Hiệu quả nhưng chưa đủ liều
Theo ông Đậu Anh Tuấn, khó khăn của doanh nghiệp 7 tháng đầu năm nay khác với năm 2020. Năm 2020, tác động của đại dịch đến các doanh nghiệp đã rất lớn nhưng chủ yếu là trong các ngành như du lịch, hàng không, dịch vụ, ăn uống…
Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn. |
Sang năm 2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam lại tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An...
Theo khảo sát của VCCI, có 87% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, dịch đã tác động tiêu cực, hoặc rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Tình trạng người lao động buộc phải ngừng việc, nghỉ việc diễn ra khá phổ biến.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh với VCCI về sự khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hoặc xuất khẩu hàng hoá.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể; tăng đến 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 22% so với cùng kỳ và chiếm xấp xỉ 51% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021.
Ông Đậu Anh Tuấn nhận định: “Mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh với các khu công nghiệp hiện rất lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu, đảm bảo việc làm cho người lao động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong những tháng còn lại. Con số thống kê thường có độ trễ hơn so với thực tế”.
Để giúp doanh nghiệp vượt khó Covid-19, ông Đậu Anh Tuấn nhận thấy, từ năm 2020 cho đến năm 2021, Chính phủ đang có những giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Sau gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và 16.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng gần nhất được đưa ra có cách thức tiếp cận dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Một số gói hỗ trợ ban hành từ đầu năm 2021 "nhắm" đến việc đại dịch sẽ ổn định trong quý II/2021 và doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động bình thường từ quý III/IV/2021, mà chưa tính tới làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ 4 rất nghiêm trọng này. Vì vậy, các gói hỗ trợ này chưa đủ liều.
Trưởng ban Pháp chế của VCCI khẳng định: “Dịch bệnh mang đến khó khăn chưa từng có, vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Mặc dù triển vọng nền kinh tế Việt Nam về trung và dài hạn rất tích cực nhưng các doanh nghiệp có ‘sống sót’ được để khai thác các cơ hội đó hay không lại là vấn đề quan trọng nhất.
Ở thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện tại, sự hỗ trợ của Chính phủ, địa phương đối với doanh nghiệp giống như ‘những liều vaccine’ cứu doanh nghiệp khỏi khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Việc đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine cũng như ưu tiên kịp thời vaccine cho khu vực vận tải, logistics, sản xuất là những giải pháp quan trọng để nhanh chóng khơi thông lưu thông hàng hoá, đẩy mạnh sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm”.
Chú trọng nhóm giải pháp tốt nhất
Ông Đậu Anh Tuấn thông tin, theo kết quả điều tra gần 12 nghìn doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố mà VCCI tiến hành cuối năm 2020, các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về ngân sách, tài chính là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các doanh nghiệp.
Tỷ lệ doanh nghiệp thực tế tiếp cận được và đánh giá cao về tính hiệu quả, sự hữu ích đều cao hơn hẳn các nhóm giải pháp khác hỗ trợ về vốn, về cho vay trả lương cho người lao động…
Hiện tại, Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về một số giải pháp về ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch bệnh Covid 19.
Dịch bệnh mang đến khó khăn chưa từng có, vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Mặc dù triển vọng nền kinh tế Việt Nam về trung và dài hạn rất tích cực nhưng các doanh nghiệp có ‘sống sót’ được để khai thác các cơ hội đó hay không lại là vấn đề quan trọng nhất. |
Để các gói hỗ trợ thể hiện được mục tiêu kịp thời, đúng, trúng đối tượng, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước, theo ông Đậu Anh Tuấn, cần chú trọng những giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng thời hạn hỗ trợ. Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam trải qua 4 đợt dịch bùng phát và đợt dịch bùng phát từ tháng 4/2021 trở lại đây đang ảnh hưởng rất nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ đang thúc đẩy các hoạt động để mua vacccine và thực hiện tiêm chủng trong người dân.
Dự kiến đến hết quý I/2022, Việt Nam sẽ có 70% dân số được tiêm vaccine Covid-19 và đạt miễn dịch cộng đồng (đặt trong trường hợp Việt Nam sẽ có đủ 150 triệu liều vaccine trong giai đoạn này và hoạt động tiêm chủng thực hiện theo đúng tiến độ).
Như vậy, sớm nhất thì phải đến quý I/2022, các hoạt động kinh tế mới trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh của mình.
Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả và ổn định của chính sách hỗ trợ, để những chính sách này có hiệu lực thực tế, đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ sang đến hết tháng 6/2022.
Sớm nhất thì phải đến quý I/2022, các hoạt động kinh tế mới trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh của mình. |
Thứ hai, tăng mức giảm thuế VAT. Hiện nay, theo dự thảo thì mức giảm thuế VAT cho các loại hình dịch vụ (như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim…) là 30%.
VCCI cho rằng, mức hỗ trợ này cần mở rộng ra đến 50% để tạo ra hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi dịch bệnh này. Cân nhắc mở rộng hơn cho một số ngành khác nữa.
Thứ ba, về đối tượng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì một trong những tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ.
Dự thảo quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho “người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng” dường như chưa thật hợp lý và sẽ loại bỏ một số doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này.
Mặt khác, theo Báo cáo Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam thì có tới 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019. Mức giảm doanh thu trung bình với doanh nghiệp tư nhân là 36% và doanh nghiệp FDI là 34%.
Doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những doanh nghiệp quy mô lớn. Cụ thể, mức giảm doanh thu của doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn lần lượt ở mức 39%, 33%, 32% và 30%.
Với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ có mức giảm doanh thu ở mức 36% và 35%, các doanh nghiệp quy mô vừa, lớn có mức giảm doanh thu ở mức 31% và 30%. Như vậy, có thể thấy, các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn và chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.
Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ này, cần xác định đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là các doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm 2020 không quá 300 tỷ đồng.
Theo VCCI, các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về ngân sách, tài chính là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các doanh nghiệp. |
Thứ tư, hỗ trợ thông qua tài trợ các chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự hoạt động và chịu rất nhiều chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh như chi phí xét nghiệm định kỳ, chi phí tổ chức sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, 2 địa điểm - 1 cung đường…
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp thì các chi phí phòng chống dịch bệnh này quá lớn, doanh nghiệp không thể có hiệu quả kinh doanh, vốn tự có của doanh nghiệp đang bị ăn mòn dần.
Việc doanh nghiệp cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất, đặc biệt tại các địa phương đang bị phong toả, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là nỗ lực để tạo công ăn việc làm cho người lao động và giữ được khách hàng.
Do đó, cần bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp các chi phí về phòng chống dịch bệnh trong quá trình duy trì sản xuất, ít nhất là tại các địa phương và trong thời kỳ giãn cách tại một số nơi theo Chỉ thị 16, thành khoản được hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng đây là giải pháp hỗ trợ trực tiếp và thiết thực dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về dịch bệnh nhất.
Chính sách này cũng rất công bằng, những doanh nghiệp nào cố gắng cao nhất để thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ và doanh nghiệp nào nỗ lực duy trì được càng nhiều việc làm thì được Nhà nước hỗ trợ càng lớn.
| PGS. TS. Tô Trung Thành: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% gần như chắc chắn không thể đạt được Chia sẻ với TG&VN, PGS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, trong ... |
| 'Giờ không phải lúc để nói quá nhiều về tăng trưởng, tất cả đều phụ thuộc vào vaccine Covid-19' Chia sẻ với TG&VN, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) nhận ... |