📞

Đón nhận 'cơn mưa' đầu tư từ các nước G7, Nhật Bản 'tìm lại hào quang' trên đường đua chip bán dẫn toàn cầu

Thanh Nga 22:54 | 20/05/2023
Nhật Bản, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, đang tìm kiếm một vai trò nổi bật hơn trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, khi Mỹ và các đồng minh đang có động thái mạnh mẽ hơn nhằm hạn chế vai trò của Trung Quốc trong cuộc chạy đua sản xuất chip.

Trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản, một số nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, bao gồm Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan - Trung Quốc (TSMC), Samsung Electronics của Hàn Quốc, cũng như Intel Corp và Micron Technology của Mỹ, đã đạt được thỏa thuận đầu tư hàng tỷ USD vào Nhật Bản, nâng cao vị thế và vai trò của của đất nước mặt trời mọc trong ngành công nghiệp chip và chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida (giữa) và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura (thứ 3, từ trái sang), chụp ảnh cùng lãnh đạo các công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G7. (Nguồn: Kyodo)

Nhật Bản "trở lại đường đua"

Trong khuôn khổ của thỏa thuận, Micron Technology thông báo sẽ đầu tư tới 500 tỷ Yen (3,6 tỷ USD) trong vài năm tới, với sự hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản. Tập đoàn này cho biết, nhà máy ở Hiroshima sẽ kích hoạt làn sóng đổi mới thệ hệ chip tiên tiến tiếp theo, chẳng hạn như chip bộ nhớ nút 1-gamma, dự kiến bắt đầu sản xuất từ năm 2025.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Kishida Fumio đã gọi khoản đầu tư của Micron Technology là “một hình mẫu tuyệt vời của mô hình hợp tác sản xuất bán dẫn Nhật Bản-Mỹ”.

Thương vụ mới của Micron tại Nhật Bản cho thấy sự tương phản rõ nét với tình trạng mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với Trung Quốc, nơi tập đoàn này năm ngoái đã phải giải tán nhóm thiết kế chip ở Thượng Hải mặc dù thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chiếm đến 11% doanh số bán hàng của Micron. Các sản phẩm của Micron hiện đang bị chính quyền Bắc Kinh điều tra vì những lo ngại an ninh quốc gia.

Gareth Leather, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics ở London nhận định, việc Nhật Bản hấp dẫn các nhà sản xuất chip nhờ những nỗ lực của các đồng minh như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh.

Theo các chuyên gia, Nhật Bản từng là người chơi chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, chiếm hơn một nửa thị phần vào năm 1988, nhưng sau đó vị trí này đã thuộc về vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Hiện Đài Loan đang sản xuất phần lớn chất bán dẫn của thế giới, bao gồm 80% thị phần những loại chip tiên tiến nhất.

Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc đang thúc đẩy các nước phát triển đa dạng hóa nguồn cung cấp chip, ngoài Đài Loan.

TrendForce, nhà cung cấp thông tin thị trường công nghệ toàn cầu, dự đoán công suất xử lý chip tiên tiến của Đài Loan sẽ giảm xuống 71% vào năm 2025, giảm 9% so với năm 2022.

Kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc

Năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành đạo luật “Khoa học và Chip” tài trợ 52 tỷ USD cho công tác nghiên cứu và sản xuất chip trong nước. Các công ty nhận tài trợ sẽ bị cấm xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc trong 10 năm, một động thái được cho là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy về công nghệ cao của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tháng 3/2022, Chính phủ Mỹ cũng đề xuất thành lập liên minh công nghiệp bán dẫn với các đối tác châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) để tận dụng thế mạnh của từng thành viên, chi phối tất cả các lĩnh vực chính của chuỗi giá trị, lung lay vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Liên minh này đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 2/2023, tập trung vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng bán dẫn và hợp tác trong tương lai.

Khi 4 nước đối tác tăng cường hợp tác, TSMC, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới, cho biết hôm 18/5 rằng sẽ tiếp tục đầu tư vào Nhật Bản. Công ty này đã xây dựng một nhà máy do tại Nhật Bản với sự hợp tác của Sony Corp.

TSMC, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới, hôm 18/5 cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 19/5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, đạo luật “Khoa học và Chip” của Mỹ đã cho thấy cách Washington đang sử dụng quyền lực để buộc các đồng minh phải tuân theo sự dẫn dắt của mình.

Theo tờ Financial Times, tại Hội nghị thượng đỉnh G7, khai mạc vào ngày 19/5 và kết thúc vào 20/5, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Biden dự kiến công bố thỏa thuận trị giá 70 triệu USD để đào tạo 20.000 kỹ sư chip tại 11 trường đại học ở Mỹ và Nhật Bản, bao gồm nhiều trường đại học tên tuổi như Đại học Purdue, Đại học Hiroshima và Đại học Tohoku.

Trong khi đó, Thủ tướng Kishida và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đồng ý để Nhật Bản và Anh hợp tác nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn cũng như trao đổi kỹ năng, như một phần của quan hệ Đối tác chiến lược toàn cầu mới có tên “Hiệp định Hiroshima”.

Năm ngoái, Anh đã ngăn chặn công ty con Hà Lan của một công ty Trung Quốc mua lại nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Anh, Newport Wafer Fab, vì lý do an ninh quốc gia.

Theo Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao về châu Á-Thái Bình Dương tại Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp), khi Mỹ và các đồng minh thúc đẩy tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong nước nhằm cô lập Trung Quốc, điều này có thể gây ra những tác động đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, hiện tại, Mỹ và các đồng minh dường như đang tập trung vào việc “kiềm chế tiến bộ công nghệ của Trung Quốc và tái cân bằng năng lực sản xuất”, thay vì yêu cầu các nhà sản xuất chip rời khỏi Trung Quốc.

(theo SCMP)