📞

Đổi mới giáo dục luôn khó khăn?

09:47 | 09/06/2018
Trong suốt hai thập kỷ qua, chúng ta chứng kiến nhiều đổi mới giáo dục. Bên cạnh những thành công cũng còn nhiều kết quả không được như ý muốn và câu hỏi được đặt ra là: “Tại sao đổi mới giáo dục ở Việt Nam luôn gặp khó?”. 

Chưa từng có quốc gia nào xem đổi mới hay cải cách giáo dục là dễ dàng. Giáo dục liên quan, đụng chạm đến hàng triệu con người và hàng vạn gia đình, thường mỗi người sẽ có những ý kiến theo nhận thức, niềm tin, học vấn và văn hóa riêng.

Một cái khó của đổi mới là mỗi người nhìn nhận những vấn đề về giáo dục cũng theo nhãn quan của mình và đều có thể trở thành “bình luận viên”. Đổi mới đòi hỏi phải có một quá trình thay đổi nhận thức, niềm tin, văn hóa và thói quen tư duy.

Nếu không hình thành được sự đồng thuận trong xã hội, mọi đổi mới giáo dục khó lòng thành công, tâm lý chung là ngại đổi mới và muốn quay về với cái cũ. Bởi vì, đổi mới là chứa đầy những thách thức và rủi ro mà người lãnh đạo chưa chắc đã lường hết các khía cạnh phức tạp tác động đến người tham gia giáo dục.

Giáo viên phải là trung tâm của đổi mới

Mỗi lần đổi mới sẽ có người hài lòng và chào đón, nhưng không ít người  tìm cách chống lại với những biện luận của mình. Đổi mới sẽ làm cho một nhóm người này tăng quyền lực. Nhưng những nhóm người khác lại đứng trước nguy cơ bị đẩy ra bên lề của công cuộc đổi mới do năng lực hạn chế hoặc do thiếu sự tin tưởng vào thành công. Điều này thấy rõ nhất là đội ngũ giáo viên với lứa tuổi chênh lệch, năng lực, kinh nghiệm khác nhau. Họ có khả năng học hỏi khác nhau và chắc chắn ảnh hưởng đến chuyện dạy học cũng như sự tận tâm khác nhau trong tiến trình đổi mới.

Một hệ thống giáo dục vốn rất lớn, nếu “người lái” thiếu niềm tin, thiếu tín hiệu dẫn đường và kỹ năng sẽ dễ mắc “cạn”.

Chúng ta cũng từng chứng kiến đổi mới giáo dục theo kiểu “đồng phục”. Nghĩa là, mọi lớp học, mọi cá nhân học sinh đều phải tuân thủ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp mang tính áp đặt. Trong khi, mỗi cá thể học sinh là một khác biệt dẫn đến kỳ vọng “chuẩn đồng phục” về nhận thức, năng lực sẽ khó đạt được. Giáo viên khó có không gian tự do sáng tạo trong dạy học vì phải đáp ứng tiến độ cùng các điều kiện dạy học thực tế. Nếu lỡ đặt ra các mục tiêu theo kỳ vọng của các nhà thiết kế chính sách và chương trình sẽ dẫn đến căn bệnh thành tích của giáo dục. Rõ ràng, khả năng học tập khác nhau, hoàn cảnh gia đình, văn hóa khác nhau, được học chung một tiến độ đều trở nên khá giỏi hoặc toàn diện là điều phi logic.

Trong mọi cuộc đổi mới giáo dục, người giáo viên luôn là trung tâm của quá trình. Nếu nhận thức và niềm tin của giáo viên không đầy đủ, mọi cuộc đổi mới đều có thể thất bại. Họ vốn là những “công nhân” vận hành “dây chuyền sản xuất” ra sản phẩm là những người học được giáo dục. Vì thế, muốn đổi mới giáo dục thành công rất cần chăm lo cho đội ngũ này về tâm thế, chuyên môn nghiệp vụ và sẵn sàng cho quá trình đổi mới.

Bên cạnh đó, phải nói đến vai trò lãnh đạo quản lý có tính quyết định đối với thành công của đổi mới giáo dục. Ở đây cần nhấn mạnh tầm nhìn, tài năng của người lãnh đạo để chèo lái con tàu. Mọi quyết định chủ trương, đường lối đổi mới phải dựa trên những nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm thực tiễn của thế giới, phát triển và luôn gắn với nhu cầu của xã hội. Nhưng đáng tiếc, không ít những sáng kiến đổi mới theo kiểu “chợt nghĩ”, thiếu các bằng chứng nghiên cứu hỗ trợ, dẫn đến sự đổi mới mang tính chắp vá, ngắn hạn và khi nhìn lại hệ thống thì lại bị chệch hướng.

Điều khiển một hệ thống giáo dục vốn rất lớn, nếu “người lái” thiếu niềm tin, thiếu tín hiệu dẫn đường và kỹ năng sẽ dễ mắc “cạn”. Vì thế, người lãnh đạo quản lý giáo dục cho dù ở cấp vĩ mô, hay vi mô đều phải nắm chắc kiến thức và kỹ năng quản lý sự thay đổi. Họ cũng phải xác định được tầm nhìn của thay đổi, có kế hoạch chiến lược và chuẩn bị nguồn lực cũng như các điều kiện về pháp luật để quá trình đổi mới diễn ra ít trở ngại nhất. Điều đặc biệt cần tránh là áp đặt ý muốn chủ quan trong quá trình làm chính sách, đặt ra mục tiêu theo kỳ vọng mà không phải là những mục đích thực tế và khả thi với các điều kiện về con người cũng như nguồn lực.

Sức mạnh truyền thông

Đổi mới giáo dục đụng chạm đến hàng triệu con người và truyền thông luôn là tác nhân thúc đẩy nhưng cũng có thể là rào cản cho đổi mới giáo dục. Truyền thông đại chúng là một kênh quan trọng của dư luận xã hội. Một khi giới truyền thông đại chúng được cung cấp thông tin đầy đủ về đổi mới (mục tiêu khả thi, nội dung, lộ trình và điều kiện nguồn lực cùng các nghiên cứu hỗ trợ bài bản), kiên định với đổi mới thì truyền thông là một nhân tố sức mạnh cho đổi mới.

Ngược lại, mức độ truyền thông không đầy đủ, thiếu minh bạch, rất dễ xảy ra xung đột giữa truyền thông và ngành giáo dục khi có một sự cố, còn gọi là khủng hoảng truyền thông. Thậm chí, một hiện tượng cá biệt có khi được khái quát, quy nạp thành hiện tượng mang tính phổ biến. Ví dụ, trường hợp giáo viên có hành động bạo lực với học sinh là những trường hợp cá biệt, nhưng dưới góc nhìn và ứng xử của truyền thông khiến người ta có thể nghĩ đến là giáo viên bây giờ đạo đức phẩm chất kém.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội cho đổi mới nền giáo dục tương đối khép kín sang một nền giáo dục mở, đòi hỏi chính các chính sách đổi mới cần được điều chỉnh. Những phương thức học tập, học liệu thay đổi, vai trò người thầy cũng thay đổi theo. Đồng thời, biên giới truyền thống trong mỗi nhà trường cũng có thể mờ đi, khái niệm nơi học tập có thể trở nên cũ kỹ đang thách thức rất lớn đối với đổi mới.

Đặc biệt những vấn đề bạo lực, đe dọa trên mạng xã hội cùng với bạo lực nơi trường học đang có nguy cơ lan truyền trong hệ thống. Từ đó, đòi hỏi các nhà quản lý và thầy cô giáo lường trước được những rủi ro chịu ảnh hưởng từ những thay đổi môi trường bên ngoài.

TS. Hoàng Ngọc Vinh

Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam