TIN LIÊN QUAN | |
Tp. Hồ Chí Minh trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp đối ngoại Đảng" | |
Đối ngoại Đảng 2015: Vĩ mô và thiết thực |
Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại Đảng thời gian qua?
Thời gian qua chúng ta triển khai công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại Đảng nói riêng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động hết sức sâu sắc, thay đổi nhanh chóng, phức tạp, nhiều yếu tố bất an, bất định, bất ngờ, tác động sâu, đa chiều, đa cấp độ đến môi trường an ninh, phát triển của nước ta.
Trong bối cảnh đó, Đảng ta tiếp tục chủ động mở rộng và tăng cường quan hệ với các chính đảng trên thế giới trên cơ sở kiên định các nguyên tắc độc lập tự chủ, bình đẳng, tôn trọng, không can thiệp công việc nội bộ của nhau; bảo đảm tối cao lợi ích quốc gia – dân tộc; lấy giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới.
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân. |
Nhìn tổng thể, chúng ta đã triển khai chủ động, có trọng tâm, trọng điểm đối ngoại Đảng, đạt nhiều kết quả quan trọng và có những nội dung đột phá:
Thứ nhất, Đảng ta không ngừng mở rộng, phát triển quan hệ với nhiều đảng, diễn đàn đa phương chính đảng, tổ chức, phong trào ở tất cả các khu vực. Từ chỗ chỉ có quan hệ với các đảng cộng sản (ĐCS) và công nhân, các đảng cánh tả, cách mạng và tiến bộ là chủ yếu, Đảng ta đã mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính, các đảng đối lập lớn ở các nước đối tác quan trọng. Hiện nay, Đảng ta có quan hệ với 245 chính đảng ở 111 quốc gia, trong đó có 96 ĐCS, 63 đảng cầm quyền; 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Đảng đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác mới giúp thúc đẩy chiều sâu quan hệ, đặc biệt là các cơ chế: gặp gỡ cấp cao, hội thảo lý luận, đối thoại chính sách, tham vấn chính trị, cơ chế “đường dây nóng”, đặc phái viên của Tổng Bí thư, đào tạo cán bộ, ký kết thỏa thuận hợp tác. Ta đã tổ chức 38 cuộc hội thảo lý luận và đối thoại chính sách với các đảng; ký và triển khai 23 thỏa thuận quốc tế.
Thứ hai, đối ngoại Đảng đã góp phần tạo nền tảng chính trị quan trọng cho quan hệ song phương, gia tăng tin cậy chính trị; đồng thời tạo “dư địa” nhằm linh hoạt thích ứng với những biến chuyển trên chính trường các nước, nhất là ở các nước đối tác có vị trí quan trọng. Đặc biệt, các chuyến thăm nước ngoài của Tổng Bí thư và lãnh đạo cấp cao Đảng đã góp phần rất quan trọng tăng cường quan hệ song phương, thúc đẩy hình thành khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các nước.
Thứ ba, đối ngoại Đảng đã phát huy hiệu quả trong xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước; thúc đẩy giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong quan hệ song phương.
Thứ tư, đối ngoại Đảng đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Đảng, nước ta trên trường quốc tế. Các đảng, các nước ngày càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn và thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, tôn trọng thể chế của Việt Nam. Mặt khác, hợp tác trên kênh Đảng góp phần hiệu quả nâng cao năng lực cầm quyền, làm phong phú thêm tư duy phát triển, nhân tố hết sức quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ năm, hoạt động đối ngoại Đảng đã trực tiếp có những đóng góp quí báu đối với phong trào cách mạng thế giới. Hầu hết các đảng cộng sản, công nhân đều coi những thành tựu đổi mới của ta là đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cổ vũ các đảng trong cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội.
Theo ông, đối ngoại Đảng đã góp phần tạo nền tảng chính trị trong quan hệ của Việt Nam với các nước như thế nào?
Một trong những kết quả quan trọng của đối ngoại Đảng thời gian qua đã góp phần tạo nền tảng chính trị quan trọng cho quan hệ song phương giữa nước ta với các nước. Đối ngoại Đảng đã góp phần tạo các điều kiện thuận lợi, củng cố, tăng cường các khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài, hoặc trực tiếp xác lập các khuôn khổ quan hệ mới với các nước, định hướng cho quan hệ của ta với các nước; thông qua đặc thù của kênh Đảng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quan hệ song phương; thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, tạo môi trường chính trị thuận lợi cho phát triển quan hệ Nhà nước; đối ngoại Đảng cũng tạo quan hệ chính trị với các chính đảng, các chính khách có vai trò chi phối chính sách đối với Việt Nam.
Lấy ví dụ, quan hệ của Đảng ta với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, ĐCS Trung Quốc, Đảng Nhân dân Campuchia, ĐCS Cuba đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng sự hợp tác toàn diện giữa nước ta với các nước trên. Trong các quan hệ này, các cơ chế hợp tác, nhất là các cơ chế hội đàm ở cấp cao nhất trên kênh đảng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp có tính chiến lược, đồng thời xác định các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác, kịp thời giải quyết các khó khăn trong quan hệ song phương, qua đó không ngừng củng cố tin cậy chính trị và chiến lược, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sự ổn định và phát triển của quan hệ nhà nước.
Quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính, các đảng đối lập lớn đã góp phần làm cho chính giới các nước có cách nhìn xác thực hơn, hiểu đúng hơn về Việt Nam, tạo nhận thức chung về nhu cầu thúc đẩy khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với nước ta, từ đó thúc đẩy tham gia và tác động vào quá trình hoạch định, triển khai chính sách của các nước đối với Việt Nam. Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại Đảng của Lãnh đạo cấp cao đã đạt hiệu quả thiết thực, tạo động lực mới đưa quan hệ với các nước, đối tác quan trọng vào chiều sâu, nâng cấp, xác lập nhiều khuôn khổ quan hệ mới với các nước, thiết lập vị thế cân bằng và đan xen lợi ích trong quan hệ với nước lớn.
Đối với nhiều nước, việc mở rộng quan hệ với các ĐCS, công nhân, cánh tả, diễn dàn đa phương chính đảng, các tổ chức, phong trào tiến bộ đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy gia tăng hiểu biết và gắn kết tình cảm của nhân dân các nước với Việt Nam, qua đó tạo môi trường chính trị thuận lợi chung thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa nước ta với các nước; đồng thời tranh thủ được sự hậu thuẫn chính trị của bạn bè quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ủng hộ lập trường của ta trong nhiều vấn đề phức tạp.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp. Xin ông cho biết những định hướng và nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Đảng trong tình hình mới?
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình các chính đảng và quan hệ giữa các chính đảng cũng có những thay đổi rất nhanh chóng, đặt ra nhiều vấn đề mới. Trong bối cảnh đó, đối ngoại Đảng cần hướng vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, đưa quan hệ đối ngoại của Đảng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, đồng thời mở rộng có trọng tâm, trọng điểm các mối quan hệ. Theo đó, thời gian tới cần thúc đẩy chiều sâu quan hệ, không ngừng củng cố tin cậy chính trị và chiến lược, vun đắp nền tảng quan hệ truyền thống, đặc biệt giữa Đảng ta và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân Campuchia, Đảng Cộng sản Cuba, tạo nền tảng chính trị ngày càng vững chắc, giữ vai trò định hướng tổng thể quan hệ giữa nước ta với các nước bạn. Tiếp tục chủ động và tạo đột phá trong việc mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính, đảng có vai trò quan trọng tại các nước đối tác quan trọng nhằm thúc đẩy khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài. Tăng cường đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau với các đảng cộng sản và công nhân, cánh tả, các đảng và phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ. Chủ động, tích cực tham gia, phát huy vai trò, sáng kiến tại các diễn đàn đa phương chính đảng.
Hai là, củng cố và tăng cường hậu thuẫn chính trị quốc tế, tạo lập, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân thế giới, các chính đảng và tổ chức, chính giới các nước và bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta, các chủ trương và các vấn đề thuộc lợi ích của ta. Phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nghiên cứu, học tập những bài học kinh nghiệm của các đảng, làm phong phú thêm tư duy phát triển, xây dựng và hoàn thiện phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng.
Ba là, tăng cường kết nối phối hợp một cách đồng bộ, toàn diện giữa các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong mặt trận đối ngoại. Đồng thời, tiếp tục tạo bước chuyển tích cực trong phát huy năng lực nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại; chú trọng đổi mới hình thức và nội dung trong công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại; tăng cường năng lực cho lực lượng làm công tác đối ngoại Đảng ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc; tỉnh táo, nhạy bén trong xử lý các vấn đề và quan hệ đối ngoại.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Khánh Nguyễn
(thực hiện)
Tăng cường quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới Năm 2014, tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XI và Kết luận số 73 của Bộ Chính trị khóa XI ... |
Đối ngoại Đảng - cơ sở chính trị cho quan hệ của Việt Nam với các nước Trả lời phỏng vấn TG&VN nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương (1/11/1949-1/11/2014), ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương ... |
Ba trụ cột gắn kết tạo nên sức mạnh triển khai công tác đối ngoại Công tác phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Quốc hội góp phần làm nên thành công chung của ... |