F0 điều trị tại nhà nên tỉnh táo trước những đơn thuốc trôi nổi trên mạng xã hội. |
Từ khi mở cửa để sống chung với dịch, dường như người ta đã không còn sợ Covid-19. Số ca nhiễm tăng cao hằng ngày. Trên mạng xã hội, bạn bè, đồng nghiệp liên tục thông báo “gia nhập vào làng F0”.
Hiện nay, phần lớn người dân đã tiêm vaccine nên chủ quan hơn, theo tư tưởng “ai rồi cũng nhiễm Covid-19”, "ai rồi cũng được nhận quà", nếu nhiễm sẽ giống cảm cúm thông thường, tự cách ly điều trị ở nhà. Người ta dường như đã bình tĩnh và việc mua bán thuốc trở nên dễ dàng hơn.
Những câu tếu táo, đùa vui vì trở thành F0 tràn lan khắp mạng xã hội, nhiều người hài hước tự cho rằng bây giờ F1 là “phèn”. Mọi người đã chuẩn bị sẵn tâm lý có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, nếu mắc Covid-19 thì chữa.
Để yên tâm, người người đua nhau trữ sẵn thuốc, từ vitamin đến nước súc miệng, xịt họng, nhỏ mũi, kháng sinh, kháng virus, máy đo Sp02, thậm chí không tiếc tiền chuẩn bị cả máy tạo oxy để… phòng.
Vấn đề là nhiều người truyền tai nhau các đơn thuốc, người chưa nhiễm cũng trữ sẵn. Có người sử dụng lại đơn thuốc trên mạng, có người mua theo những gì hiệu thuốc bán, tư vấn mà không cần biết thuốc đó có cần thiết không, có phù hợp với mình không.
Tự bao giờ, ai cũng trở thành “thầy thuốc online”, khuyên xông thế nào, súc họng bằng gì, uống thuốc gì tốt. Cứ như vậy, trên các diễn đàn xuất hiện bác sĩ vô danh kê đơn, tự tin truyền kinh nghiệm vì “đã từng dùng rồi”, “đã từng là F0 và đã khỏi nhờ dùng…”.
Và vì thế, đơn thuốc dành cho F0 cứ như “nấm mọc sau mưa”, trôi nổi trên mạng rất nhiều khiến người dân đôi lúc không biết tin vào đâu, không biết nên theo đơn nào.
Ngoài thuốc phòng, thuốc điều trị Covid-19, máy xông, máy đo Sp02 với đủ loại giá cũng được rao bán rộng rãi. Người bệnh vì hoang mang hoặc tin vào những lời quảng cáo đường mật nên sẵn sàng móc tiền túi để mua theo đơn thuốc của người đi trước. Cả Đông y, Tây y và thường trực nỗi lo không biết rồi liệu có hiệu quả khi dùng hay không, có thực sự cần thiết hay không?
Hôm qua, bạn tôi khoe vừa mua thuốc phòng Covid-19 cho yên tâm vì “mấy người trên mạng nói thế”. Có lẽ, nhiều người giống bạn tôi, cũng đang hoảng loạn như thế, từ việc chuẩn bị thuốc cho F0, vẫn lúng túng khi đứng trước những đơn thuốc được vô tư chụp và đăng lên Facebook hoặc trên các diễn đàn để truyền kinh nghiệm và không có một phác đồ điều trị cụ thể.
Dịch Covid-19 ngày càng lan rộng, bùng phát mạnh khiến hệ thống y tế chịu nhiều sức ép. Thực tế, không ít người chưa gọi được cho y tế phường đã vội vã lên các diễn đàn cầu cứu các “chuyên gia bất đắc dĩ”.
Cứ test và nếu 2 vạch thì ngay lập tức đi mua thuốc hoặc sử dụng một cách vô tư. Thay vì theo đơn hoặc tư vấn của các bác sĩ có chuyên môn, không ít người vẫn đang áp dụng lại đơn thuốc của người đi trước đã khỏi bệnh, thậm chí của những đơn thuốc dành cho bệnh nhân nặng từ hồi năm ngoái.
Và vì thế, các đơn thuốc cứ tràn lan trên mạng. Điều này cũng phần nào phản ánh được thực trạng người dân vẫn còn thiếu thông tin và dễ bám víu vào những lời tư vấn “vô thưởng vô phạt”, nhiều khi sai lầm hoặc phản khoa học.
Thực trạng tự ý mua thuốc uống khi test nhanh dương tính đã trở thành “chuyện thường ở huyện”. Người ta cho rằng, tự điều trị ở nhà thì phải tự lo, tự mua thuốc. Nhưng nhiều bác sĩ đã cảnh báo việc trang bị kháng sinh, thuốc kháng virus, đông máu và vô tư sử dụng sẽ để lại hệ lụy khôn lường. Nhiều người không biết rằng, để sử dụng những thuốc đó phải có chỉ định của bác sĩ và không phải đối tượng nào cũng phải dùng.
Thậm chí, dù chưa bị nhiễm nhưng để yên tâm, có người “đi trước một bước”, mua trữ thuốc phòng Covid-19 và uống liên tục 5 ngày. Một số loại thuốc trở nên “hot” khi được rỉ tai nhau phòng bệnh hơn chữa bệnh, cứ dùng phòng để nếu lỡ bị nhiễm thì cũng bị nhẹ hơn. Nếu không mua nhỡ thành F0, sợ “cháy thuốc”, hoặc sợ tăng giá và nhiều nỗi sợ không tên khác.
Để rồi ai cũng có thể trở thành “dược sĩ”. Nhất là những gia đình có người già, người bệnh nền, trẻ em nhiễm bệnh sẽ rất hoang mang và khi không kết nối được với y tế cơ sở đành tặc lưỡi “cầu cứu” mạng xã hội. Lợi dụng tâm lý ấy của người dân, nhiều loại thuốc được thổi phồng về tác dụng kháng virus, nhiều người cả tin nên sẵn sàng mua.
Có thể nói, công tác tư vấn chữa bệnh trở nên quan trọng hơn khi dịch Covid-19 ngày càng lan rộng, số ca nhiễm tự cách ly điều trị tại nhà là chủ yếu. Cần truyền thông như thế nào để các F0 không quá hoang mang, lo lắng và hiểu không thể dùng chung một đơn thuốc cho tất cả mọi người bệnh.
Làm sao để người dân tìm kiếm những tư vấn từ những trang chính thống của Bộ Y tế hoặc của các bệnh viện lớn, của những bác sĩ có trình độ, có tâm với nghề chứ không tin vào những đơn thuốc trôi nổi trên mạng.
Cần nâng cao hơn nữa truyền thông điều trị Covid-19 để những tư vấn của bác sĩ đến được với người dân. Ngay bản thân người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, thể hiện trách nhiệm xã hội của mình trong việc phòng tránh dịch bệnh lây lan. Đặc biệt, mỗi người nên nghe theo những trang chính thống của Bộ Y tế, của các bệnh viện lớn, của các bác sĩ đáng tin cậy. Đừng biến mình trở thành “con mồi” ngon cho những kẻ trục lợi bán hàng trên mạng.
| Ngày 8/3: Cần để phụ nữ học 'bơi' một cách tự do mà không có những phán xét Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ cho rằng, tạo cơ hội ... |
| Chuyên gia Lê Quốc Vinh: Cần thay đổi trải nghiệm của khách du lịch Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Công ty Le Bros, nêu quan điểm, mở cửa du lịch càng sớm càng tốt có ... |