📞

Đối ngoại đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Thủ đô

14:37 | 21/08/2016
Những thành tựu trong công tác đối ngoại đã đem lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội , từng bước nâng cao vị thế của Thủ đô trên trường quốc tế.

Giai đoạn từ 2014-2016, thực hiện đường lối nhất quán về đối ngoại của Đảng, Nhà nước và dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, thành phố Hà Nội tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác với mong muốn trở thành bạn và đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố lớn trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực của Việt Nam.

Ngày 21/1/2016, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và kinh tế đối ngoại Hungary Szijjanto Peters. (Nguồn: Sở ngoại vụ Tp Hà Nội)

Chủ động hội nhập

Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi Hà Nội không chỉ phát huy sáng tạo và nội lực mà còn cần thu hút thêm các nguồn lực bên ngoài thông qua quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế. Vì vậy, thiết lập và thúc đẩy các quan hệ hợp tác thiết thực, hiệu quả luôn là chủ trương đối ngoại của thành phố Hà Nội. Sở Ngoại vụ Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò đầu mối, kết nối hợp tác qua những hoạt động cụ thể, mở ra ngày càng nhiều quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế tốt đẹp, hiệu quả.

Thông qua nhiều hoạt động đối ngoại tích cực, đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị và hợp tác với gần 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới; trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước.

Về hoạt động ngoại giao đa phương, Hà Nội đi đầu cả nước trong việc tham gia tích cực, đóng góp xây dựng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Tại các diễn đàn đa phương như: Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN, Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước Á - Âu (ASEM); Hiệp hội các thị trưởng của các thành phố nói tiếng Pháp; Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ 21 (ANMC21); Hiệp hội các thành phố có lịch sử lâu đời;…

Lãnh đạo thành phố đã tích cực, chủ động tham gia phát biểu trên nhiều lĩnh vực, khẳng định vai trò quan trọng, tích cực, có trách nhiệm của thành phố Hà Nội trong các tổ chức quốc tế liên đô thị, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Thủ đô. Trong khuôn khổ Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN, Hà Nội là một trong ba thành phố chủ động đề xuất là Thủ đô dẫn đầu dự án hợp tác chung trên trên lĩnh vực cụ thể (Trật tự, an toàn xã hội) được lãnh đạo các thủ đô đánh giá cao.

Tăng cường đối ngoại kinh tế

Hà Nội luôn coi hội nhập kinh tế quốc tế là lĩnh vực trọng tâm, các lĩnh vực hội nhập quốc tế khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế. Ban Chỉ đạo Hội nhập Kinh tế Quốc tế thành phố Hà Nội đã hoạt động tích cực. Thành phố đã ban hành “Kế hoạch đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015”. Đây là một kế hoạch hành động tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều nội dung nhằm mở rộng và tăng cường quan hệ kinh tế quốc tế với các đối tác.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Hà Nội đã tích cực và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế  và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy và khai thác các dự án hợp tác kinh tế song phương và đa phương, thuộc các lĩnh vực: đào tạo; xử lý môi trường; giao thông; cung cấp thiết bị và phân loại rác; cấp thoát nước; xây dựng; quy hoạch;...

Thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đáng chú ý, đầu tư nước ngoài, trên địa bàn Hà Nội có 2.806 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư 21 tỷ USD; vốn thực hiện 10,9 tỷ USD và chiếm 51,6% tổng vốn đầu tư. Có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Hà Nội, trong đó có những quốc gia có tỷ trọng vốn lớn như: Nhật Bản đứng đầu với số vốn đăng ký chiếm 54%, tiếp đến là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 14,8% tổng vốn đăng ký FDI.

Tại Hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác, Đầu tư và Phát triển" vào tháng 6/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định, thành phố Hà Nội đang đổi mới các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, kêu gọi các dự án có quy mô lớn, giá trị cao.

Theo số liệu được công bố tại hội nghị, từ đầu năm đến 31/5/2016, Hà Nội thu hút 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 3 lần so với cùng kỳ, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Số dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước (68 dự án) với số vốn tăng 2,44 lần (70.421 tỷ đồng). Số vốn thu hút theo hình thức PPP tăng 4,2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những thủ tục hành chính về cấp Giấy Chứng nhận đầu tư, phê duyệt các dự án ngày càng được đơn giản, thông thoáng, minh bạch hơn. Việc áp dụng cơ chế “Một cửa” liên thông đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Hà Nội. Qua đó góp phần cải thiện các chỉ số cạnh tranh như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã tăng 18 bậc, đứng thứ 33/63; Chỉ số cải cách hành chính tăng 2 bậc, đứng thứ 5/63; Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ 2;…

Ngày 06/11/2015, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn tiếp đoàn đại biểu Hội hữu nghị Ukraine-Việt Nam do ông Shlapak Aleksandr Vitalievich, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraine, Trưởng nhóm cố vấn Thủ tướng Ukraine, Chủ tịch Hội hữu nghị Ukraine - Việt Nam làm trưởng đoàn. (Nguồn: Sở ngoại vụ Tp Hà Nội)

Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập

2016 là năm đầu tiên thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 và các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thông qua tại Đại hội Đảng các cấp. Trong bối cảnh đó, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thành phố Hà Nội xây dựng trọng tâm công tác đối ngoại như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế với tinh thần chủ động, tích cực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài và điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế để phục vụ công cuộc phát triển của Thủ đô. Thành lập Ban Chỉ đạo về hội nhập quốc tế của Thành phố, thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 22.

Thứ hai, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động đối ngoại chính trị, tiếp tục đưa quan hệ với các nước, đặc biệt là các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định; phối hợp chặt chẽ đối ngoại chính quyền với đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân.

Thứ ba, tranh thủ tối đa mọi thuận lợi trong hợp tác chính trị và trong các lĩnh vực khác để đẩy mạnh xúc tiến kinh tế đối ngoại, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ, trình độ quản lý phù hợp với các định hướng phát triển của Thủ đô; Chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp Thành phố triển khai hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, nâng cao năng lực hội nhập; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động trong các tranh chấp kinh tế, thương mại quốc tế.

Thứ tư, tăng cường công tác ngoại giao văn hóa, triển khai thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến 2020; Tiếp tục vận động cho các di sản mới, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đã được công nhận; Tổ chức các đoàn giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao; Xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động quảng bá hình ảnh Hà Nội, Việt Nam; Tổ chức tốt Ngày văn hóa Hà Nội tại các địa phương quốc tế.

Thứ năm, đẩy mạnh ngoại giao đa phương, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực, các diễn đàn đa phương.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư; Củng cố tổ chức, hoạt động của các hội hữu nghị trên địa bàn, triển khai nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị với các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và vận động sự ủng hộ tài chính từ các cá nhân, tổ chức quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giao lưu hợp tác nhân dân.