📞

Đối ngoại TP. Hồ Chí Minh: Chủ động và sáng tạo

14:38 | 21/08/2016
Hoạt động đối ngoại của thành phố Hồ Chí Minh diễn ra sôi nổi trên mọi mặt, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Thành phố trên trường quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho Thành phố phát triển và hội nhập. 
Từ phải qua: Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đại sứ Nguyễn Vũ Tú. (Nguồn: Sở ngoại vụ TP HCM)

Trong giai đoạn 2014 - 2016, công tác đối ngoại tại thành phố Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét ở năm dấu ấn:

Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra sôi nổi

Thành phố đã chủ trì và phối hợp đón tiếp trọng thị, chu đáo hơn 300 đoàn khách quốc tế, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia, như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào (2014, 2015, 2016), Tổng thống Ấn Độ (2014), Tổng thống Bangladesh (2015), đặc biệt là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ (2016)...

Cùng với cả nước, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể các hoạt động kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (30/4/2015) với nhiều đoàn khách quốc tế tham dự. Trong dịp này, Thành phố đã làm tốt công tác tri ân bạn bè quốc tế, những người đã kề vai sát cánh cùng dân tộc Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh gian khổ. Lãnh đạo Thành phố đã dẫn đầu hơn 40 đoàn đi công tác nước ngoài với chương trình hoạt động đa dạng, có chiều sâu...

Bên cạnh ý nghĩa chính trị, các đoàn đều chủ động lồng ghép các nội dung kinh tế, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về xây dựng chính quyền đô thị, quản lý và phát triển đô thị.

Nhiều sáng kiến trong công tác ngoại giao phục vụ kinh tế

Thành phố đã vận dụng linh hoạt và hiệu quả chính sách mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế để kêu gọi đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển đi vào chiều sâu và bền vững.

Với sự năng động, tích cực trong việc xây dựng các mối quan hệ ở cả cấp quốc gia và địa phương, Thành phố đã huy động được 4,5 tỷ USD vốn ODA phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, trong đó có đầu tư vào nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng. Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 7/2016, Thành phố có 6.239 dự án đầu tư, với tổng số vốn 40,58 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án có giá trị kinh tế lớn.

Về thương mại, năm 2014, TP. HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt mức xuất khẩu trên 30 tỷ USD. Đây là điểm nhấn quan trọng nhất của kinh tế đối ngoại Thành phố giai đoạn này. Từ năm 2015, Thành phố có sáng kiến và chủ động phối hợp với đại diện các Tổng lãnh sự quán tổ chức các buổi Gặp gỡ định kỳ giữa Lãnh đạo Thành phố và doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài là các đối tác đầu tư thương mại quan trọng như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Malaysia...

Thành phố đang tích cực hoàn thiện bộ máy; nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả đầu tư và các hoạt động xúc tiến; phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường;... để chuẩn bị tốt cho việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong tiếp Tổng Lãnh sự Anh Ian Gibbons ngày 21/7/2016. (Nguồn: Sở ngoại vụ TP. HCM)

Hợp tác địa phương góp phần phục vụ phát triển

Đến nay, Thành phố đã ký mới 8 bản thỏa thuận quốc tế, nâng tổng số địa phương có quan hệ hữu nghị hợp tác lên 41 địa phương, trên cả 5 châu lục. Quan hệ hữu nghị và hợp tác với các địa phương nước ngoài đã góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Về kinh tế, quan hệ hợp tác cấp địa phương đã góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Thành phố với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của cả chính quyền Thành phố và các địa phương bạn trong quá trình đầu tư kinh doanh ở nước bạn. Kết quả nổi bật của Thành phố trong hợp tác về kinh tế với địa phương bạn là thành công của Hội chợ Triển lãm Thương mại - Dịch vụ Việt Nam - Campuchia (HCMC Expo) được định kỳ tổ chức tại Lào, Campuchia, Myanmar, Nga...

Trong những năm gần đây, Thành phố được đánh giá là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, các hoạt động hợp tác quốc tế cấp địa phương đã chú trọng nhiều hơn đến quy hoạch kiến trúc, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, điển hình như: hợp tác với thành phố Rotterdam (Hà Lan) trong xây dựng và triển khai “Chương trình TP. Hồ Chí Minh phát triển về phía Biển thích ứng với biến đổi khí hậu”; với thành phố Osaka về “phát triển TP.HCM phát thải carbon thấp”...

Ngoại giao đa phương góp phần nâng cao vị thế của Thành phố

Năm 2015, lần đầu tiên, Thành phố khánh thành 11 cột cờ ASEAN và các quốc gia thành viên tại vị trí trung tâm Thành phố nhân kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và 48 năm thành lập ASEAN; đồng thời tổ chức Lễ Thượng cờ ASEAN chào mừng ngày Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành. Các hoạt động này cho thấy Thành phố coi trọng vai trò của ASEAN đối với quá trình phát triển.

Thành phố đã tham gia tích cực vào các hoạt động của các tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như: Mạng lưới vùng các chính quyền địa phương về quản lý dân cư (CITYNET), Nhóm các thành phố lớn về biến đổi khí hậu (C40), Hội nghị thượng đỉnh các Thành phố Thế giới (World Cities Summit), Diễn đàn các Thị trưởng Châu Á (Asian Mayors Forum), Hội nghị Thượng đỉnh các thành phố Thái Bình Dương (APCS)… nhằm trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm phục vụ mục tiêu phát triển Thành phố và đối phó với các thách thức đô thị; góp phần phát triển bền vững, nâng cao vị thế và quảng bá hình ảnh của Thành phố ra thế giới.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng thăm Nhà máy Samsung. (Nguồn: Sở ngoại vụ TP HCM)

Ngoại giao văn hóa - quảng bá hình ảnh hiệu quả

Thành phố đã chủ động, tích cực thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa, góp phần nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh của Thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung đến bạn bè quốc tế, qua đó thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị của Thành phố với các nước, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, du lịch và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác. Những sự kiện tiêu biểu như: “Lễ hội Thành phố Hồ Chí Minh - Hội nhập và phát triển” (tổ chức từ 2013), Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ITE) hằng năm...

Bên cạnh đó, Thành phố đã tổ chức long trọng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong khuôn khổ kỷ niệm năm chẵn, năm tròn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước; cử các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn ở nhiều nước. Thành phố và các địa phương nước ngoài luân phiên hỗ trợ tổ chức sự kiện “Những ngày địa phương bạn tại TP. Hồ Chí Minh” và “Những ngày TP. Hồ Chí Minh tại địa phương bạn”. Với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng như biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, ẩm thực, sự kiện đã mang tính lan tỏa sâu rộng khi trung bình thu hút hàng ngàn lượt người/ngày tại các địa phương như Vientiane (Lào), Busan(Hàn Quốc), Rhône-Alpes (Pháp), Kolkata (Ấn Độ)…

Các hoạt động giao lưu văn hóa nói trên đã giúp chuyển tải một cách sinh động và hiệu quả hình ảnh thành phố Hồ Chí Minh năng động và phát triển, góp phần đưa người dân của Thành phố và các địa phương bạn gần nhau hơn thông qua hiểu biết về văn hóa, lịch sử.

Thành phố vinh dự được chọn là nơi tổ chức các sự kiện trong nước và quốc tế lớn như: Lễ đón Bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại (2014); Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4, Hội nghị Hội đồng Điều hành lần thứ 38 của Hiệp hội luật các nước ASEAN (2016), Liên hoan võ thuật quốc tế (2016), Giải vô địch Điền kinh trẻ Châu Á (2016),... và sắp tới Hội nghị Bàn tròn các thành phố đối tác thương mại - BPC (2016), các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị APEC 2017, ...

***

Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực để có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu đó, công tác đối ngoại của Thành phố sẽ tiếp tục được triển khai một cách tích cực và chủ động, góp phần giúp Thành phố hội nhập quốc tế theo hướng bền vững.

Đại sứ Nguyễn Vũ Tú

Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. HCM