📞

Đối thoại Trung Quốc-Australia: Động thái mở đường

TIẾN THÀNH 19:00 | 22/12/2022
Việc Trung Quốc và Australia nối lại đối thoại ngoại giao-chiến lược hôm 21/12 tại Bắc Kinh không chỉ là sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao mà còn đánh dấu sự tan băng trong quan hệ giữa hai bên sau mâu thuẫn.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Australia Penny Wong đã có cuộc gặp tại Bắc Kinh trong ngày 21/12. (Nguồn: AAP Image)

Quan hệ Bắc Kinh-Canberra trở nên căng thẳng vào năm 2018, khi Australia cấm “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia phát triển mạng 5G của nước này vì lý do an ninh. Mâu thuẫn càng nóng thêm khi Canberra công khai kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 mà nước này cho rằng bị Bắc Kinh che giấu.

Trung Quốc lập tức phản đòn bằng việc áp đặt một loạt rào cản thương mại với hàng hóa từ Australia khiến các doanh nghiệp của nước này thiệt hại khoảng 20 tỷ AUD. Đỉnh điểm của cuộc đối đầu là khi Trung Quốc đình chỉ vô thời hạn tất cả các hoạt động trong khuôn khổ đối thoại kinh tế chiến lược giữa hai nước.

Quan hệ hai bên cứ thế lao dốc. Trong khi Canberra quan ngại về tham vọng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương thì Bắc Kinh có tới “14 vấn đề bất đồng” trong quan hệ với Australia.

Bất chấp căng thẳng gia tăng, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Trước Covid-19, trao đổi thương mại với Trung Quốc chiếm 28,8% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Australia, cao hơn ba lần so với Mỹ. Hai nước chia sẻ lợi ích chung trong một loạt vấn đề như thương mại điện tử, tính bền vững và biến đổi khí hậu.

Sự khác biệt không thể lấn át lợi ích song trùng và tình trạng chia tách là điều không thực tế trong quan hệ Bắc Kinh-Canberra. Trong bối cảnh đó, cuộc đối thoại tại Bắc Kinh có thể coi là động thái mở đường, đưa quan hệ Trung Quốc-Australia trở lại trạng thái bình thường.

Tất nhiên, một cuộc họp không thể giải quyết tất cả các vấn đề nhưng nó là cách tốt nhất để quản lý mâu thuẫn hiện nay giữa Bắc Kinh và Canberra.