📞

Đối ngoại Quốc hội - Phát huy lợi thế trong tổng thể công tác đối ngoại

Kim Chung 13:42 | 13/12/2021
Trao đổi với TG&VN, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, đối ngoại Quốc hội đã góp phần xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động đối ngoại, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Quốc hội đã ban hành, bổ sung sửa đổi một số luật quan trọng cho lĩnh vực đối ngoại. Ảnh minh họa: Hình ảnh Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, diễn ra trong hai đợt từ ngày 20/10-13/11.

Phát huy sức mạnh tổng hợp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định “Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, vậy theo ông, đối ngoại Quốc hội đã đóng góp như thế nào vào thành tựu đối ngoại nói chung của đất nước? Đâu là những điểm nhấn trong hoạt động đối ngoại trong thời gian qua?

Sau 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao, từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng, khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Trong thành tựu chung đó, công tác đối ngoại đã đóng góp một phần quan trọng, thực hiện nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Thứ nhất, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng qua các thời kỳ, quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng tiếp tục được củng cố, thúc đẩy và phát triển thực chất, đi vào chiều sâu và ổn định; không ngừng mở rộng và tăng cường các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện.

Thứ hai, vị thế quốc tế và khu vực của đất nước ngày càng được nâng cao. Với hai lần đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021), Chủ tịch ASEAN (2010 và 2020), Chủ tịch APEC (2006 và 2017), Việt Nam để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương; chủ động, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương.

Trong năm 2020, khi toàn thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam đã thành công toàn diện và thực chất; các sáng kiến của Việt Nam đã trở thành phương châm hành động mới cho một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, thúc đẩy Cộng đồng ASEAN hợp tác ứng phó và phục hồi sau đại dịch. Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác như ASEM, APEC, G20, WEF, các cơ chế Tiểu vùng Mekong… được cộng đồng quốc tế ủng hộ, đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Áo hồi tháng 9.

Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế đạt được những tiến triển có tính đột phá, Việt Nam đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định song phương, khu vực và quốc tế về thương mại, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, thu hút thêm nhiều nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, ngoại giao Việt Nam đã được chuyển đổi nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế.

Thứ tư, công tác biên giới lãnh thổ có nhiều kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành việc phân giới, cắm mốc, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng; thúc đẩy giải quyết vấn đề chủ quyền biển, đảo dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Thứ năm, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân Việt Nam được triển khai kịp thời, hiệu quả; công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại được triển khai mạnh mẽ, đưa Việt Nam đến gần hơn với với cộng đồng quốc tế, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy đoàn kết và hợp tác, thu hẹp khác biệt và giảm thiểu những luận điệu sai trái, xuyên tạc.

Những kết quả quan trọng của ngoại giao Việt Nam đã phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo nên thế và lực chưa từng có, mở ra một giai đoạn phát triển mới, tiền đề cho sự vươn lên của đất nước trên trường quốc tế.

Với sự chủ động, tích cực, ngoại giao nghị viện đã và đang góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, mở ra quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam với các nước, đối tác song phương và đa phương trong bối cảnh mới, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Trong bức tranh tổng thể đó, đối ngoại Quốc hội có những đóng góp quan trọng, phát huy vai trò trong việc thực hiện các chức năng của cơ quan lập pháp.

Một là, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động đối ngoại, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Quốc hội đã ban hành, bổ sung sửa đổi một số luật quan trọng cho lĩnh vực đối ngoại như Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Luật Ký kết điều ước quốc tế, Luật Thỏa thuận quốc tế; sửa đổi, bổ sung một số văn bản luật hiện hành nhằm tạo cơ sở pháp lý phù hợp thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho các hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai sâu rộng và toàn diện, phù hợp chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nâng cao vị thế của đất nước.

Hai là, thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến lĩnh vực đối ngoại và thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam; phối hợp với nghị viện một số nước thí điểm hình thức giám sát chung trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác liên nghị viện như Ủy ban hợp tác liên nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Nga, các hoạt động giám sát chung giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Lào, cơ chế phối hợp với Nghị viện châu Âu nhằm thúc đẩy thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Các hoạt động trong năm Chủ tịch AIPA 2020 và đặc biệt là Đại hội đồng AIPA 41 là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam.

Ba là, quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại, chủ trương ký kết, gia nhập các cơ chế, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương; phê chuẩn, quyết định gia nhập các điều ước quan trọng liên quan đến chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế. Quốc hội đã xem xét phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế quan trọng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) và các điều ước liên quan đến biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam với các nước láng giềng có chung đường biên giới; phê chuẩn gia nhập các công ước quốc tế quan trọng như Công ước 98, Công ước 105 của ILO; cho ý kiến về các điều ước quốc tế có quy định khác hoặc chưa quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội.

Các hoạt động trong năm Chủ tịch AIPA 2020 và đặc biệt là Đại hội đồng AIPA 41 là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam.

Bốn là, triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương, thúc đẩy quan hệ song phương với nghị viện các nước và trong khuôn khổ các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế; phát huy lợi thế của kênh ngoại giao nghị viện trong tổng thể công tác đối ngoại chung của đất nước, trong đó, hoạt động đối ngoại cấp cao của Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội là điểm nhấn.

Việc ký kết và triển khai các Thỏa thận hợp tác với Nghị viện các nước thúc đẩy hợp tác nghị viện với các đối tác quan trọng, nâng tầm ngoại giao nghị viện, góp phần hỗ trợ Việt Nam đảm nhiệm các trọng trách quốc tế và vận động ký kết, phê chuẩn các FTA thế hệ mới.

Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF); đại diện Quốc hội Việt Nam được tín nhiệm bầu giữ các vị trí quan trong trong nhiều tổ chức liên nghị viện như Phó Chủ tịch IPU, Chủ tịch Vùng của APF, Tổng Thư ký AIPA.

Với sự chủ động, tích cực, ngoại giao nghị viện đã và đang góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, mở ra quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam với các nước, đối tác song phương và đa phương trong bối cảnh mới, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Ông có thể chia sẻ thêm về các hoạt động trong công tác đối ngoại Quốc hội để cùng đất nước chung tay đối phó với dịch bệnh Covid-19?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, để cùng chung tay với Chính phủ trong việc đối phó với đại dịch, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 và ưu tiên xem xét sửa đổi, bổ sung luật, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân.

Bên cạnh đó, công tác “ngoại giao vaccine” của Quốc hội được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, nội dung được lồng ghép trong tất cả các hoạt động đối ngoại trên các kênh, đạt được kết quả quan trọng, đóng góp đáng kể cho việc thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), ngày 8/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli. (Nguồn: TTXVN)

Nội dung hợp tác phòng, chống đại dịch, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam, cung cấp, chuyển nhượng vaccine, trang thiết bị y tế thiết yếu, hỗ trợ thuốc điều trị Covid-19 đã được trao đổi trong các cuộc tiếp xúc của Chủ tịch Quốc hội và các Đoàn Quốc hội Việt Nam với các đối tác Nghị viện, Chính phủ, cộng đồng người Việt Nam tại các nước cũng như với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; được đề cập trong các cuộc điện đàm/hội đàm trực tuyến, Thư của Chủ tịch Quốc hội gửi Chủ tịch Nghị viện các nước. Một số kết quả cụ thể được thấy rõ sau chuyến thăm và làm việc tại châu Âu vừa qua của Chủ tịch Quốc hội.

Công tác “ngoại giao vaccine” của Quốc hội được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, nội dung được lồng ghép trong tất cả các hoạt động đối ngoại trên các kênh, đạt được kết quả quan trọng, đóng góp đáng kể cho việc thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam.

5 nội dung cần chú trọng

Đại hội Đảng lần thứ XIII chủ trương phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, trong đó chú trọng vai trò đối ngoại Quốc hội trong tổng thể chính sách đối ngoại Việt Nam. Theo ông, để triển khai nghị quyết Đại hội XIII, trong thời gian tới, đối ngoại Quốc hội sẽ có phương hướng phát triển như thế nào để đưa công tác đối ngoại của Quốc hội lên tầm cao mới, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và thực chất hơn?

Trên cơ sở tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, bám sát nội dung xuyên suốt của đường lối đối ngoại của Đảng ta thời kỳ đổi mới, phát triển và bổ sung nội hàm đối ngoại đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong thời gian tới, để ngoại giao nghị viện tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong, đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, đưa công tác đối ngoại Quốc hội lên tầm cao mới, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và thực chất hơn, cần chú trọng một số nội dung sau:

(1) Tăng cường gắn kết, phối hợp với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, phát huy lợi thế ngoại giao nghị viện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trong triển khai đường lối đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; chú trọng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; huy động sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.

(2) Tiếp tục thúc đẩy quan hệ với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao nghị viện đa phương trên tinh thần của Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư “về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, phát huy vai trò của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế; từng bước nâng cao vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải phù hợp với khả năng và điều kiện của ta.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Vũ Hải Hà cùng đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại dự Phiên họp toàn thể và Phiên bế mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 142, ngày 27/5/2011. (Nguồn: TTXVN)

(3) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, nhất là các FTA thế hệ mới, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực; thúc đẩy, giám sát triển khai công tác biên giới lãnh thổ, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

(4) Triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại; đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trên kênh ngoại giao nghị viện trước yêu cầu mới của đất nước; chủ động tăng cường sự gắn kết và đảm bảo tính thống nhất giữa thông tin đối ngoại của Quốc hội với thông tin đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại.

(5) Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược đối ngoại; đổi mới tư duy, chủ động sáng tạo, đề xuất chính sách và giải pháp cụ thể, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại Quốc hội; chú trọng ưu tiên phát triển đội ngũ đại biểu và cán bộ chuyên sâu về ngoại giao nghị viện, quan hệ quốc tế; tăng cường phối hợp trong triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội; đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật số vào các hoạt động của Quốc hội, xây dựng dữ liệu số, tạo thuận lợi cho ngoại giao nghị viện và thông tin tuyên truyền đối ngoại trên nền tảng số.

Xin trân trọng cảm ơn ông.