Người tiêu dùng mua hàng tại một chợ ở Quảng Tây, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Năm ngoái, thế giới đã kỳ vọng, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc như chất xúc tác có thể kéo nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, các nhà phân tích cảnh báo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% vào năm 2023.
Đối với một nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất, giới chuyên gia cho rằng, lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng có thể thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2024.
Tiêu dùng dịch vụ "ghi điểm"
Cụ thể, Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cho rằng, sự chậm lại là điều không thể tránh khỏi do đà phục hồi kinh tế không đồng đều, nhưng tiêu dùng dịch vụ có khả năng sẽ "ghi điểm".
Ngân hàng này dự đoán, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tăng 4,8% vào năm 2024, chủ yếu nhờ sự phục hồi trong hoạt động dịch vụ. Lĩnh vực này vốn được cho là đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn sản xuất hàng hóa.
Tin liên quan |
Còn quá sớm để loại bỏ khả năng bền bỉ của nền kinh tế Trung Quốc? |
Theo Goldman Sachs, sự phục hồi trong hoạt động tiêu dùng sẽ được dẫn dắt bởi các hoạt động liên quan đến giải trí.
Trong khi đó, giá sản xuất ở đất nước tỷ dân đã giảm do nhu cầu tiêu dùng suy yếu, điều này góp phần khiến giá tiêu dùng về mức âm.
Dữ liệu gần đây cho thấy, tháng 11/2023, giá tiêu dùng của Trung Quốc giảm 0,5% so với một năm trước đó - mức giảm nhanh nhất trong ba năm. Song song với đó, nền kinh tế đang phải vật lộn với nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng, lĩnh vực bất động sản khó khăn chồng chất.
Không chỉ thế, dân số Trung Quốc đang già đi nhanh hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác. Nước này hiện có số người cao tuổi lớn nhất thế giới, với hơn 280 triệu người trên 60 tuổi. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm mạnh, làm giảm tổng dân số xuống còn 1,412 tỷ người vào năm ngoái.
Tất cả những điều đó đã góp phần khiến Moody’s hạ triển vọng xếp hạng của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực.
Vào tháng 12/2023, Moody's cho biết, sự thay đổi này phản ánh bằng chứng ngày càng tăng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước đang thiếu tiền mặt, qua đó gây ra rủi ro lớn đối với sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế.
Tình hình tiêu dùng sẽ "đổi chiều"
Niềm tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc đã bị suy giảm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Mặc dù các biện pháp kiểm soát đại dịch đã được dỡ bỏ vào cuối năm 2022 nhưng nhu cầu hàng hóa trên thế giới suy yếu và thị trường bất động sản bấp bênh đã đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng.
Dù vậy, sang năm nay, tình hình có thể thay đổi khi các chuyên gia tin rằng, ngày càng có nhiều người chọn chi tiêu cho hàng hóa chất lượng thay vì số lượng.
Jian Shi Cortesi, Giám đốc đầu tư của GAM Investments tại Trung Quốc và châu Á nhận định: “Bối cảnh tiêu dùng ở đất nước tỷ dân đang trải qua một sự chuyển đổi đáng chú ý. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên hàng hóa chất lượng cao hơn các sản phẩm sản xuất hàng loạt”.
Bà cho biết thêm, sự thay đổi trong chi tiêu này là minh chứng cho thấy xu hướng người tiêu dùng Trung Quốc đang thay đổi và mức thu nhập của họ ngày càng tăng. Xu hướng này có thể báo trước những triển vọng đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cao cấp.
"Sáng kiến 'Made in China' - một kế hoạch do chính phủ khởi xướng năm 2015 nhằm đưa đất nước tiến tới sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, có giá trị cao hơn - đã thúc đẩy nền kinh tế. Sáng kiến này đang tiến triển phù hợp với kế hoạch dài hạn. Động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP bền vững, cùng với tăng trưởng thu nhập đi kèm sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong năm tới", Giám đốc đầu tư của GAM Investments tại Trung Quốc và châu Á nêu quan điểm.
Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã chuyển sang tăng cường phát triển công nghệ và sản xuất, điều mà bà Cortesi cho rằng, “tạo ra những công việc được trả lương cao hơn và để thúc đẩy tiêu dùng mạnh hơn".
Bối cảnh tiêu dùng ở đất nước tỷ dân đang trải qua một sự chuyển đổi đáng chú ý. (Nguồn: Reuters) |
Cần thêm hỗ trợ tài chính
Câu hỏi lớn ám ảnh sự phục hồi của thị trường Trung Quốc là: Liệu chính phủ có hành động nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế hay không?
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước, ưu tiên phát triển các lĩnh vực chiến lược và giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản của đất nước. Những cam kết này được đưa ra sau cuộc họp quan trọng vào tháng 12/2023 của các nhà lãnh đạo đất nước.
Song song với đó, trong bài phát biểu trên truyền hình nhân dịp Năm mới 2024 ngày 31/12/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ tăng cường cải cách để củng cố niềm tin vào nền kinh tế.
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: "Trung Quốc sẽ củng cố và tăng cường xu hướng phục hồi kinh tế tích cực trong năm 2024, đồng thời duy trì phát triển kinh tế trong dài hạn với những cải cách sâu sắc hơn".
Serena Chu, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Mizuho Securities cho biết: “Chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều dư địa chính sách hơn cho hỗ trợ tài chính trong năm tới. Chúng ta có thể sẽ thấy các biện pháp hỗ trợ ôn hòa hơn, chẳng hạn như khuyến khích các nhà phát triển tư nhân tái cấp vốn từ thị trường trái phiếu trong nước, cho phép chính quyền địa phương mua các dự án chưa hoàn thành từ các nhà phát triển tư nhân..."
Tâm lý thị trường cũng đã có dấu hiệu cải thiện khi Bắc Kinh triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài sản - điều mà nhiều người cho rằng có thể là "chìa khóa" trong việc cải thiện nhu cầu trong nước.
Các nhà phân tích tại Jefferies đã viết trong một báo cáo gửi khách hàng vào tháng 12: “Sự hỗ trợ của chính phủ dành cho nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản, đang hỗ trợ tâm lý và thúc đẩy việc nâng cao GDP”.
Có thể khẳng định, "mây mù" vẫn sẽ theo Trung Quốc trong năm nay, nhưng khi "gió đổi chiều" trong tiêu dùng, kết hợp với sự hỗ trợ của chính phủ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ dần phục hồi và đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay - như ước tính của các nhà kinh tế.
| Không bị 'đánh gục' bởi các cú sốc lớn, kinh tế toàn cầu sẽ tươi sáng hơn? Kể từ năm 2020 đến nay, thế giới liên tiếp đối mặt với những điều bất ngờ, thậm chí là những cú sốc. Bước sang ... |
| Nền sản xuất 'thất thế', thêm một nước châu Âu dùng tiền níu kéo doanh nghiệp ở lại quê nhà Muốn nhận tiền từ chính phủ Pháp, chỉ cần ở lại Pháp! |
| Kinh tế Nga vẫn kiên cường trước 'phong ba bão táp' trừng phạt, Bắc Kinh học được gì từ Moscow? Kinh nghiệm của Nga có thể mang đến cho Trung Quốc lời nhắc nhở về việc đa dạng hóa thương mại, khiến nền kinh tế ... |
| Còn quá sớm để loại bỏ khả năng bền bỉ của nền kinh tế Trung Quốc? Kinh tế Trung Quốc vẫn còn rất nhiều “nguồn nhiên liệu trong bình”, đơn cử như tỷ lệ tiết kiệm cao kỷ lục đồng nghĩa ... |
| TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Ngoại giao kinh tế đã giành được sự chú ý và ghi nhận của công chúng Có lẽ, thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2023 là về ngoại giao. Chưa có năm nào hoạt động ngoại giao ... |