Theo đó, các công ty và doanh nghiệp liên quan sẽ đơn giản hóa việc ghi ngày hết hạn thực phẩm trên nhãn mác hàng hóa, trong nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm.
"Tốt nhất được dùng trước ngày…” là một trong hai kiểu diễn đạt ngày trên nhãn mác hàng hóa được CGF đưa ra. (Nguồn: Collective Purchasing) |
Tham gia sáng kiến trên có những tên tuổi lớn trong ngành thực phẩm và bán lẻ như Wal-Mart, Tesco, Kellogg, Nestle, Carrefour và Unilever. Sáng kiến được đưa ra nhằm mục đích hạn chế việc in quá nhiều ngày lên nhãn mác hàng hóa, như ngày sản xuất, ngày lên kệ, vốn có thể gây khó hiểu cho người tiêu dùng và dẫn đến sự lãng phí thực phẩm không cần thiết.
Theo CGF, chỉ riêng ở Mỹ, sự nhầm lẫn về ngày hết hạn của thực phẩm khiến các gia đình mất đến 29 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng là đối tượng gây ra khoảng 40% tình trạng lãng phí thực phẩm trên thế giới, theo người phát ngôn của CGF Ignacio Gavilan. CGF là diễn đàn đại diện khoảng 400 nhà sản xuất và bán lẻ hàng đầu thế giới đến từ 70 quốc gia.
Theo kế hoạch mới mà CGF đưa ra, đến năm 2020, các thành viên của diễn đàn này chỉ dùng hai kiểu diễn đạt ngày trên nhãn mác hàng hóa: “dùng trước ngày…” đối với các thực phẩm nhanh hỏng như thịt cá hồi hun khói, và "tốt nhất được dùng trước ngày…” đối với các loại thực phẩm khác như mì ống hay đường. Ngoài ra, các thông tin khác, như ngày sản xuất hay số lô, có thể được bao hàm trong mã vạch.
Feedback, một nhóm hoạt động môi trường có trụ sở ở London, đã hoan nghênh động thái này của CGF, cho rằng đây là một bước đi đầu tiên quan trọng để chống lại tình trạng lãng phí thực phẩm trên toàn cầu. Họ đồng thời kêu gọi tất cả các siêu thị “noi gương” sáng kiến trên của CGF.