📞

Đối phó dịch Covid-19: Phép thử cho trách nhiệm cộng đồng

QUỲNH NHI 09:15 | 20/03/2020
TGVN. Dịch bệnh Covid-19 có thể xem là phép thử cho ý thức của toàn xã hội. Khi mọi người dân đều có ý thức bảo vệ bản thân mình và chung tay gìn giữ cho cả cộng đồng, việc dập dịch chỉ còn là vấn đề thời gian.

Chúng ta đang sống ở một thế giới phẳng. Nếu việc toàn cầu hóa làm thế giới trở nên không còn khoảng cách, thì đó cũng chính là một nguyên nhân khiến các loại dịch bệnh lây lan mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và khi cả nước đang gồng mình để chống lại dịch Covid-19, vấn đề về ý thức cá nhân đối với lợi ích cộng đồng lại càng được nâng cao.

Dịch bệnh từ lâu đã không còn là câu chuyện “của xã hội” mà đã trở thành vấn đề “của mỗi cá nhân”. Thực tế trong đời sống hằng ngày, vấn đề hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng luôn là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách vận hành của cả xã hội. Trong một khía cạnh nào đó, mức độ văn minh của một xã hội có thể được nhìn nhận thông qua cách mà lợi ích của cộng đồng được nâng cao.

Tuy nhiên, với vấn đề dịch bệnh, hai nhóm lợi ích này không hề có mâu thuẫn mà trái lại, lợi ích của cá nhân phụ thuộc mật thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chung của cả cộng đồng. Nếu mỗi cá nhân chỉ vì lợi ích, sự thuận tiện trước mắt của mình mà bỏ qua sự an toàn của cả xã hội thì khi giới hạn an toàn ấy bị phá bỏ và sụp đổ, chính mỗi cá nhân ấy sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất.

Điều này thể hiện khi khẩu trang y tế, một trong những “vũ khí” không thể thiếu của lực lượng y bác sỹ trở nên thiếu hụt, mà phần lớn nguyên nhân là do sự đầu cơ, tích trữ không cần thiết trên thị trường của người dân. Thậm chí một số cá nhân còn vì lợi nhuận trước mắt của bản thân mà mang bán mặt hàng này ra các nước lân cận, mặc kệ nhu cầu vô cùng cấp thiết của đất nước.

Nghiêm trọng hơn, đang xảy ra hiện tượng một số người dân cố tình không khai báo trung thực khi nhập cảnh, không thực hiện đúng các nguyên tắc cách ly hay di chuyển ra khỏi vùng dịch để tránh cách ly. Họ nhận thức rõ về nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng lo sợ sự phiền phức, bất tiện trong quá trình cách ly, hoặc vì lý do chủ quan nào đó, họ đã cố tình trốn tránh nghĩa vụ. Hệ lụy kéo theo là, cả xã hội phải gánh chịu nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng như thiệt hại về kinh tế.

Có thể thấy, vai trò của ý thức mỗi cá nhân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Việt Nam từng là quốc gia đầu tiên trên thế giới có thể khống chế dịch SARS. Hiện Chính phủ cùng các bộ, ngành làm rất tốt công tác phòng chống dịch và điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về tương lai của cuộc chiến "chống dịch như chống giặc” này. Và dịch bệnh cũng có thể xem là phép thử cho ý thức của toàn xã hội. Khi mọi người dân đều có ý thức bảo vệ bản thân mình và chung tay gìn giữ cho cả cộng đồng, việc dập dịch chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trong khi các y, bác sỹ đang là những người lính chiến đấu quên mình tại mặt trận tiền tuyến thì mỗi công dân hãy tự mình trở thành những chiến sỹ nơi hậu phương. Hãy bắt đầu từ việc bảo vệ sức khỏe của chính mình thông qua những việc đơn giản như nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế, rửa tay, vệ sinh cá nhân và nơi ở, hay không đến nơi đông người khi không thật cần thiết, có ý thức tự cách ly khi bản thân có nguy cơ nhiễm bệnh cao, hạn chế di chuyển để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng.

Hãy nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh và luôn giữ vững tâm lý, để từ đó, chúng ta có thể chiến đấu bền bỉ bên cạnh đội ngũ y tế và các cơ quan chức năng trong cuộc chiến y tế này.