📞

Đối mặt với Trung Quốc, Australia mơ về liên minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới

Hà Linh 09:00 | 13/08/2020
TGVN. Lo ngại về nguy cơ đối đầu trực tiếp Mỹ - Trung, Thủ tướng Australia đang tìm kiếm một hướng đi mới thay thế cho sự suy yếu của các thể chế quốc tế. Phân tích của báo L’Opinion (Pháp).
Thủ tướng Autralia đã tỏ ý muốn thiết lập một liên minh các quốc gia cùng chung ý tưởng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Nguồn: Getty/TTXVN)

Liệu có phải chúng ta đang quay trở lại thời kỳ của trào lưu “liên kết” sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai? Sự bất lực của Liên hợp quốc trong bảo đảm an ninh quốc tế, sự khác biệt về lợi ích ngày càng bộc lộ rõ giữa 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an hay việc Mỹ chủ động rời bỏ một số thể chế quốc tế, gần đây nhất là việc Pháp và Đức rời bỏ cuộc đàm phán về cải cách Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã khiến một loạt các quốc gia quay lại tìm kiếm các mô hình liên minh truyền thống để bảo đảm tốt nhất sự ổn định.

“Ưu tiên cốt yếu”

Căng thẳng gần đây giữa Washington và Bắc Kinh càng khiến các nước quan tâm hơn đến các liên minh, như Thủ tướng Autralia Scott Morrison đã đề cập hôm 5/8. Thực vậy, Thủ tướng Autralia đã tỏ ý muốn thiết lập một liên minh các quốc gia cùng chung ý tưởng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo ông, đây là “ưu tiên cốt yếu” nhằm “tạo dựng cân bằng chiến lược lâu dài”. Cho rằng chủ nghĩa biệt lập kinh tế và quân sự của Mỹ đã làm suy yếu các liên minh khác nhau của Mỹ, trong khi đó lại khiến Trung Quốc mạnh dạn hơn, Thủ tướng Australia mong muốn sự ra đời của một tập hợp gồm các nước đảo nhỏ tại Thái Bình Dương, Việt Nam, Indonesia cũng như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen, ông giải thích lời kêu gọi này bằng sự thất bại của các tổ chức quốc tế. Ông khẳng định: “Khi các thiết chế thế giới và bộ máy quan liêu của chúng trở nên thiếu trách nhiệm, dễ bị thao túng hoặc bị cưỡng ép, đánh mất lòng tin của những thành viên thì chúng cũng không còn giữ được vai trò hỗ trợ các quốc gia nhất trí về các nguyên tắc chung điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia”.

Lời kêu gọi của Thủ tướng Australia về thành lập một liên minh mới trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương còn xuất phát từ sự lo ngại khi Mỹ theo đuổi cách tiếp cận mang tính buôn bán trong các liên minh hiện có. Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải hứng chịu sự chỉ trích của Donald Trump khi ông cho rằng cam kết tài chính của Nhật Bản và Hàn Quốc không đủ để duy trì quân Mỹ đồn trú tại các nước này.

Gần đây, việc Mỹ rút quân đồn trú tại Đức và các phát biểu mập mờ của Tổng thống Trump về NATO cho thấy Châu Âu cũng không tránh khỏi thái độ này của Mỹ - một thái độ khó làm yên lòng các đồng minh.

Tình đoàn kết lớn

Thủ tướng Morrison hoàn toàn không có ẩn ý khi nói “Chúng ta phải xây dựng tình đoàn kết lớn hơn trong tất cả các cam kết” vì “tình đoàn kết cần thiết giữa các đối tác cùng chia sẻ quan điểm chung có thể bị xói mòn nếu quan hệ chính trị và an ninh tốt lại đi kèm với quan hệ thương mại xấu hoặc mang tính đối đầu”. Đây rõ ràng là ám chỉ đến thái độ của Chính quyền Tổng thống Trump, nhưng cũng cần nhận thấy trong phát biểu đó, Thủ tướng Australia mong muốn tìm giải pháp nhằm ngăn chặn đối đầu trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ.

Hơn nữa, trước đó vài ngày, ông Kevin Rudd, người tiền nhiệm của Thủ tướng S. Morrison, đã đăng một bài báo dài trên tạp chí Foreign Affairs thể hiện thái độ bi quan. Ông Rudd đánh giá “kết quả chưa từng được nghĩ tới là một cuộc xung đột vũ trang thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc lần đầu tiên trở nên có thể xảy ra kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên”, sau khi liệt kê một danh sách dài các chủ đề đang gây chia rẽ giữa hai cường quốc chính của thế giới.

Cả Mỹ và Trung Quốc dường như quyết định thể hiện sức mạnh của mình. Ngay trước khi diễn ra Diễn đàn an ninh Aspen, Mỹ đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman-III, bay qua Thái Bình Dương tới tận quần đảo Marshall, rõ ràng là nhằm cảnh báo Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không tỏ ra kinh sợ vì Quân đội nhân dân giải phóng mới đây khẳng định đã tiến hành bắn tên lửa đạn đạo DF-26, thường được biết đến với cái tên “sát thủ chiến hạm”, để đáp trả việc Mỹ cử hai tàu Nimitz và Reagan vào Biển Đông.

Cựu Thủ tướng K. Rudd cho rằng: “Số lượng thiết bị hải quân và không quân do hai bên triển khai khiến sự va chạm vô tình (hay thậm chí cố ý) ngày càng dễ xảy ra”. Vấn đề còn lại là liệu việc tạo lập một liên minh mới trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có cho phép ngăn Mỹ và Trung Quốc chuyển sang giai đoạn đối đầu quân sự?

Không có gì chắc chắn trong bối cảnh Mỹ có chính sách đối đầu như hiện tại. Thất bại của Tổng thống Trump trong bầu cử ngày 3/11 tới chắc chắn sẽ lập lại một phần trật tự trong các liên minh hiện có. Nếu ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử, ông này sẽ tìm cách “tái khởi động các liên minh” của Mỹ và “củng cố các tổ chức đa phương”. Nói cách khác, sẽ không cần thiết phải quay lại thời kỳ của những liên kết như thập niên 50, 60 của thế kỷ 20.

(The báo Pháp L'Opinion)