Tận dụng mọi ưu thế và đặc thù của nước Mỹ để buộc cả thế giới phải chơi cuộc chơi quyền lực của mình (Biếm họa của tác giả Andrew Zavgo) |
Với những gì đã làm trong gần hai năm rưỡi cầm quyền đến nay ở nước Mỹ, tổng thống Mỹ Donald Trump đã vượt trội hơn hẳn những người tiền nhiệm trong việc khắc đậm dấu ấn riêng ở chính trị thế giới và quan hệ quốc tế sau cùng thời gian cầm quyền. Ông Trump đã tận dụng mọi ưu thế và đặc thù của nước Mỹ để buộc cả thế giới phải chơi cuộc chơi quyền lực của mình tại nước Mỹ. Đấy là cuộc chơi quyền biến giữa bất biến và khả biến.
Từ 4 ví dụ của sự khả biến
Có thể thấy được điều này qua 4 ví dụ gần đây nhất ở quan hệ của Mỹ với Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Iran, Triều Tiên và EU.
Giữa lúc EU và NATO cũng như cả Mỹ nữa tiếp tục gia tăng mức độ trừng phạt Nga, gây khó dễ và làm găng Nga thì ông Trump lại gặp tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 ở thành phố Osaka của Nhật Bản và làm như thể mối quan hệ giữa hai nước này hoàn toàn bình thường chứ không trắc trở.
Với Iran và Triều Tiên, nước Mỹ của ông Trump vướng mắc lâu nay cùng vấn đề nan giải là chương trình tên lửa và hạt nhân thì ông Trump lại bên trọng bên khinh rõ rệt và công khai giữa Triều Tiên và Iran. Ngay sau cuộc gặp bất ngờ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Bàn Môn Điếm, ông Trump đã lại lớn giọng ngay doạ Iran "chớ có chơi với lửa" khi Mỹ và Iran vẫn còn đang ngấp ngé bên ngưỡng của đụng độ vũ trang và thậm chí cả chiến tranh nữa.
Vừa thoả thuận xong "đình chiến thương mại" với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Osaka, ông Trump đã gần như lập tức làm găng thêm với EU bằng việc doạ sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại thêm đối với hàng hoá của EU xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Cuối cùng là chuyện ông Trump doạ sẽ chấm dứt cam kết bảo hộ an ninh cho Nhật Bản từ 70 năm nay mặc dù khi trước đấy đi thăm Nhật Bản vẫn khẳng định cam kết ấy và hết lời tung hô mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản.
Bốn ví dụ này chỉ thời sự thôi chứ bản danh mục những chuyện tương tự còn rất dài.
Tất cả đều toát lên những nét đặc trưng sau cho bản chất nội dung cũng như mô thức thực hiện quan điểm đường lối chính sách đối ngoại của ông Trump.
…đến 5 đặc trưng chính sách
Thứ nhất, "Nước Mỹ trước hết" không còn chỉ là một khẩu hiệu vận động tranh cử hay phương châm cầm quyền mà còn được ông Trump nâng lên và hoàn thiện hoá thành chủ thuyết mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt nó là tuyệt đối hoá chủ nghĩa thực dụng trong chính trị quyền lực. "Nước Mỹ trước hết" được ông Trump thể hiện và vận dụng không chỉ có ở trong việc định nghĩa lợi ích cụ thể cho nước Mỹ mà còn ở cả trong việc theo đuổi, thực hiện và bảo vệ những lợi ích ấy.
Thứ hai, việc ông Trump thường xuyên thay đổi phát ngôn hay quyết sách tạo cảm nhận là ông Trump làm chính trị theo ngẫu hứng nhưng trong thực chất là một cách thức quyền biến của ông Trump. Mục đích của ông Trump là làm cho đối tác cũng như đối thủ, đồng minh cũng như địch thủ không biết đâu mà lần, giữ thế chủ động và đẩy họ vào thế bị động, biến tất cả gần như trở thành những con rối trong cuộc chơi của mình. Ông Trump xoá nhoà ranh giới giữa bất biến và khả biến trong cả mục tiêu theo đuổi lẫn đường hướng chính sách thực hiện.
Thứ ba là công cụ hoá nghịch cảnh. Ông Trump chủ ý tạo hình ảnh tương phản giữa quan hệ của Mỹ với đối tác này và quan hệ của Mỹ với đối tác khác trên cùng phương diện để răn đe và o ép. Thông điệp phát đi từ đấy là, theo Mỹ thì được như thế này và không theo Mỹ thì sẽ bị như thế kia. Như với Iran và Triều Tiên trên phương diện đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân và tên lửa. Như với Trung Quốc và EU ở khía cạnh xung khắc thương mại.
Thứ tư là dùng đột biến để tăng hiệu ứng thực tế của tác nhân "thường xuyên thay đổi". Đột biến ở đây nhằm để tạo ra cú hích mới hoặc thậm chí để xoay ngược hẳn tình thế. Ứng phó với một tổng thống Mỹ như vậy, các đối tác và đối thủ luôn phải trù liệu cho mọi khả năng đều có thể xảy ra. Hôm nay tốt nhưng ngày mai xấu hoặc ngược lại là chuyện bình thường, thậm chí còn có thể chắc chắn như thế ở ông Trump.
Thứ năm, ông Trump luôn tìm cách phân rẽ các đồng minh và đối tác với nhau bởi rất lo ngại bị các đồng minh và đối tác co cụm và tập hợp nhau lại cùng ứng phó và đối phó. Đây là điểm yếu nhất và dễ bị tổn thương nhất trong cách thức của ông Trump vận hành chính sách đối ngoại và xử lý quan hệ quốc tế. Ở đây cũng bộc lộ suy tính của ông Trump là không đồng thời tấn công nhiều đối tác và đối thủ trong cùng vấn đề, lôi kéo nhiều đối tác và đối thủ vào cuộc chơi nhưng tập trung đánh tỉa chứ không dàn trải và đồng đều mức độ quyết liệt.
Bất biến và khả biến
Nhìn nhận như thế có thể thấy được là "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump không hề bất biến nội hàm và "gia tăng áp lực tối đa" cũng chỉ tương đối. Quan hệ của Mỹ tốt hay không tốt với tất cả các đối tác chỉ là trạng thái nhất thời và không ổn định bền vững. Sẽ là chủ quan hoặc thậm chí cả sai lầm ở các đồng minh và đối tác của Mỹ khi yên tâm và dựa cậy một cách vội vàng vào những mỹ từ tán dương của ông Trump. Cũng không hẳn phải lo ngại quá mức bởi những ngôn từ đao to búa lớn gay cấn quyết liệt của ông Trump.
Để nhìn nhận được thấu đáo thực chất quan điểm chính sách và suy tính thực chất của ông Trump thì cần thiết phải thấy rằng ông Trump rất coi trọng hiệu ứng truyền thông và che dấu thực chất quan điềm và suy tính ở phía sau hiệu ứng truyền thông ấy.
"Nước Mỹ trước hết" ngày càng thiên về nghĩa "Donald Trump trước hết" và mọi việc ông Trump làm bây giờ chỉ nhằm vào chuyện vận động tranh cử tổng thống năm 2020. Cho nên người này còn thay đổi quan điểm và quyết sách cũng như còn gây đột biến cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Dịch Dung