Nhỏ Bình thường Lớn

Doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đang đi cùng hướng

Sáu năm liên tiếp, Việt Nam giữ vị trí quốc gia thứ hai mà các doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh, sản xuất.
Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng  đại diện tại Hà Nội Nakajima Takeo. (Nguồn: VGP)
Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng đại diện tại Hà Nội Nakajima Takeo. (Nguồn: VGP)

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng đại diện tại Hà Nội (JETRO Hà Nội) nhận định như vậy với TG&VN trong buổi trò chuyện mới đây.

Đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án, tổng vốn đầu tư đạt gần 70 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam. Đất nước Mặt trời mọc hiện là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ ba trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Đến tháng 9/2023, luỹ kế đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (tính theo tổng vốn đầu tư cấp mới và mở rộng, không bao gồm đầu tư và mua cổ phần) xếp theo quốc gia: Hàn Quốc xếp thứ nhất, Singapore xếp thứ hai, Nhật Bản xếp thứ ba. Ba quốc gia đứng đầu là động lực đầu tư chính vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ ba về số lượng đầu tư và đứng thứ hai về số lượng dự án. Điều này cho thấy, đất nước Mặt trời mọc là nhà đầu tư tích cực tại Việt Nam.

Tỷ trọng của Nhật Bản trong tổng vốn FDI cách đây 10 năm là 15% và hiện ở mức 15,7%. Mức đầu tư vào quốc gia hình chữ S tăng đều đặn, số lượng dự án cũng tăng đáng kể. Nhà đầu tư Nhật Bản mang đến Việt Nam những khoản đầu tư mới, với quy mô lớn như nhà máy điện và các dự án cơ sở hạ tầng hay đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có số lượng thành viên lớn nhất trong ASEAN, với 2.000 công ty. Có khoảng 560.000 người ở Việt Nam làm việc cho các công ty Nhật Bản được nhận bảo hiểm xã hội. Có thể thấy rõ, Nhật Bản đóng góp đáng kể vào phúc lợi của người dân và sự ổn định của xã hội Việt Nam.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế, Việt Nam hiện nay đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Nhật Bản. Ông nhận định thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam?

Khảo sát của JETRO cho thấy, sáu năm liên tiếp, Việt Nam là quốc gia thứ hai mà các công ty Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh, sản xuất. Theo đánh giá của tôi, có ba lý do khiến đất nước hình chữ S là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản.

Thứ nhất, sức hấp dẫn như một cơ sở xuất khẩu. Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) trên toàn thế giới và hàng xuất nhập khẩu được hưởng lợi nhờ mức thuế quan thấp hoặc hoàn toàn miễn thuế. Khối lượng thương mại qua các cảng Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh rất lớn.

Trong danh sách 30 cảng container hàng đầu trên thế giới về lưu lượng năm 2022, cảng biển TP. Hồ Chí Minh giữ vị trí thứ 21. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp có chi phí cạnh tranh và lực lượng lao động xuất sắc.

Thứ hai, tính hấp dẫn của thị trường. Theo khảo sát của chúng tôi, 74% số người được hỏi cho biết, lợi thế đáng kể nhất khi đầu tư vào Việt Nam là tiềm năng tăng trưởng thị trường.

Đất nước hình chữ S có kỳ vọng rất cao đối với thị trường tiêu dùng, thị trường B2B (hình thức kinh doanh, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp), các dự án cơ sở hạ tầng của Chính phủ và giải quyết các vấn đề xã hội.

Thứ ba, tính hấp dẫn với tư cách là đối tác hợp tác. Điển hình trong lĩnh vực kỹ thuật số, các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam ngày càng hợp tác, kinh doanh không phân biệt quốc gia, địa điểm. Hợp tác kỹ thuật số trong tài chính, y tế, hậu cần và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản. (Nguồn: AEONMALL)
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản. (Nguồn: AEONMALL)

Còn hạn chế nào đối với nhà đầu tư Nhật Bản khi hoạt động tại Việt Nam không, thưa ông?

Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Đơn cử như, lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao gần 4% và tiền lương của các doanh nghiệp FDI đang tăng khoảng 6% mỗi năm. 75% công ty Nhật Bản tại Việt Nam coi việc tăng lương là một thách thức. Giá thuê văn phòng, giá năng lượng và chi phí hậu cần cũng tăng theo.

Song song với đó, việc tuyển dụng và bảo đảm nguồn nhân lực xuất sắc ngày càng trở nên khó khăn. Chúng tôi nghe các công ty nói rằng, doanh nghiệp không thể thuê người giỏi, trừ khi phải trả mức lương trên mức trung bình.

Các thủ tục hành chính khác nhau cũng là trở ngại cho phía doanh nghiệp. Có 66% doanh nghiệp Nhật Bản nhận thấy, thủ tục hành chính chưa thực sự hiệu quả là một vấn đề ở Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dòng vốn FDI, cả nước phải mở rộng các đầu mối liên lạc nhưng số lượng cán bộ hành chính vẫn ở mức thấp.

Ngoài ra, vấn đề an ninh điện, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc, là rủi ro đối với hoạt động sản xuất. Nếu điện ngừng đột ngột hoặc điện áp dao động có thể dẫn đến tổn thất đáng kể cho doanh nghiệp.

Thu hút đầu tư chất lượng cao luôn là mục tiêu mà Việt Nam muốn hướng đến. Theo ông, thời gian tới, Việt Nam cần làm gì để đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ Nhật Bản?

Để đối phó với tình trạng chi phí tăng lên ở Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản tăng năng suất và sản xuất có giá trị gia tăng cao thông qua phát triển nguồn nhân lực, tiết kiệm lao động, tự động hóa và số hóa. Theo nghĩa này, các doanh nghiệp hai nước đang cùng hướng.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang sản xuất có giá trị gia tăng cao là điều khó khăn, ngay cả ở các nước phát triển. Việc chuyển đổi sang nền sản xuất có giá trị gia tăng cao chưa thực sự được thực hiện.

Dù vậy, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và sức hấp dẫn nhờ chi phí sản xuất thấp.

Nhiều doanh nghiệp FDI đang rà soát, củng cố chuỗi cung ứng do tình hình toàn cầu bất ổn. Các công ty toàn cầu thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt lượng phát thải khí nhà kính và tác động môi trường ở từng giai đoạn của chuỗi cung ứng. Trong khi đó, mạng lưới sản xuất cũng cần mạng lưới hậu cần thông minh. Ở các nước phát triển, nhiều cơ sở logistics được xây dựng dọc theo đường cao tốc và đường sắt.

JETRO là Ban thư ký cho Quỹ tài trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng của chính phủ Nhật Bản. JETRO nhận thấy, Việt Nam trở thành trung tâm thiết yếu trong mạng lưới sản xuất của các công ty Nhật Bản.

Vì vậy, trong tương lai, chúng tôi cho rằng, đất nước hình chữ S cần tập trung phát triển mạng lưới điện/năng lượng xanh và hậu cần. Để đẩy nhanh xu hướng này, Việt Nam cần có thêm nguồn cung cấp năng lượng xanh và nguồn điện ổn định.

Xin cảm ơn ông!

Tăng cường hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản

Tăng cường hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao những quyết tâm, nỗ lực, sáng kiến của Thống đốc Yamamoto Ichita, chính quyền tỉnh ...

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Cố vấn Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Cố vấn Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt

Ngày 27/10, tại trụ sở Bộ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Cố vấn Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt Takebe ...

Tọa đàm bàn tròn doanh nghiệp và đối thoại chính sách công tư về đầu tư bền vững của Mạng lưới doanh nghiệp OECD-Đông Nam Á

Tọa đàm bàn tròn doanh nghiệp và đối thoại chính sách công tư về đầu tư bền vững của Mạng lưới doanh nghiệp OECD-Đông Nam Á

Sáng 26/10, trong khuôn khổ Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm 2023, Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác và phát ...

Cuộc giao lưu thú vị giữa dân ca Việt Nam và Nhật Bản

Cuộc giao lưu thú vị giữa dân ca Việt Nam và Nhật Bản

Lần đầu tiên, những giai điệu dân ca Việt Nam và Nhật Bản đã cùng hòa điệu nhịp nhàng trong một liên hoan đặc biệt ...

Một Nhật Bản đậm ‘tình’

Một Nhật Bản đậm ‘tình’

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (2008-2011) nhớ về những người bạn Nhật Bản ...