📞

Đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay: Tạo đột phá để hoàn thành mục tiêu

Nguyễn Minh Vũ 07:00 | 01/09/2024
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, thế giới đã trải qua nhiều biến động lớn, phức tạp, ngoài dự báo, đặt ra nhiều thách thức đối với hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới và ở khu vực.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, công tác đối ngoại, ngoại giao đạt được nhiều thành tựu quan trọng. (Nguồn: TTXVN)

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đạt được những thành tựu rất quan trọng, mang tầm chiến lược. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 tháng 12/2023, công tác đối ngoại “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua”.

Dấu ấn nổi bật

Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó nổi lên là tầm nhìn, sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt và sự tham gia trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong các hoạt động đối ngoại. Nhờ đó, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra và triển khai có hiệu quả các quyết sách, định hướng tạo đột phá, nhất là việc cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII thành các đề án, kế hoạch trong từng lĩnh vực cũng như với từng đối tác như Nghị quyết 34 về các định hướng lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII, các kết luận, chỉ thị về phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng, các lĩnh vực đối ngoại như ASEAN, Tiểu vùng Mekong, công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Trên cơ sở đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chỉ đạo toàn ngành ngoại giao nghiên cứu, quán triệt sâu rộng, tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các nhiệm vụ cụ thể của ngành.

Trong gần bốn năm qua (2021-2024), toàn ngành đối ngoại cả ở trung ương và địa phương đã triển khai hơn 220 hoạt động đối ngoại cấp cao trên cả bình diện song phương và đa phương, trong đó hơn 50 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước tới các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Trong đó, nổi bật như các chuyến thăm Trung Quốc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các Cuộc gặp cấp cao Việt Nam-Campuchia-Lào; các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin…

Điều đáng mừng là, đối ngoại thực sự trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhận thức về ý nghĩa và vai trò của công tác đối ngoại ngày càng được nâng cao. Các nội dung đối ngoại được lồng ghép sâu rộng trong hoạt động của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương. Các trụ cột và lĩnh vực của công tác đối ngoại đã phát huy sức mạnh tổng thể, đồng bộ cũng như những lợi thế đặc thù: Ngoại giao Nhà nước kết hợp nhuần nhuyễn với đối ngoại Đảng và đối ngoại Nhân dân, ngoại giao Nghị viện bổ trợ chặt chẽ cho ngoại giao nhà nước, đối ngoại quốc phòng và đối ngoại công an triển khai tích cực; đối ngoại địa phương bổ sung cho đối ngoại cấp trung ương và phát huy hiệu quả ngày càng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, ngoại giao ngày càng gắn chặt với các mục tiêu an ninh và phát triển của đất nước. Ngoại giao đã chủ động phát hiện, kịp thời tham mưu, xử lý nhiều vấn đề, diễn biến mới trên thế giới và khu vực tác động đến an ninh và phát triển của đất nước; góp phần quan trọng để Đảng và Nhà nước đưa ra quyết sách đúng đắn, kịp thời trong xây dựng, triển khai và thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Các loại hình ngoại giao chuyên ngành, chuyên biệt như ngoại giao vaccine, ngoại giao môi trường, ngoại giao khí hậu… đóng góp tích cực vào phục hồi kinh tế - xã hội, mở đường cho nhiều lĩnh vực hợp tác mới.

Những kết quả quan trọng

Những dấu ấn đối ngoại nổi bật đó đã góp phần vào những kết quả quan trọng, toàn diện của đối ngoại trên tất cả các mặt, trong đó kết quả bao trùm là tranh thủ tối đa thời cơ và các yếu tố quốc tế thuận lợi, hóa giải thách thức, khó khăn, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cục diện đối ngoại rộng mở, hòa bình, hữu nghị được củng cố vững chắc, khuôn khổ 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, trong đó quan hệ với nhiều đối tác chủ chốt được nâng lên tầm mức mới, thể chế hóa ở mức cao hơn, nổi bật là Việt Nam và Trung Quốc nhất trí cùng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện. Đồng thời, chúng ta mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước, nâng tổng số quốc gia mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao lên 193 nước. Với hơn 220 hoạt động song phương và đa phương quan trọng, các hoạt động đối ngoại cấp cao được đẩy mạnh chủ động, hiệu quả, ngay cả trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, góp phần củng cố nền tảng quan hệ và lòng tin chính trị với nhiều nước. Có thể nói, các hoạt động đối ngoại sôi động và nâng tầm, nâng cấp quan hệ từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tạo bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước.

Ngoại giao thực hiện tốt nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên” là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, ngoại giao đã đấu tranh kiên quyết, kiên trì và kịp thời trước các hoạt động vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đồng thời chủ động, tích cực vận động, thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết những vấn đề tồn tại như phân định ranh giới với các nước liên quan trên biển, nộp Hồ sơ đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển Đông… cũng như xử lý tốt vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Qua đó, góp phần quan trọng vào củng cố đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, trên mặt trận ngoại giao đa phương, chúng ta tự tin, chủ động đảm nhiệm thành công các vị trí quan trọng tại các diễn đàn đa phương, nổi bật là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, các cơ chế của UNESCO. Chúng ta đề xuất nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác; kiên trì cùng các nước đề cao luật pháp quốc tế, ủng hộ hệ thống đa phương toàn cầu lấy LHQ làm trung tâm; chủ động, tích cực thực hiện các cam kết trong những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực…; có nhiều đóng góp thiết thực vào việc xử lý các xung đột, điểm nóng như tham gia sâu hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình và lần đầu tiên tham gia cứu hộ, cứu nạn quốc tế. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam đã khẳng định được vai trò nòng cốt trong xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, tự cường, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực.

Trên tinh thần “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, đóng góp vào phòng chống, thích ứng an toàn với dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tranh thủ cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, đặc biệt là FDI chất lượng cao, vận động các đối tác cung cấp ODA, nhất là ODA thế hệ mới, đưa kim ngạch thương mại và đầu tư nước ngoài hàng năm đạt con số cao nhất từ trước tới nay. Hội nhập kinh tế quốc tế hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp triển khai hiệu quả các FTA đã ký kết, tiếp tục thúc đẩy đàm phán FTA mới, vận động các nước công nhận Quy chế kinh tế thị trường. Chúng ta đã triển khai hiệu quả các hình thức ngoại giao đa dạng như ngoại giao y tế, ngoại giao môi trường, ngoại giao nông nghiệp, ngoại giao công nghệ...

Các lĩnh vực công tác đối ngoại chuyên ngành tiếp tục được triển khai hiệu quả, toàn diện. Công tác đối với gần sáu triệu người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện tốt, vừa thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, vừa gắn kết kiều bào, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời tạo điều kiện cho kiều bào đóng góp vào sự phát triển của quê hương. Công tác bảo hộ công dân được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta bảo hộ và sơ tán hàng chục nghìn công dân ta từ các vùng chiến sự, bị lừa đảo ra nước ngoài về nước. Thông tin đối ngoại đã quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và thành tựu phát triển của Việt Nam ra thế giới với nội dung, phương thức ngày càng được đổi mới, sáng tạo. Ngoại giao văn hóa tiếp tục vận động thành công UNESCO công nhận các di sản của Việt Nam, qua đó đóng góp vào việc bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn lực mới cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở các địa phương.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại, một trong những điều cốt yếu là xây dựng nền ngoại giao Việt Nam vững mạnh, toàn diện, hiện đại. Trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành Ngoại giao rất coi trọng và ưu tiên cao cho công tác xây dựng và phát triển ngành theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp tổng thể, đồng bộ về tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất, phương thức vận hành... ngành ngoại giao đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, đạo đức, lối sống. Kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy hướng đến tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đi đôi với đổi mới tư duy quản trị, phương thức, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh và trí tuệ, có tư duy đổi mới, sáng tạo, phong cách chuyên nghiệp, từng bước đạt tầm khu vực và thế giới.

Theo dòng thời đại

Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.

Thế giới và khu vực thời gian qua đang trải qua nhiều thay đổi lớn, chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế đứng trước nhiều thách thức, những vấn đề toàn cầu, thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục đe dọa ổn định và phát triển bền vững của các quốc gia. Tuy nhiên, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng thiết tha của các nước và người dân trên toàn thế giới; hợp tác, liên kết và hội nhập quốc tế vẫn sẽ là động lực giúp nhân loại phát triển bền vững và thịnh vượng.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất thời gian tới là tranh thủ tối đa và tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi đã tạo dựng được để đặt đất nước vào đúng dòng chảy của thời đại, tạo đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và 2045 mà Đại hội XIII đã đề ra. Trên cơ sở nghiêm túc tổng kết những bài học đối ngoại của 40 năm đổi mới và trước bối cảnh tình hình mới và các vấn đề lớn đặt ra đối với đất nước, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục đổi mới tư duy và hành động, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu là bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên, tiếp tục thúc đẩy đất nước ta hội nhập, đóng góp có trách nhiệm vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.

Kế thừa đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chúng ta sẽ tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời với tư cách là động lực quan trọng cho đổi mới, đối ngoại cần tiếp tục được nâng tầm để vừa phục vụ đắc lực các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao vị thế đất nước, vừa góp phần xây dựng trật tự quốc tế công bằng, bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, chúng ta tiếp tục nâng cấp và tranh thủ tối đa cơ hội từ các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; phát huy mạnh mẽ vai trò của các phương thức, các kênh đối ngoại như ngoại giao cấp cao, ngoại giao chuyên ngành, đối ngoại địa phương, các kênh học giả và doanh nghiệp…; tham gia chủ động, có trách nhiệm hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực; thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt của đối ngoại đa phương trong những vấn đề và cơ chế quan trọng có tầm chiến lược. Đặc biệt, chúng ta dành ưu tiên cao cho công tác xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và lý tưởng của Đảng trong tổng thể nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam “toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp” đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và truyền thống ngoại giao của dân tộc, phát huy thành quả đạt được trong công cuộc đổi mới cũng như từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, ngoại giao Việt Nam tiếp tục đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết và đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, phục vụ đắc lực cho các mục tiêu chiến lược của đất nước.