Nga-Ấn Độ lần đầu tiên tổ chức cuộc đối thoại 2+2 trong khuôn khổ chuyến công du ngắn ngày của Tổng thống Nga Vladimir Putin đầu tháng 12/2021.
Cả hai bên quyết định củng cố hợp tác kinh tế song phương và thúc đẩy vành đai năng lượng Vladivostok-Chennai, một cửa ngõ để Nga thâm nhập Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là nguồn cung cấp năng lượng cho Ấn Độ thay cho việc phải dựa vào nguồn cung từ khu vực Trung Đông đầy bất ổn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Putin ngày 6/12/2021. |
Quan hệ đặc biệt
Quan hệ chiến lược Nga-Ấn đặc biệt trên nhiều phương diện. Hiệp ước Xô-Ấn năm 1971 chỉ ràng buộc đối với Liên Xô cũ, khi đảm bảo sự bảo vệ của Liên Xô về mặt quân sự đối với Ấn Độ. New Delhi đã tận dụng triệt để hiệp ước này để duy trì “quyền tự chủ chiến lược” và tránh bị mắc kẹt trong các mối quan hệ liên minh nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Pakistan và Trung Quốc.
Ấn Độ cũng đã nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật từ Moscow đối với vài chương trình quân sự, có thể kể đến chương trình tàu ngầm hạt nhân, chương trình sản xuất tàu sân bay nội địa và việc cấp phép sản xuất máy bay chiến đấu do Nga sản xuất.
Vào năm 1984, một phi hành gia người Ấn đã du hành không gian trong tàu vũ trụ của Liên Xô. Điều này ngược lại với các mối quan hệ đối tác kiểu Mỹ vốn không chuộng việc chia sẻ các công nghệ quan trọng hoặc các hệ thống như máy bay tiêm kích F-22 Raptor với đồng minh thân cận, trừ nước Anh.
Vì vậy, sự phụ thuộc của quân đội Ấn Độ với những sản phẩm từ Nga khó có thể thay thế trong thời gian ngắn.
Mỹ quan ngại
Mỹ nhìn nhận hợp tác chiến lược Nga-Ấn với những quan ngại, vì Washington cho rằng mối quan hệ này sẽ đối lập với lợi ích của họ trong khu vực.
Trong suốt năm 2021, Mỹ phản đối Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 từ Nga.
Tuy nhiên, quan điểm của Washington sau đó cởi mở hơn và thừa nhận rằng việc mua S-400 là để bảo vệ không phận Ấn Độ khỏi các mối đe dọa khác, chứ không phải chống lại Mỹ hay đồng minh nước này. Washington cho rằng, S-400 sẽ giúp Ấn Độ tăng cường khả năng răn đe ở biên giới trên bộ với Trung Quốc, vốn có những cuộc đụng độ giữa hai bên trong hơn nửa thế kỷ qua.
Với sự phát triển mạnh mẽ về hải quân của Trung Quốc, cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã thay đổi từ kiểu quan hệ đồng minh thời Chiến tranh Lạnh và những cam kết an ninh của Mỹ thành một hệ thống “tự lực”, theo đó Washington khuyến khích các nước trong khu vực có trách nhiệm đối với an ninh của mình, đồng thời bảo đảm ổn định khu vực.
Mỹ mong đợi các cường quốc tầm trung như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ làm được điều đó. Trọng tâm của Washington là ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào đến nước Mỹ và do đó họ nỗ lực hợp tác, trang bị vũ khí cho đồng minh trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Australia.
Năm 2020, Nhật Bản thỏa thuận với Mỹ chế tạo máy bay chiến đấu mới dành riêng cho Tokyo với chi phí khoảng 40 tỷ USD để thay thế chiếc tiêm kích F-2 có tuổi đời khoảng 2 thập niên. Đây là điều khoản bổ sung cho thỏa thuận giữa 2 nước, theo đó Nhật Bản sẽ mua 105 chiếc F-35 (63 chiếc F-35A và 42 chiếc F-35B) trị giá 23 tỷ USD. Máy bay chiến đấu F-3 mới sẽ được sản xuất tại Nhật Bản dựa trên thiết kế được hợp tác giữa hai công ty Lockheed Martin và Mitsubishi Heavy Industries.
Trong khi đó, AUKUS - thỏa thuận ba bên Mỹ, Australia và Anh - có mục tiêu trang bị cho Canberra các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để nâng cao khả năng răn đe của nước này.
Washington cũng đang xây dựng các hệ thống phòng thủ tầm xa theo Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương (PDI) mới để chống lại sự hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực.
Mong muốn từ Ấn Độ
Đối với New Delhi, nước này tìm kiếm sự hỗ trợ từ Washington để vươn lên như một cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ Dương.
Điều này rất quan trọng đối với Ấn Độ trước các hành động bành trướng của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - với chiêu bài “bảo vệ” tài sản của Sáng kiến Vành đai con đường (BRI) và các hoạt động chống cướp biển.
Hai công nghệ quan trọng mà Ấn Độ đưa vào danh sách theo mong muốn từ Mỹ là hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) cho tàu sân bay thế hệ thứ ba của Ấn Độ, INS Vishal, và công nghệ đẩy hạt nhân cho tàu ngầm hạt nhân thế hệ tiếp theo.
Mặc dù chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã cung cấp EMALS cho Ấn Độ vào năm 2017, Washington vẫn không đáp ứng về công nghệ đẩy hạt nhân cho New Delhi.
Sự bổ sung cần thiết
Ấn Độ phải đối diện với các nguy cơ từ cả mặt đất và trên đại dương. Do đó, nước này rất cần các hệ thống tiên tiến và công nghệ phòng thủ quan trọng để chống lại mối đe dọa trên bộ ở biên giới Himalaya và mối đe dọa trên biển, nơi có vai trò rất quan trọng đối với lợi ích thương mại và an ninh năng lượng của Ấn Độ.
Bởi vậy, hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Nga đóng vai trò quan trọng giúp New Delhi bảo vệ biên giới trên bộ, trong khi hợp tác mạnh mẽ giữa Ấn Độ và Mỹ là chìa khóa để giảm thiểu các mối đe dọa từ đại dương.
Việc hướng tới một Ấn Độ hùng mạnh hơn về mặt quân sự không chỉ vì lợi ích của riêng nước này - mà còn giúp duy trì sự ổn định, bằng cách tăng cường đóng góp tích cực của Ấn Độ vào an ninh khu vực.
Về phương diện này, hợp tác chiến lược Ấn Độ-Nga không song trùng cũng không phải là đối nghịch, mà là sự bổ sung cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden.
*Tác giả Joshy M Paul là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tiềm lực Không quân ở New Delhi, Ấn Độ.