Địa danh này thu hút du khách từ cái tên khá ấn tượng - Biển Hồ. Thật ra, Biển Hồ là tên do người Kinh gọi, còn tên thật của nó là Tơ Nuêng (Tơ Nưng). Nơi đây là thắng cảnh của tỉnh Gia Lai mà bất cứ ai đã đặt chân đến miền đất Tây Nguyên đầy nắng gió đều không thể bỏ qua.
Nằm ở phía Bắc thành phố Pleiku, Biển Hồ là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động cách đây hàng triệu năm, có hình bầu dục, sâu 16–19 m, có diện tích mặt nước 280 ha. Rộng mênh mông, với làn nước hồ quanh năm xanh biếc, vì thế nó được gọi là Biển Hồ, hay còn gọi với cái tên lãng mạn “Đôi mắt Pleiku”.
Một góc Biển Hồ |
Con đường bê tông phẳng lì băng qua những hẻm núi hiểm trở, vách đá thẳng đứng rêu phong, đây đó điểm xuyết những bụi cây kim ngân hoa vàng rực rỡ.
Bỗng ai đó reo òa lên: “Biển Hồ kia rồi!” Mặt hồ như một tấm gương phẳng lặng, bao bọc xung quanh là những rừng cây, những ngọn núi xa xa.
Đứng bên bờ hồ, ai nấy có cảm giác thoáng đãng, tranh thủ hít căng lồng ngực làn gió mát lành, cảm thấy thoải mái như đứng bên bờ biển lộng gió…
Sau bữa cơm tối, ngồi quanh ché rượu cần bên ánh lửa bập bùng, nhóm du khách ngồi lặng yên nghe già làng Brel kể những huyền thoại xa xưa về Biển Hồ.
Câu chuyện của già nghe buồn man mác. Già kể: Cái tên Tơ Nuêng là tên một buôn làng cổ trong truyền thuyết. Thuở xa xưa làng Tơ Nuêng to đẹp lắm, dân làng sống yên vui bên những dòng suối trong mát. Ngày ngày tiếng chiêng, tiếng hát vang rộn núi rừng…
Bỗng một năm nọ, trâu bò cả làng lăn ra chết. Dân làng cho là Giàng (Trời) phạt nên đã vào rừng săn thú về làm lễ cúng.
Lễ xong, mọi người đang vui say bỗng mặt đất rung chuyển rất mạnh làm cả làng sụp đổ xuống vực sâu, nước tràn mênh mông, không còn ai sống sót. Riêng có vợ chồng Mạc Mây đi thăm họ hàng ở xa nên tránh được thảm họa…
Có người lại kể một dị bản rằng: Bỗng một hôm núi lửa phun dung nham, tro nóng vùi lấp cả làng, những người sống sót khóc thương làng mình và người thân mãi không nguôi, nước mắt chảy thành suối đổ về tạo nên Biển Hồ. Từ đó hồ mang tên Tơ Nuêng như để ghi nhớ một kỷ niệm buồn của buôn làng... chứng tích của một sự kiện bi thảm khó quên.
Tạm quên đi câu chuyện xưa buồn bã, chúng tôi vượt con đường với hàng thông cổ thụ xù xì đi thăm những đồi chè xanh mướt trải dài tít tắp không thua gì cao nguyên Mộc Châu.
Đi thăm những vườn cà phê trĩu quả, chúng tôi cảm nhận được sự trù phú của vùng đất đỏ bazan này. Hóa ra không chỉ Buôn Ma Thuột mới có cà phê ngon, mà cà phê Pleiku cũng là một thương hiệu. Du khách đi tham quan vườn cà phê, trải nghiệm một ngày lao động với những công nhân hái cà phê. Sau đó mọi người cùng ngồi nhấm nháp ly cà phê sánh đặc, thơm hương...
Ngày 16/11/1988, thắng cảnh thiên nhiên Biển Hồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận Di tích danh thắng.
Rời Biển Hồ, tạm biệt Pleiku mà câu hát của Nguyễn Cường vẫn còn văng vẳng bên tai: “Em đẹp thế Pleiku ơi...”