📞

Đông Anh trước thời cơ ‘thay da đổi thịt’

Đoàn Vũ 08:03 | 10/10/2023
Với lợi thế là "cửa ngõ của thế giới" đến với Hà Nội, gần sân bay, tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối vùng, huyện Đông Anh đã sẵn sàng để trở thành quận của Thủ đô vào năm nay.
Diện mạo huyện Đông Anh. (Nguồn: Người Lao động)

Huyện Đông Anh có diện tích tự nhiên 185,68 km2, quy mô dân số đạt hơn 437.000 người, có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc; nơi tập trung nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch. Sau 62 năm sáp nhập vào Hà Nội, huyện Đông Anh đang đứng trước thời cơ "thay da đổi thịt" khi sắp được công nhận là một quận của Thủ đô.

Tập trung, quyết liệt

Năm 2023 được xem là năm bản lề để huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội hoàn thiện nốt các tiêu chí để trở thành quận. Với tinh thần tập trung, quyết liệt, trong 9 tháng đầu năm, huyện đã thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn huyện tiếp tục giữ ổn định, nhiều dự án lớn tiếp tục được triển khai, các nhà đầu tư lớn tiếp tục quan tâm, nghiên cứu và đầu tư trên địa bàn.

Một số kết quả nổi bật phải kể đến như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục được thực hiện bài bản, khoa học, phân công rõ người, rõ việc. Tập trung rà soát, đánh giá, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIX. Thực hiện hoàn thiện hồ sơ đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận.

Song song với đó, công tác quản lý tài chính, đầu tư xây dựng được chủ động triển khai, điều hành linh hoạt, kịp thời. Công tác lập và quản lý quy hoạch được tập trung đẩy mạnh, bước đầu hoàn thiện việc đề xuất lập quy hoạch Thành phố Bắc sông Hồng – vùng 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn theo tinh thần NQ15 của Bộ Chính trị.

Công tác quản lý đất đai, nhất là đất nông nghiệp công ích, đất nông nghiệp ngoài công ích và đất bãi bồi ven sông được tăng cường. Các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục truyền thống được Đông Anh tổ chức tăng cả về quy mô và chất lượng.

Ngoài ra, công tác chăm lo các đối tượng chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả, đầy đủ, đúng người, đúng đối tượng. Các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, trên địa bàn huyện. Quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đảm bảo an ninh phục vụ những sự kiện trọng đại của đất nước, của Thủ đô…

Đông Anh trung nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch. (Ảnh: Mạnh Quân).

Sẵn sàng lên quận

Mới đây, HĐND Hà Nội đã thông qua đề án thành lập quận Đông Anh với diện tích là trên 185km2 và quy mô dân số 400.000 người. 24 xã và thị trấn cũng sẽ được lên phường.

Về các tiêu chí để thành lập quận, theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay, huyện Đông Anh có 12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Còn với tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, huyện Đông Anh hiện đã đạt 6/9 tiêu chí. Ba tiêu chí còn lại chưa đạt gồm có: Y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế và môi trường. Các tiêu chí này được đánh giá là rất cao, thậm chí cao hơn đối với đô thị, như trường học, cơ sở vật chất văn hóa đang được huyện này gấp rút thực hiện.

Với lợi thế là cửa ngõ của thế giới đến với Hà Nội, gần sân bay Nội Bài, có các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối vùng, “quận mới” Đông Anh sẽ được gia tăng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các cơ chế chính sách, đồng thời tăng cường số lượng cán bộ nhà nước, quản lý an ninh. Nhờ đó, người dân sẽ được hưởng nhiều cơ chế an sinh xã hội có lợi.

Đặc biệt, theo định hướng mới của đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Đông Anh sẽ nằm trong thành phố Bắc sông Hồng, trở thành cực tăng trưởng mới của thủ đô.

Về hạ tầng, Đông Anh có hệ thống công trình giao thông kết nối đồng bộ như đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, Nhật Tân - Nội Bài, Quốc lộ 5 kéo dài, đại lộ Trường Sa - Hoàng Sa, Quốc lộ 3, đường 23B, 23A, cầu Thăng Long, cầu Đông Trù… Mạng lưới giao thông dày đặc trở thành lực đẩy phát triển của Đông Anh so với khu vực nội thành.

Thời gian tới, những dự án giao thông trọng điểm như cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát, cầu Thăng Long mới, hệ thống đường sắt trên cao, đường vành đai đi qua địa phận Đông Anh sẽ được chú trọng triển khai. Cầu Tứ Liên sau khi hoàn thành,sẽ được rút ngắn thời gian di chuyển từ Đông Anh vào trung tâm Hà Nội chỉ còn khoảng 10 phút.

Cùng với đó, các trụ sở ban ngành, trường đại học, bệnh viện, triển lãm quốc gia, cơ sở sản xuất công nghiệp đang được xây dựng mới hoặc di dời từ các quận trung tâm sang Đông Anh, kéo theo một lượng lớn nhu cầu nhà ở của người lao động; thu hút giới doanh nhân, chuyên gia đến làm việc, sinh sống.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như Sungroup, Vingroup, Eurowindow Holding, BRG, TH Medical… đã lựa chọn Đông Anh để phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị, góp phần nâng cao chuẩn sống của cư dân khu vực. Nhờ thuận tiện di chuyển đến nội thành, ra sân bay, Đông Anh cũng sẽ “điểm sáng” đón đầu xu hướng giãn dân từ 4 quận nội thành, phù hợp với Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử của Hà Nội.

Dự án đường vành đai 3 đoạn qua huyện Đông Anh được UBND TP.Hà Nội kiến nghị phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn 4.988 tỷ đồng. (Nguồn: Công Thương)

Đông Anh trở thành quận là một trong những tiền đề quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành thành phố “Xanh- văn hiến- văn minh- hiện đại”, xứng tầm là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại- dịch vụ của khu vực châu Á- Thái Bình Dương".

Việc thành lập quận Đông Anh là phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp, tạo tiền đề cho Đông Anh hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước; phù hợp với các quy hoạch.

Thời gian tới, Đông Anh sẽ tập trung phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thực chất và bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân; tiếp tục phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng vốn có về vị trí địa lý, là đầu mối giao thông quan trọng với các tuyến đường giao thông huyết mạch, có tính kết nối vùng để tái cơ cấu nền kinh tế.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ gắn với khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về du lịch, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, xây dựng thương hiệu các sản phẩm du lịch truyền thống của địa phương…