Thánh đường Azhar, ấp Châu Giang, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Chăm An Giang. (Ảnh: Phương Nghi) |
Đến các làng Chăm, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào xứ sở “Nghìn lẻ một đêm” bởi những ngôi thánh đường uy nghi, bề thế, có kiến trúc tháp chòm độc đáo với 2 màu chủ đạo là trắng và xanh lá cây. Không chỉ nổi bật với thánh đường, làng người Chăm còn gìn giữ được những ngôi nhà sàn bằng gỗ với tuổi đời hàng trăm năm. Những ngôi nhà sàn có kiến trúc đẹp được dựng từ các loại gỗ có độ bền cao, mặt tiền nhà sàn luôn có thang gỗ, cửa cái ra vào luôn thấp hơn đầu người với hàm ý khi khách vào nhà phải cúi chào.
Làng Chăm càng đẹp hơn bởi hình ảnh những cô gái Chăm dịu dàng, e ấp ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống có từ bao đời của người Chăm. Đến với làng dệt thổ cẩm Châu Giang hay còn gọi làng thổ cẩm Phũm Soài, du khách như lạc vào thế giới của sắc màu thổ cẩm truyền thống được dệt bởi bàn tay của những phụ nữ Chăm xinh xắn. Nào là khăn choàng, áo khoác, túi xách, túi đeo và đặc biệt là những chiếc khăn choàng tóc đẹp mắt và lắm công phu. Các sản phẩm dệt của người Chăm đáp ứng rộng rãi nhu cầu trang phục, trang sức của đồng bào Chăm và là sản phẩm du lịch đặc sắc cho cả du khách trong và ngoài nước.
Hầu như các sản phẩm thổ cẩm của người Chăm rất đa dạng hoa văn trang trí, nhất là trên những bộ y phục cổ truyền của thiếu nữ. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là tơ được nhuộm màu thủ công. Nhuộm màu sợi là bí quyết được lưu truyền nhiều đời nay trong cộng đồng người Chăm ở An Giang. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, thiếu nữ Chăm đến tuổi lấy chồng, ai cũng biết dệt vải, những tấm khăn, cái áo được coi là thước đo sự đảm đang, khéo léo của các cô gái. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm An Giang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, khám phá. Vì thế một bộ phận người Chăm đã nhanh chóng đón nhận xu thế, tham gia làm du lịch để giới thiệu về những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.
Chị Zây Mah, ấp Phũm Soài (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) thợ dệt ở làng Chăm Châu Phong, chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ, các cô gái Chăm đã được bà, mẹ chỉ cách làm các món ăn, món bánh truyền thống và đặc biệt truyền lại nghề thêu, dệt thổ cẩm, một nghề truyền thống của dân tộc”.
Mừng đón Tết Roya Haji các cô gái Chăm với chiếc khăn chùm đầu sặc sỡ và duyên dáng lạ lùng, cùng trang phục truyền thống, tạo thêm nét huyền bí trong từng cử chỉ của họ. (Ảnh: Phương Nghi) |
Những nét đặc sắc của văn hoá Chăm An Giang còn thể hiện từ tiếng nói, chữ viết riêng của mình. Để bảo tồn văn hoá, tiếng nói và chữ viết, hiện nay hầu hết các thánh đường đều có mở lớp dạy. Ban ngày các em học văn hoá tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, còn buổi tối tập trung tại thánh đường để học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Đặc biệt, tại thánh đường Azhar ấp Châu Giang, xã Châu Phong còn có một lớp học chuyên dạy đọc, viết chữ bằng tiếng dân tộc cho trẻ em của cộng đồng người Chăm An Giang.
Ông Haji Abdolhamid, Phó Giáo cả thánh đường Chăm Azhar ấp Châu Giang cho biết: “Trước mắt là giúp các em học được kinh Koran, biết hành lễ, sâu xa hơn là giữ được bản sắc văn hóa dân tộc người Chăm, là người Chăm phải biết chữ, biết nói tiếng dân tộc Chăm…”.
Trong năm, người Chăm còn trải qua nhiều lễ hội như Hội Roya Haji (mừng tuổi), Ramadan (tháng ăn chay)…Ngoài các lễ hội truyền thống thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng, người Chăm ở An Giang còn tham gia nhiều lễ hội khác như Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm Búng Bình Thiên ở huyện An Phú (dịp Quốc khánh 2/9); Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang tổ chức hai năm một lần tại các huyện có đồng bào Chăm sinh sống.
Trong các lễ hội, thường diễn ra các trò chơi dân gian, liên hoan văn nghệ (ca, múa, nhạc cụ thể hiện bản sắc dân tộc Chăm); ngoài ra, còn có các tiết mục trình diễn trang phục, phục dựng lễ cưới truyền thống nhằm giới thiệu sinh động, rõ nét đặc trưng văn hóa Chăm.
Ẩm thực truyền thống cũng là nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm, nổi bật là các món ăn quen thuộc như cơm nị, cà ri và cà púa. Món cơm nị có màu vàng rất đẹp mắt của bột nghệ, mùi thơm của cà ri, vị đặc trưng của lá tía tô và vị ngọt của tôm, mực rất hấp dẫn khiến ai dù chỉ thưởng thức 1 lần cũng không thể nào quên…
Trong các món cà ri của đồng bào Chăm, có lẽ hấp dẫn và ngon nhất vẫn là món cà ri dê. Người Chăm sử dụng rất nhiều gia vị, hương liệu trong nấu ăn, nhất là bột cà ri và lá cà ri tươi, củ hành tím, nước cốt dừa, ớt… để chế biến món ăn tinh xảo, đậm đà hương vị đặc trưng: ngọt, thơm, béo ngậy và rất cay.
Nghi thức “đưa rể” qua nhà gái trong đám cưới của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm An Giang. (Ảnh: Phương Nghi) |
Giáo cả Haji Jacky, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang cho biết: Những năm qua, cộng đồng người Chăm ở An Giang nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương nên đời sống vật chất ngày càng phát triển, đời sống tinh thần ngày càng phong phú.
Với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, các chức sắc, giáo cả luôn tuyên truyền cho tín đồ về tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đồng hành với dân tộc. Đồng bào Chăm luôn sống chan hòa, đoàn kết với các dân tộc khác, làm tốt nghĩa vụ giữa đạo và đời, tích cực tham gia các phong trào để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
“Hiện nay, 100% ấp, xã vùng đồng bào dân tộc Chăm có điện lưới quốc gia, trên 98% hộ dân được sử dụng điện lưới và nước sạch sinh hoạt. Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa hoàn toàn, các xã vùng đồng bào Chăm có nhà văn hóa, trạm phát thanh phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Đời sống của bà con được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm, số hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn gần 4%”, Giáo cả Haji Jacky cho biết.
Khi hoàng hôn buông xuống, cũng là lúc tiếng kinh cầu lại bắt đầu vang lên từ phía những ngôi thánh đường bên dòng sông Hậu thơ mộng. Những làng Chăm hiền hoà nghiêng mình soi bóng nước Cửu Long. Những thiếu nữ Chăm với trang phục truyền thống bên khung cửi không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa, của dân tộc mà còn là điểm nhấn độc đáo, duyên dáng đặc trưng của phụ nữ Chăm ở An Giang.