Nghiên cứu hệ gen là việc nghiên cứu toàn bộ hoặc một phần trình tự, cấu trúc và chức năng hệ gen của sinh vật cũng như cơ chế di truyền biểu sinh của chúng. Nhờ có hiểu biết về trình tự gen của virus SARS-CoV-2, các nhà khoa học mới có thể phát hiện được bộ xét nghiệm và vaccine đáp ứng đặc hiệu.
Bởi vậy, tại Việt Nam, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh là hai cơ quan nghiên cứu đầu ngành, có nhiệm vụ phân tích hệ gen từ các mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2 để truy vết nguồn gốc lây bệnh (trên cơ sở kết hợp điều tra dịch tễ) và chia sẻ dữ liệu với quốc tế.
Nghiên cứu virus tại phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương. (Nguồn: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) |
Công cụ hiệu quả
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, nước ta hiện có 152 phòng thí nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 được Bộ Y tế cho phép, trong đó có 98 phòng thí nghiệm được quyền khẳng định kết luận dương tính để báo cho Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 .
Đối với nghiên cứu hệ gen, hơn một năm qua, Viện đã sử dụng phương pháp thường xuyên để phân tích, xác định các chủng virus mới một cách nhanh chóng, đồng thời phát hiện những đột biến liên quan đến sự tiến triển của virus và phục vụ nghiên cứu dịch tễ học.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Viện đã giải và phân tích trình tự hệ gen hơn 200 mẫu bệnh phẩm từ người nhập cảnh, người ở khu cách ly và người lây nhiễm cộng đồng. Kết quả nổi bật của công tác nghiên cứu này là đã phát hiện những thay đổi, biến thể của chủng virus mới tại Đà Nẵng, Hải Dương và Quảng Ninh.
Tương tự, là cơ quan nghiên cứu đầu ngành trong việc giám sát dịch bệnh Covid-19 ở phía Nam, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cũng đang duy trì một hệ thống giám sát chặt chẽ ở năm điểm cơ sở y tế phía Nam, giúp đánh giá được tình hình dịch và phát hiện các ca lây nhiễm Covid-19.
TS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng chia sẻ: “Từ đầu năm 2020 đến nay, chúng tôi luôn nghiên cứu hệ gen nhằm phát hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 một cách nhanh, sớm nhất. Vừa rồi dịch ở sân bay Tân Sân Nhất, chúng tôi dùng công nghệ nhanh để sàng lọc, phát hiện chủng này không liên quan đến Hải Dương và có chiến lược đối phó kịp thời. Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với địa phương để điều tra, khoanh vùng và dập dịch gọn”.
Không riêng gì Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hay Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, hiện tại có nhiều đơn vị như Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đang có những nghiên cứu hệ gen hiệu quả, phục vụ tốt cho quá trình phát triển vaccine sau này.
Theo GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, “hiện tại, khi có dịch bùng phát, chúng tôi luôn ưu tiên để giải trình những mẫu mới, bên cạnh đó mục đích chúng tôi đang nghiên cứu những đột biến trong virus ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả của vaccine”.
Hướng nghiên cứu
Có thể thấy, các loại virus tiến hóa liên tục qua thời gian và đột biến gen có thể xảy ra ngẫu nhiên ở bất kỳ không gian nào. Một số đột biến gen có thể khiến virus lây lan nhanh hơn hoặc trở nên nguy hiểm hơn.
Nhằm tăng cường hợp tác với Việt Nam về vấn đề này, mới đây, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo về tầm quan trọng của nghiên cứu hệ gen trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Hội thảo có ý nghĩa rất đặc biệt trong bối cảnh việc theo dõi các biến chủng mới của virus trở nên cấp thiết để đảm bảo hiệu quả của vaccine cũng như quá trình xét nghiệm và điều trị.
Theo Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward, “vaccine mới chỉ là một nửa công việc. Việc phát hiện và giám sát các biến chủng virus cũng quan trọng không kém để chúng ta có thể kịp thời ứng phó với đại dịch. Một ưu tiên của cộng đồng quốc tế là chia sẻ và minh bạch dữ liệu với nhau. Vương quốc Anh có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và sẵn sàng chia sẻ với các đối tác”.
Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford cũng cho rằng nhiều quốc gia còn có hạn chế về chuyên môn khoa học để giải trình tự toàn bộ hệ gen của virus và sau đó, chia sẻ dữ liệu này với cộng đồng quốc tế.
Theo ông Guy Thwates, các thiết bị phục vụ cho hoạt động này tuy không quá đắt, nhưng việc vận hành chúng lại đòi hỏi nhiều kỹ năng đặc biệt cần tích lũy trong thời gian dài. Do vậy, cần có những chương trình tập huấn với sự hỗ trợ kỹ thuật từ những quốc gia đã sẵn có kinh nghiệm chuyên môn.
Thời gian qua, đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) có văn phòng tại Việt Nam từ năm 1991, là đơn vị có năng lực chuyên môn cao về y học, đã nhiều năm hợp tác với các đối tác Việt Nam để nghiên cứu hệ gen ở nhiều bệnh khác nhau. OUCRU đã hợp tác với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh trong thử nghiệm điều trị Covid-19 và hỗ trợ giải trình tự nhiều mẫu SARS-CoV-2 và phát hiện các biến chủng mới đã lan truyền vào Việt Nam.
Nói về thách thức trong việc nghiên cứu hệ gen ở Việt Nam, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai và TS. Nguyễn Vũ Thượng đều có chung trăn trở về bài toán đổi mới và cải thiện trang thiết bị và sinh phẩm nghiên cứu.
Ngoài ra, họ đều cho rằng công tác đào tạo, chia sẻ thông tin trên toàn cầu và phát triển mạng lưới hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam giải quyết được những khó khăn vừa qua và có được bước phát triển đột phá về nghiên cứu hệ gen trong thời gian tới.