiều nỗ lực, nhưng đầu tư của châu Âu tại Việt Nam vẫn còn thấp. Theo ông, liệu EVFTA có làm thay đổi bức tranh đầu tư châu Âu tại Việt Nam không?
EU vẫn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam. EU có hơn 2.000 dự án trong 18 lĩnh vực kinh tế và tại 52/63 tỉnh/thành của Việt Nam. Dù không phải là nguồn FDI lớn nhất nhưng các công ty từ EU mang đến nguồn đầu tư dài hạn, chất lượng cao cho Việt Nam.
Không chỉ thế, EU còn là một đối tác đáng tin cậy cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Nhiều công ty thành viên của EU đã ở quốc gia Đông Nam Á này hàng thập niên, vừa đầu tư vào hoạt động kinh doanh, vừa góp phần nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động.
EVFTA đã có hiệu lực. Hiệp định lịch sử này sẽ mở ra một làn sóng đầu tư mới từ EU vào Việt Nam. Nhưng thành công của Hiệp định này cần được đo lường theo thời gian, không phải một sớm một chiều. Điều này là do EVFTA có thời gian thực hiện kéo dài hàng thập niên. Khoảng 2/3 số dòng thuế đối với hàng xuất khẩu của EU đã được xóa bỏ kể từ khi EVFTA có hiệu lực (ngày 1/8/2020). Các dòng thuế còn lại, lên đến 99% sẽ bị loại bỏ trong khoảng thời gian kéo dài một thập kỷ đối với các mặt hàng nhạy cảm hơn.
Qua thời gian, hàng hóa châu Âu sẽ cạnh tranh hơn trong thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp EU có thể giao dịch bình đẳng với các doanh nghiệp từ các quốc gia mà Việt Nam có Hiệp định Thương mại tự do như Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Song song với đó, đầu tư của châu Âu sẽ nhận được sự thúc đẩy khi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực. Không giống như các Hiệp định Thương mại Tự do, có thể được ký kết và phê chuẩn ở cấp Ủy ban châu Âu (EC) và Nghị viện châu Âu (EP), Hiệp định EVIPA phải được phê chuẩn tại từng quốc gia trong số 27 quốc gia thành viên của EU. EVIPA hiện đang trải qua quá trình này và khi được thực hiện, Hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư từ EU vào Việt Nam.
Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư châu Âu, bởi quốc gia này sở hữu thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh, vị trí chiến lược quan trọng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và lực lượng lao động được giáo dục tốt, có sức cạnh tranh. |
Nhìn chung, EVIPA sẽ góp phần gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư EU khi kinh doanh tại Việt Nam. Hiệp định giới thiệu một cơ chế giải quyết tranh chấp sáng tạo cũng như một “tòa án” thường trực, độc lập để phân xử khi hòa giải không thành.
Trong EVIPA, Việt Nam cũng đã đồng ý áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về các vấn đề như nhãn hiệu và bằng sáng chế. Điều này sẽ bảo vệ các nhà đầu tư và các khoản đầu tư của EU, giúp họ tự tin hơn khi kinh doanh tại Việt Nam.
Vậy cần làm gì để tận dụng “cơ hội vàng” từ EVFTA để thay đổi bức tranh đầu tư từ EU vào Việt Nam, thưa ông?
EVFTA hiện đã có hiệu lực, nhưng điều này không có nghĩa là công việc của chúng tôi đã kết thúc. Thách thức hiện nay là đảm bảo thực hiện suôn sẻ và thành công cả EVFTA và EVIPA. Nói cách khác, chúng ta cần đảm bảo rằng, các điều khoản đã đồng ý về nguyên tắc phải được hiện thực hóa trên thực tế để các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn và khả năng tiếp cận thị trường nhiều hơn. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp của cả hai bên phải làm việc cùng nhau và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Chúng tôi đã có một khởi đầu đầy hứa hẹn. Tháng 10/2020, EuroCham phối hợp với VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp EU-Việt Nam (EVBC). Hội đồng này sẽ kết nối các doanh nghiệp thành viên của EuroCham, tạo cho họ một nền tảng chung để đưa ra các vấn đề và một công cụ thiết thực để giải quyết những vấn đề đó.
EuroCham cam kết đưa EVFTA thành công và khuyến khích nhiều hơn nữa các nhà đầu tư của EU vào Việt Nam. Các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ những hiểu biết của mình với Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, thông qua báo cáo Sách trắng hàng năm của EuroCham để giúp tạo ra một môi trường thương mại và đầu tư cởi mở, cạnh tranh và hấp dẫn hơn nữa cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.