Viện trưởng CIEM TS. Trần Thị Hồng Minh. (Ảnh: NVCC) |
Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu kép
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 “đổ bộ” vào Việt Nam sẽ tác động thế nào đến kinh tế, thưa bà?
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 được đánh giá là nhanh, nguy hiểm, phức tạp hơn các đợt dịch trước. Hệ lụy của đại dịch đối với nền kinh tế đã hiện hữu từ những đợt dịch trước và càng nghiêm trọng hơn trong đợt dịch này, đặc biệt là đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Trong 5 tháng đầu năm nay, đã có tới 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020; riêng tháng 5 có hơn 5.500 doanh nghiệp, tăng khoảng 36,3% so với cùng kỳ 2020.
Các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch, hàng hóa cũng bị gián đoạn nghiêm trọng hơn do việc thực hiện giãn cách xã hội và phong tỏa tại một số địa phương có dịch.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có sự chia sẻ khó khăn với các cấp chính quyền và đã nỗ lực vượt khó. Chính phủ cũng có những cân nhắc mở hơn đối với việc tạo điều kiện phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp ở các khu công nghiệp - khi có phát sinh diễn biến dịch ở các khu này.
Số liệu cho thấy, trong tháng 5, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2020. Một số doanh nghiệp lớn (tuy không nhiều) ở Việt Nam vẫn duy trì các hoạt động sản xuất.
Bà dự đoán thế nào về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay? Bên cạnh Covid-19, còn điều gì cản trở đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam?
Tới cuối tháng 5/2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là Moody’s, S&P và Fitch nâng hạng tín nhiệm từ “ổn định” lên “tích cực”.
Việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cùng đánh giá cao triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế trong công tác điều hành của Chính phủ Việt Nam.
Cá nhân tôi cho rằng, nếu sớm kiểm soát được đợt dịch thứ 4 và đẩy nhanh được tiêm chủng vaccine cho người lao động, tăng trưởng kinh tế có thể phục hồi đáng kể so với năm 2020.
Triển vọng tăng trưởng có thể tốt hơn nếu các điểm nghẽn đối với tăng trưởng được xử lý tích cực hơn. Bài học của năm 2020 cho thấy việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công - trong khi vẫn bảo đảm yêu cầu về hiệu quả - có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Đặc biệt, việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng có thể giúp hỗ trợ nền kinh tế trong quá trình phục hồi sau Covid-19. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ người lao động để họ bớt khó khăn, đồng thời thích ứng tích cực hơn với yêu cầu làm việc mới.
Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng
Theo bà, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần làm gì trong bối cảnh làn sóng Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp?
Với đặc thù hơn 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị tổn thương với các tác nhân từ bên ngoài và nội bộ doanh nghiệp. Đợt dịch thứ 4 này khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn, bởi thời gian diễn biến tương đối dài và đã phát sinh dịch ở cả các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, một số nước trong khu vực và thế giới đã có chuyển biến tương đối tốt hơn trong khống chế dịch, qua đó có phần phục hồi tăng trưởng sớm hơn. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn hơn ở cả trong nước và quốc tế, đặc biệt là ở một số thị trường xuất khẩu.
Công tác điều hành hướng tới mục tiêu kép của Chính phủ trong năm 2020 và cả những tháng đầu năm 2021 là rất kịp thời, phù hợp, giảm thiểu được tác động bất lợi đối với cộng đồng doanh nghiệp. |
Tuy nhiên, thực tiễn từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp chủ động thích ứng hơn với bối cảnh mới thì cũng ít gặp tác động bất lợi hơn, thậm chí vẫn đạt tăng trưởng dương.
Vì vậy, bản thân các doanh nghiệp phải nỗ lực, chủ động cải cách trong nội bộ doanh nghiệp, từ nâng cao năng lực quản trị, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình mới, tiếp cận với chuyển đổi số, quản trị nhân sự hiệu quả, cho đến tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và thương mại điện tử...
Giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp giai đoạn hiện nay là gì, thưa bà?
Trong những chia sẻ trước đây, tôi luôn nhất quán quan điểm rằng, công tác điều hành hướng tới mục tiêu kép của Chính phủ trong năm 2020 và cả những tháng đầu năm 2021 là rất kịp thời, phù hợp, giảm thiểu được tác động bất lợi đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thông qua các gói hỗ trợ chính sách tài khóa, tiền tệ đã phát huy những hiệu quả nhất định.
Trong thời gian hiện nay, Chính phủ tiếp tục các mục tiêu hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp trong công tác phòng, chống Covid-19, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về cơ bản, các giải pháp hỗ trợ cho đến nay đều hướng tới giảm bớt khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhóm dân cư, để các nhóm này có thể trụ vững qua giai đoạn khó khăn.
Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình phục hồi hậu Covid-19 cũng đang được nghiên cứu. Các biện pháp này có thể có quy mô lớn hơn, giúp doanh nghiệp “bật” lên sau khủng hoảng, song chỉ thực hiện hiệu quả sau khi dịch Covid-19 ở nước ta đã được kiểm soát về cơ bản.
"Vũ khí" 5K và vaccine Covid-19
Bà đánh giá thế nào về tầm quan trọng của vaccine Covid-19?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp như hiện nay, cùng với khuyến nghị 5K của Bộ Y tế, vaccine Covid-19 được cho là “vũ khí" hữu hiệu để kiểm soát tình hình và ổn định, phục hồi kinh tế.
Tiêm phòng vaccine Covid-19 là biện pháp nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng và bước vào trạng thái bình thường mới. Bảo đảm tiêm phòng vaccine Covid-19 cũng sẽ giúp nối lại hoạt động đi lại giữa Việt Nam và các nước đối tác.
Nhận thức được điều này, Chính phủ đã và đang tích cực chỉ đạo, tìm kiếm nhiều khả năng bảo đảm nguồn cung vaccine, từ việc đàm phán với các nhà sản xuất vaccine nước ngoài cho tới đẩy nhanh nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 trong nước.
Dù vậy, hiệu quả của tiếp cận vaccine đối với phục hồi kinh tế sẽ tích cực hơn nếu người dân vẫn tuân thủ khuyến nghị 5K kể cả sau khi được tiêm phòng.
Nhiều doanh nghiệp đang muốn tự chủ vaccine Covid-19, liệu ý tưởng cho doanh nghiệp chủ động tìm nguồn mua vaccine bằng tiền của mình có khả thi không, thưa bà?
Chính phủ đã có những cân nhắc tương đối “mở” đối với tiếp cận vaccine trong bối cảnh nguồn cung vaccine đang khan hiếm.
Trên tinh thần đó, ngoài nỗ lực đàm phán, tiếp nhận vaccine của Chính phủ, Bộ Y tế cũng được chỉ đạo tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vaccine thuận lợi, đặc biệt là cho các doanh nghiệp, tổ chức có đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vaccine tiếp cận được nguồn cung vaccine.
Trên thực tế, tại cuộc họp mới đây với Chính phủ (ngày 4/6), lãnh đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) cho biết, tất cả các nhà sản xuất vaccine trên thế giới đều đàm phán trực tiếp với các chính phủ hoặc tổ chức, cá nhân được một chính phủ ủy quyền.
Dù vậy, tôi tin rằng, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục trao đổi, phối hợp để việc tiếp cận vaccine được thực hiện sớm và đạt kết quả tích cực hơn.
Xin cảm ơn TS. Trần Thị Hồng Minh!