Đây không phải là chiếc xe đạp bình thường mà là một chiếc "Medina Bike" thuộc dự án chia sẻ xe đạp đầu tiên được triển khai tại lục địa châu Phi.
Ba trăm chiếc xe Medina Bike (Medina có nghĩa là "thành phố" trong tiếng Ả Rập) đang có sẵn tại 10 trạm xe khắp trung tâm Marrakech, trong đó có cả trạm đặt tại nhà thờ Hồi giáo Koutoubia và vườn thực vật Majorelle.
Người sử dụng có thể mua thẻ theo ngày, tuần hoặc năm với các mức giá lần lượt 50, 150 và 500 dirhams (tương đương 5, 15 và 50 USD). Cứ 10 dirhams cho mỗi 30 phút sau nửa giờ đầu tiên.
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã hình thành dự án chia sẻ xe đạp này, sau đó mời các công ty đấu thầu tham gia. Công ty Smoove của Pháp, có các đội xe đạp hoạt động ở các thành phố như Chicago và Moscow, đã thắng thầu. Đối tác của họ trong dự án này là công ty địa phương Estates Vision.
Do Liên hợp quốc đánh giá cao dự án Medina Bike tại Hội nghị COP22, thậm chí còn lập một trạm cung cấp xe dành riêng cho những người tham dự Hội nghị, hệ thống này vẫn được giữ nguyên sau khi sự kiện kết thúc vào ngày 18/11 vừa qua.
Hội nghị COP22 nhằm đặt nền tảng cho việc thực hiện Hiệp định Paris 2015, với gần 200 quốc gia, trong đó Morocco đã ký kết và cam kết hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch và thay thế bằng năng lượng tái tạo. Mục đích là hạn chế sự nóng lên toàn cầu không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX).
Thân thiện với môi trường
Trong khi các phương tiện cá nhân là một nguyên nhân chủ yếu gây ra phát thải khí nhà kính (ví dụ, ở nước Mỹ, xe hơi xả ra 1/5 lượng khí thải này), việc phổ biến các phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp là cần thiết.
Sự ra mắt của dự án xe đạp Medina, cũng như việc Morocco đăng cai tổ chức COP22, phản ánh chính sách của đất nước Bắc Phi này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đóng góp như vậy là cần thiết bởi Morocco có bờ biển dài hơn 2.200km và hầu hết các hoạt động kinh tế được tổ chức thực hiện ở các vùng ven biển, làm cho đất nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng.
Những chiếc xe đạp của dự án Medina Bike tại một trạm xe ở thành phố Marrakech. (Nguồn: The Guardian) |
Morocco đặt mục tiêu tạo ra 52% năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. Các dự án như nhà máy điện năng lượng mặt trời Noor đang được thực hiện hướng tới tầm nhìn đó: Noor, dự kiến được hoàn thành vào năm 2018, sẽ là nhà máy tập trung năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, cung cấp điện cho hơn một triệu người. Với những nỗ lực trên, Morocco được ghi nhận là một trong mười quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng của tổ chức theo dõi Germanwatch và bảng chỉ số về Hiệu suất biến đổi khí hậu 2016. Nước này còn được coi là quốc gia duy nhất ngoài châu Âu đã có hành động chống biến đổi khí hậu.
Medina Bike đã tham gia một số sáng kiến nhằm giảm việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong nước. Xe đạp từng là một phương thức giao thông vận tải phổ biến ở Morocco trước sự gia tăng của ô tô. Người ta hy vọng rằng những chiếc xe đạp này sẽ giúp khôi phục thói quen đi xe đạp trước kia của nhiều người.
Bà Hélène Papa, Giám đốc Truyền thông tiếp thị của Smoove, cho biết công ty này “muốn người dân Morocco cũng như du khách nhận thức được rằng việc sử dụng xe đạp không những tốt cho môi trường, mà còn là cách tốt nhất để đi du lịch trong khoảng cách ngắn”. Mục đích cuối cùng của Smoove là truyền bá thông điệp bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và tham vọng điều này được thực hiện trên khắp lục địa châu Phi.
“Chúng tôi muốn dự án Medina Bike thành công và được mở rộng đến các thành phố khác ở Morroco, sau đó sẽ lan tỏa ra toàn châu Phi”, bà Hélène Papa cho biết.