Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Long (giữa) nhận cúp chứng nhận địa phương đứng thứ 3 về PCI năm 2015. (Nguồn: BQN) |
Tám năm trước, Quảng Ninh còn xếp hạng 27 trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện. Sau nhiều nỗ lực, với những bứt phá ngoạn mục, Tỉnh đã lần lượt chinh phục các thứ hạng cao thứ năm, tư rồi thứ ba.
Thành quả của nỗ lực không ngừng
Để đạt kết quả trên, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Long cho rằng, đây là cố gắng của chính quyền các cấp Quảng Ninh và là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp. Trên thực tế, những nỗ lực không ngừng và sự quyết liệt của lãnh đạo Quảng Ninh trong công tác chỉ đạo, điều hành đã mang lại nhiều kết quả cụ thể, có nhiều giải pháp, sáng kiến mới, cải thiện rõ rệt môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.
Về cải cách thủ tục hành chính, Quảng Ninh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử; tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính; tuân thủ quy trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn Tỉnh là 1.534, giảm 201 thủ tục ở cả ba cấp. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm trung bình 40% so với quy định của Trung ương.
Cùng với thời gian thành lập doanh nghiệp (khi hồ sơ hợp lệ) chỉ mất tối đa ba ngày, số giờ nộp thuế ở tỉnh Quảng Ninh đã đạt và vượt so với mục tiêu 121,5 giờ/năm. Dự kiến đến hết năm 2016, cơ bản các doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng; 97,78% doanh nghiệp thực hiện thông quan điện tử (vượt mức trung bình ASEAN-6 là 95%), tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt trên 90%. Đặc biệt, ngoài việc giảm thời gian thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu, Quảng Ninh còn thực hiện tốt công tác thu thập và xử lý thông tin, áp dụng quản lý rủi ro trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện đáng kể, trong đó chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Do đó, số lượng dự án và tổng mức đầu tư cấp mới trong năm 2015 đạt cao nhất so với cùng kỳ các năm trước, cấp mới và điều chỉnh cho 97 dự án với tổng vốn đăng ký 58.124 tỷ đồng, tăng 35,8% cùng kỳ. Năm 2015 có 1.340 doanh nghiệp đăng ký mới (tăng 10% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký 9.931 tỷ đồng (tăng 117% cùng kỳ). Đây là những số liệu thực tế cho thấy, doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, niềm tin đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh tiếp tục được củng cố.
Chỉ có ở Quảng Ninh
“Hiếm có công cuộc đổi mới kinh tế mạnh mẽ nào như PCI. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình Trung tâm hành chính công. Mô hình cà phê doanh nhân của Quảng Ninh cũng góp phần giúp Lãnh đạo Tỉnh nắm bắt thông tin trực tiếp từ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn…” Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã nói như vậy về Quảng Ninh tại Lễ trao chứng nhận PCI.
Cảm nhận sự thay đổi không chỉ ở tuyên bố của Bí thư Tỉnh uỷ, hay Chủ tịch UBND mà có sự tham gia của tất cả các sở, ngành, địa phương, nhiều ý kiến đánh giá cao các sáng kiến mới chỉ có ở Quảng Ninh. Chẳng hạn, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược McKinsey Việt Nam Marco Breu nhận định rằng, Ban Xúc tiến đầu tư của Quảng Ninh là một thành công, nhưng quan trọng là sự thay đổi về tư duy, cách làm của địa phương. Thay vì trước đây chờ đợi nhà đầu tư, thì giờ chính quyền đã chủ động mời gọi nhà đầu tư. Vì thế, Việt Nam nên chuyển động theo hướng này. Nếu chỉ là cơ hội, cơ chế khuyến khích thôi chưa đủ, mà chăm sóc tốt nhà đầu tư mới là quan trọng - đây là điều mà Quảng Ninh đã làm được. Giờ thì Quảng Ninh đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nhiều nơi trên thế giới.
Có thể đó chính là lý do mà Chủ tịch Nguyễn Đức Long chia sẻ, Quảng Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, huy động được nhiều nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho hạ tầng cơ sở quan trọng như các dự án đường nối Hạ Long với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng Hàng không Quảng Ninh... Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt trên 11%, cao nhất trong bốn năm trở lại đây, thu ngân sách nhà nước tăng 3,5% cùng kỳ, trong đó thu nội địa cao nhất từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 51.341 tỷ đồng, tăng 12,5% cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,55%.
Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh xác định cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư tiếp tục phải là việc làm thường xuyên, liên lục, quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Trong lộ trình hướng đến Tỉnh có cơ cấu dịch vụ đi đầu, Quảng Ninh kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh tiếp tục đến với “nơi cần đến và nơi đáng sống”. Quảng Ninh sẽ không làm họ thất vọng.