📞

Don José San Martín - Ngôi sao sáng chói trên bầu trời Nam Mỹ

Nguyễn Khánh Hòa* 11:55 | 26/10/2023
Trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, thường có các vị Anh hùng tượng trưng cho đất nước mình. Nhưng cũng có những vĩ nhân được nhiều nước cùng tôn vinh là Anh hùng dân tộc. Anh hùng José San Martín của Argentina và Mỹ Latinh là một người như thế.

Don José San Martín là biểu tượng quốc gia của Argentina mà còn là Anh hùng giải phóng dân tộc của Peru và Chile.

Don* José San Martín sinh ngày 25/02/1778 trong một gia đình gốc Tây Ban Nha tại tỉnh Misiones của Phó Vương quốc Rio de la Plata với Buenos Aires là kinh đô thuộc chính quốc Tây Ban Nha. Sau một thời gian ngắn sống tại Buenos Aires, gia đình ông chuyển về Tây Ban Nha. Bảy tuổi, ông bước vào trường Quý tộc Madrid. Sau này, ông gia nhập Trung đoàn Murcia. Cuộc đời binh nghiệp của Người giải phóng châu Mỹ tương lai bắt đầu như thế.

Người giải phóng châu Mỹ

San Martín đã từng kinh qua trận mạc tại châu Phi trong các trận giáp chiến với người Moro. Năm 1808, ông tham gia chiến đấu dũng cảm tại Tây Ban Nha chống quân Napoleon. Ông được thăng hàm trung tá và được tặng Huy chương vàng.

Vào thời gian này, cũng như nhiều kiều dân châu Mỹ sống tại Tây Ban Nha, ông được các tư tưởng tự do thức tỉnh và giác ngộ. Năm 1811, sau 21 năm lăn lộn phục vụ Mẫu quốc, đang thành đạt về binh nghiệp nhưng khi hay tin Hội đồng Chính phủ đã được những người quốc gia thành lập tại Buenos Aires, ông quyết định xin phục viên và trở về Tổ quốc. Ngày 9/3/1812 ông về đến Buenos Aires và dấn thân vào bão táp Cách mạng.

Trong con mắt của các tiêủ thư khuê các ở Buenos Aires thời ấy, San Martín là một chàng trai tuấn tú, cao lớn với nước da thẫm màu và hai làn tóc mai dài. Bộ quân phục càng làm nổi bật vẻ đẹp rất nam nhi. Bảy ngày sau khi về nước, Chính phủ các Tỉnh liên kết - tên gọi hồi đó của Argentina đã công nhận quân hàm Trung tá của ông và giao cho ông nhiệm vụ thành lập một Trung đoàn Kỵ binh. Đó là Trung đoàn Pháo thủ Kỵ binh nổi tiếng, đơn vị đã theo ông xông pha trận mạc trong suốt tiến trình giải phóng châu Mỹ.

Tháng Mười hai năm 1812 ông được thăng hàm đại tá. Lúc này cuộc chiến tranh giải phóng Argentina đang phải đối mặt với sự đe doạ của quân đội Tây Ban Nha từ hai phía: Từ Montevideo phía đông và từ Salta phía bắc. Đấy là chưa kể đến mặt trận Chile từ phía tây cũng đang nằm trong tay quân Tây Ban Nha. Ngày 3/02/1813, chưa đầy một năm sau ngày trở về, San Martín đã giành được thắng lợi quân sự đầu tiên của mình. Trung đoàn Kỵ binh pháo thủ đã xoá sổ toàn bộ một đơn vị bộ binh Tây Ban Nha tại San Lorenzo.

Đầu năm 1814, ông được thăng quân hàm chuẩn tướng và được chỉ định làm Tư lệnh Quân đoàn phương Bắc, đóng quân tại Tucuman với nhiệm vụ chặn bước tiến quân đối phương tại Thượng Peru. Từ đây, ông bắt đầu bước vào cuộc tấn công trên bình diện toàn châu lục.

Nhà chiến lược thiên tài

Với nhãn quan của nhà chiến lược thiên tài và óc thực tiễn, ông đã phác hoạ một kế hoạch tổng thể nhằm đưa cuộc cách mạng giải phóng đến thắng lợi hoàn toàn. Ông đã thấy rõ sức mạnh binh quyền của Tây Ban Nha tập trung tại Phó Vương quốc Peru và cho rằng lực lượng này là nguy cơ chính đối với thắng lợi của cách mạng. Bởi vậy ông đã đưa ra kế hoạch tiêu diệt lực lượng này bằng cách tấn công trực tiếp vào chính sào huyệt của nó.

Để thực hiện mục tiêu, ông đã thành lập và huấn luyện một đội quân thiện chiến, có kỷ luật cao. Và để đến được Lima, không giống như lần trước, con đường hành binh mà ông chọn không vượt qua vùng Thượng Peru mà là trước tiên vượt dãy Andes sang giải phóng Chile, làm chủ vùng biển Thái Bình Dương rồi đưa đội quân thiện chiến này đổ bộ vào một điểm nào đó trên bờ biển của Peru. Chắc chắn, ông sẽ được nhân dân Peru ủng hộ.

Trong thời gian từ tháng 8/1814 đến tháng 12/1816, tại Cuyo, ông đã thành lập Quân đội giải phóng trên cơ sở Trung đoàn kỵ binh pháo thủ. Đội quân này được Chính phủ Buenos Aires chi viện tiền bạc, vũ khí, đạn dược, được các tỉnh xung quanh gửi đến những chiến binh tình nguyện, mang tên Quân đội vùng Andes và do San Martín làm Tổng tư lệnh. Quân đội vùng Andes có 4.000 quân gồm người Argentina và Chile, trong đó 3.000 là lính bộ binh, 750 kỵ binh, 250 pháo thủ với 21 khẩu pháo các loại.

José de San Martín tuyên bố nước Peru độc lập tại thủ đô Lima, Peru, vào ngày 28/7/1821. (Nguồn: Wikipedia)

Từ 12 đến 19/01/1817, vào lúc thời tiết trong năm đỡ lạnh nhất và có ít tuyết nhất trên dãy Andes, đội quân của San Martín được chia làm ba mũi, bắt đầu hành quân tiến sang Chile. Hai mũi do San Martín chỉ huy và được Bernado O’ Higgins, một phó tướng của ông người Chile hộ tống vượt đèo los Pasos. Mũi thứ ba vượt đèo Uspallata. Sau ba tuần hành binh gian nan vượt Andes ở độ cao từ 3.000 đến 4.000 mét, ngày 08/02, ba mũi đã hội quân tại Chacabuco. Ngày 12/02, quân Tây Ban Nha đã kéo đến Chacabuco hòng tiêu diệt quân của San Martín.

Nhưng tại đây chúng đã bị Quân đội vùng Andes tiêu diệt nặng nề. Tuy sau đó trong trận Cancha Rayada, quân của San Martín bị rơi vào ổ phục kích của đối phương và bị thiệt hại đáng kể, nhưng San Martín không nản chí. Ông lui quân về Maipu, phía nam Santiago. Tại đây, sáng 5/4 đã diễn ra trận thư hùng đẫm máu, trong đó, San Martín đã đè bẹp hoàn toàn quân Tây Ban Nha, giành độc lập cho Chile. Ông thành lập Chính phủ quốc gia Chile nhưng từ chối chức Tổng thống để đưa người cộng sự của mình, tướng Bernado O’ Higgins lên cương vị này.

Sau khi giành độc lập cho Chile, San Martín hướng sang Peru. Bước đi sắp tới này không chỉ nhằm giải phóng Peru mà còn củng cố nền độc lập của Chile. Về phần mình, nước Chile mới non trẻ đã lập ra hạm đội do Lord Cochrane chỉ huy nhằm hỗ trợ cho San Martín. Trong năm 1819, trong khi San Martin tiếp tục củng cố Quân đội, hạm đội của Cochrane đã tiến hành hai cuộc thám hiểm sang Peru, bí mật bắt liên lạc với các nhà cách mạng Peru, tuyên truyền cách mạng để nhân dân Peru nổi dậy từ bên trong để phối hợp hành động với những người anh em đến từ bên ngoài nhằm quyết định tương lai của mình.

San Martín bắt đầu cuộc hành quân sang Peru. Trong bản bố cáo trước toàn quân, ông nói: “Tôi bắt đầu mở chiến dịch đáng ghi nhớ nhất cho cuộc cách mạng của chúng ta. Ngày vĩ đại nhất của cách mạng sắp đến”. Ngày 18/8/1820, Quân đội giải phóng gồm 4.118 người thuộc ba binh chủng đã xuống tàu tại cảng Valparaiso. Ngày 20/8, đoàn tàu nhổ neo ra khơi nhằm hướng bờ biển Peru. Chiều ngày 07/9, đoàn tàu cập bến tại vịnh Paracas và hôm sau đổ bộ lên chiếm thị trấn Pisco. Tại đây, San Martín đặt Đại bản doanh.

Cuộc đổ bộ của San Martín làm Pezuela - Phó Vương Peru bất ngờ. Tuy nắm trong tay 23.000 quân và riêng tại Lima có 7.000 quân nhưng đội quân này không đáng tin cậy vì các hoạt động binh vận do những người yêu nước Peru tiến hành, khiến Pezuela không dám tiến công San Martín mà đề nghị thương lượng. San Martin chấp nhận lời đề nghị. Tuy nhiên cuộc thương lượng bị thất bại. Sau gần hai tháng đóng quân tại Pisco, nhận thấy khu vực này không phải là vị trí chiến lược cho kế hoạch của mình, San Martín đã chuyển quân lên miền bắc Lima, chiếm lĩnh thị trấn Huaura đặt Đại bản doanh.

Các thủ lĩnh quân sự Tây Ban Nha bất mãn trước thái độ bị động của Pezuela nên đã ép Pezuela từ chức và đưa Trung tướng José de la Serna lên thay. Phó vương mới cũng đề nghị hoà đàm và được chấp nhận. Nhưng vì lập trường hai bên quá khác nhau nên cuộc thương lượng này cũng bị thất bại.

Thực tế, tại Huaura, bước sang năm 1821, San Martín vẫn án binh bất động nhưng tạo điều kiện để những người yêu nước Peru nổi dậy khởi nghĩa tại nhiều nơi. Tình hình tại Lima mỗi ngày trở nên bi đát hơn với Tây Ban Nha, lại thêm thất bại của cuộc thương lượng, Phó vương đã quyết định rút quân khỏi Lima và kéo về miền núi cố thủ. San Martin tiến quân về Lima. Sau khi tiếp một phái bộ của Chính quyền thành phố đến gặp để mời ông tiến vào Lima, San Martín chấp nhận lời mời.

Đêm 10/7, ông lặng lẽ kéo quân vào thành phố, không muốn công khai sự có mặt của mình. Nhưng nhân dân đã nhanh chóng nhận ra và nhiệt liệt chào đón. Ngày 14/7, ông thông báo cho Chính quyền thành phố về việc triệu tập một Hội nghị các đại diện nhân dân để tự do quyết định về nền độc lập của Peru. Ngày 15/7, Hội nghị đã được tiến hành. Trong khí thế hào hùng chung, Hội nghị đã tuyên bố ý nguyện chung của nhân dân là thoát ly khỏi mọi phụ thuộc đối với Tây Ban Nha. Ngày 28/7/1821, tại Quảng trường Vũ khí của Lima, trong không khí trang nghiêm, San Martín đã tuyên bố nền độc lập của Peru: “Từ thời khắc này, chiểu theo ý nguyện chung của nhân dân và công lý của một sự nghiệp được Thượng đế che chở, Peru đã trở thành một quốc gia tự do và độc lập”.

Tuy đã giành được độc lập cho Peru, nhưng quân Tây Ban Nha vẫn còn chiếm giữ miền nam. Đây là một nguy cơ lớn đối với nền độc lập non trẻ. Các thủ lĩnh Quân đội giải phóng và các lãnh tụ yêu nước Peru cho rằng việc San Martín đứng đầu Chính phủ mới là điều thuận lợi cho sự nghiệp chung. Trước yêu cầu của họ, ông đã chấp nhận đứng đầu Chính phủ trên cương vị Hộ Quốc Công nhưng trịnh trọng khẳng định rằng mình sẽ từ chức khi nào đất nước không còn phải đương đầu với các nguy cơ.

Để tạo cho Peru sức mạnh riêng hằm giữ gìn nền độc lập, ông đã thành lập các đơn vị đầu tiên của quân đội Peru với tên gọi Đội Vệ binh Peru. Ông cũng ban hành sắc lệnh tổ chức Hải quân Peru. Ông gửi sang Ecuador một sư đoàn hỗn hợp Argentina - Peru để chi viện cho Nhà giải phóng miền Bắc Simon Bolivar. Đội quân này cùng với các lực lượng của Colombia dưới sự chỉ huy của Tướng Sucre đã giành được chiến thắng tại Pinchacha.

Vấn đề quan trọng nhất phía trước đối với San Martín là kết thúc cuộc chiến chống Tây Ban Nha. Phó vương vẫn còn chiếm giữ miền nam, trung tâm và vùng Thượng Peru với gần 20.000 quân. Ông rất cần sự chi viện của Nhà giải phóng miền bắc, Đôn Simón Bolivar, cũng như ông đã từng giúp Bolivar giành chiến thắng tại Pinchacha. Chính từ chiến thắng này, Bolivar đã ca khúc khải hoàn kéo quân vào Quito. Bởi vậy ông cho rằng đây là lúc thuận lợi nhất để gặp và hội kiến với Bolivar nhằm thống nhất kế hoạch phá tan quân Tây Ban Nha ở Peru.

Tượng José de San Martín tại Thủ đô Santiago de Chile. (Nguồn: Wikipedia)

Lòng cao thượng vô song

Ngày 14/7/1822, ông lên tàu Macedonia ở cảng Callao, ngày 25/7 tới cảng Guayaquil và đựơc nhân dân nồng nhiệt đón chào. Trong hai ngày 26 và 27/7, hai Nhà giải phóng vĩ đại đã tiến hành ba cuộc họp kín, tối mật, không có nhân chứng. Mãi đến sau này, người ta mới biết được kết quả cuộc hội kiến. Thực chất cuộc họp là ý đồ đầu tiên nhằm thiết lập một chính sách đoàn kết tại châu lục và hành động tương trợ chống ách thống trị của Tây Ban Nha nhưng đã thất bại. Bolivar bác bỏ việc gửi quân đội của mình sang Peru, ông chỉ đồng ý đưa 1.400 quân sang Peru, một con số mà San Martín coi là không đủ. Ông cũng không chấp nhận lời đề nghị của San Martín là cộng tác và đứng dưới quyền chỉ huy của Bolivar nếu ông này đưa quân đội vào Peru.

Tối 27/7, sau cuộc chiêu đãi của Bolivar tổ chức chào mừng San Martín, ông lặng lẽ rời Guayaquil và sáng hôm sau lên tàu trở về Peru, quyết định nhường bước cho Bolivar. Trở lại Lima ngày 19/8, ngay hôm sau San Martín đã triệu tập Đại hội Peru độc lập lần thứ nhất. Trong không khí cực kỳ xúc động, ông đã tháo tấm băng hai màu mang trên người, biểu tượng của quyền lực tối cao của Peru, trao lại toàn bộ quyền lực và từ chức. Sau đó ông rời Đại hội đến Magdalena và ngay trong đêm ấy lên tàu Belgrano rời khỏi Peru, để lại lời nhắn nhủ hậu thế: "Những lời hứa của tôi với các dân tộc - mà vì lý do đó, tôi đã tiến hành cuộc chiến đã được hoàn thành: giành lại độc lập và để các dân tộc quyền lựa chọn các chính phủ của mình".

Không chỉ quyết định rời khỏi Peru và rút khỏi chính trường, đầu năm 1824, ông còn quyết định giã từ Argentina và châu Mỹ sang sống ẩn dật ở châu Âu. Ông mất ngày 17/8/1850 tại Boulogne (Pháp) thọ 72 tuổi với lời di chúc là hài cốt của mình được đưa về Buenos Aires. Tại Argentina, hài cốt của ông được an táng trong Nhà thờ lớn của Thủ đô Buenos Aires và hàng ngày được Ngự lâm quân thay nhau trân trọng canh giữ - nghi thức danh dự cao nhất dành cho một Anh hùng dân tộc. Tên ông là biểu tượng và niềm tự hào dân tộc. Các quốc gia lân bang cũng rất trân trọng ông, đặc biệt là Peru. Peru mãi mãi tri ân San Martín do công lao của ông đối với Peru và châu lục. Quốc hội đầu tiên của Peru đã vinh danh công trạng của ông và suy tôn ông là Nhà sáng lập Tự do của Peru và Thống soái của Quân đội Peru.

Sự tương đồng đặc biệt

Có dịp đến Argentina và khu vực Mỹ latinh, tôi đã chứng kiến những tình cảm thành kính sâu sắc mà người dân các nước này dành cho San Martín (1778 – 1850) cũng giống như những tình cảm mà người dân Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969). Và càng ngẫm, càng thấy có nhiều điểm tương đồng giữa hai vĩ nhân ấy tuy họ sống cách nhau hơn một thế kỷ.

Sự tương đồng ấy đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Argentina tại thủ đô Buenos Aires trong chuyến thăm Argentina tháng 4/2023. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam kiên định 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do.

Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ', thì Tướng José de San Martín, Anh hùng dân tộc của Argentina và khu vực Nam Mỹ khẳng định: 'Tất cả chúng ta hãy vì tự do. Chúng ta thà chết chứ không làm nô lệ'. Đó là cuộc gặp gỡ lịch sử về tư tưởng và hành động mang chân lý đẹp như cùng hẹn trước của hai đất nước”.

Đối với José de San Martín hay Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó còn là lòng yêu mến dân tộc, đất nước mình, luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang, là sự đoàn kết, tinh thần quốc tế cao cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cùng chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân.

Trao đổi với bạn bè Argentina, các bạn dều hết sức tâm đắc khi so sánh hai vĩ nhân bằng một đúc kết chân lý và giản dị: “San Martín là Hồ Chí Minh của Argentina và Mỹ Latinh cũng như Hồ Chí Minh là San Martín của Việt Nam và châu Á”.

------------------

* Tác giả nguyên là cán bộ Vụ Cuba - Mỹ latin, sau là Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao, từng có nhiều năm công tác tại khu vực Mỹ Latinh

* Don: Danh hiệu để chỉ nguồn gốc hoặc địa vị cao quí của một ngư­ời; hoặc bày tỏ sự kính trọng đối với ng­ười đó (Don: dùng cho nam giới, Doña: dùng cho nữ giới).