Dòng chảy phương Bắc 2 "bỏ qua" Ukraine và các nước Baltic, cũng như Ba Lan, để cung cấp khí đốt tự nhiên thẳng tới Đức. |
Ra mắt vào năm 2015, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) bị coi là một nỗ lực khác của Nga nhằm gây bất ổn nền kinh tế Ukraine và gây “khó” cho Đức trước các đồng minh Đông Âu trong Liên minh châu Âu (EU).
Có lợi thế nổi bật, kết nối các nguồn khí đốt tự nhiên dồi dào của Nga với thị trường tiêu thụ rộng lớn và rất phát triển của Đức, bởi vậy dự án đã bị cuốn vào các cuộc đấu tranh địa chính trị ngay từ khi khởi động.
Cách "tấn công" điển hình của Nga
Trung tâm truyền thông của Ukraine UCMC (The Ukraine Crisis Media Center), cơ quan chuyên phân tích các chính sách đối ngoại ảnh hưởng đến Ukraine bình luận, “đây là một cách làm rất điển hình của Nga”. Theo đó, từ những động thái của Nga tại Ukraine, việc sáp nhập Crimea hay can thiệp vào Donbass, chiến lược kinh tế của Nga ở Đông Âu luôn là tối đa hóa lợi nhuận thu được từ Ukraine, cố gắng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và loại bỏ mọi gánh nặng kinh tế.
Trong trường hợp của Nord Stream 2, hệ thống đường ống dẫn khí được cho là cố tình thiết kế chạy quanh Ukraine – quốc gia mà lâu nay vẫn được hưởng lợi từ phí vận chuyển khí tự nhiên danh nghĩa tới các quốc gia láng giềng, do “phí quá cảnh” của hệ thống đường ống cũ. Hệ thống đường ống mới, thuận tiện và làm giảm bớt gánh nặng về chi phí đường ống qua Ukraine, nhưng đồng thời tạo ra một “cuộc tấn công” có chủ đích vào nền kinh tế nước này.
Về phía Nga, do không cần đi qua Ukraine nên phí vận chuyển khí đốt tự nhiên của họ sẽ giảm, giá cả cũng sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn. Điều đó có lợi cho việc Nga mở rộng thị trường khí đốt ở châu Âu, duy trì vị thế độc quyền về khí đốt ở Trung Âu, đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia.
Về chiến lược, thông qua tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc, Nga từng bước gạt Ukraine ra ngoài lề, điều này không những làm giảm nguồn lực kinh tế của Ukraine, mà còn làm suy yếu địa vị của Ukraine với tư cách là mấu chốt quan trọng để Mỹ và EU kiềm chế Nga.
Bên cạnh việc gia tăng ảnh hưởng của Nga trong khu vực, Dòng chảy phương Bắc 2 cũng khiến nước này có lợi thế hơn trong vấn đề Ukraine.
Ngoài ra, sự hợp tác tốt đẹp giữa hai cường quốc lâu đời ở châu Âu là Nga và Đức có thể tạo tiền đề cho sự hòa giải và hợp tác giữa Nga với EU, giúp Nga hóa giải sự thù địch với các nước khác.
Tuy nhiên, với các thành viên châu Âu, bất đồng về lợi ích còn ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Đức và các nước phía Đông EU như Ba Lan, Hungary và Ukraine. Các quốc gia này vốn đã bất đồng về chiến lược đối với Nga, đặc biệt là liên quan đến năng lượng, vì hầu hết đều có cổ phần trong thị trường khí đốt tự nhiên của Đức.
Trong khi đó, Dòng chảy phương Bắc 2 tập trung thị trường khí đốt tự nhiên châu Âu vào tay Đức và Nga, mà theo Hội đồng Đại Tây Dương, đây là kế hoạch đã được vạch ngay từ đầu. Trong một cuộc nói chuyện năm 2015 giữa Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng của Đức Sigmar Gabriel và Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bộ trưởng Gabriel được dẫn lại lời rằng, “Đây là lợi ích của chúng tôi… Điều quan trọng nhất liên quan đến các vấn đề pháp lý là chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng, tất cả những điều này vẫn thuộc thẩm quyền của các cơ quan có thẩm quyền của Đức, nếu có thể. Vì vậy, nếu chúng ta có thể làm được điều này, thì cơ hội can thiệp từ bên ngoài sẽ bị hạn chế".
Thỏa thuận này được đánh giá làm “bão hòa lợi ích” của Nga trong thị trường khí đốt tự nhiên và tước đi cơ hội đủ đạt được sự ổn định chính trị của Ukraine. Thậm chí, cựu Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz từng nói “Nord Stream-2 đang giết chết Ukraine”, bởi nếu khí đốt Nga không còn được chuyển qua Ukraine, Kiev sẽ không chỉ mất nguồn thu đáng kể, mà an ninh cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đối với Đức, Dòng chảy phương Bắc 2 là một thành tích kinh tế, chính trị quan trọng đối với Thủ tướng Merkel sắp mãn nhiệm. Xét về phương diện kinh tế, quá trình xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 khiến việc cung ứng khí đốt tự nhiên của Đức không bị ảnh hưởng bởi tranh chấp Ukraine-Nga.
Phí sử dụng năng lượng thấp hơn và nguồn cung được đảm bảo chắc chắn là một việc tốt đối với ngành công nghiệp Đức. Ngoài ra, sau khi trở thành đầu mối để Nga vận chuyển khí tự nhiên sang các nước khác, Đức còn có thể thu được phí trung chuyển trước kia vốn thuộc về Ukraine. Do đó, việc Đức ủng hộ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là một lựa chọn kinh tế hợp lý.
Bài toán lợi ích khó giải, Ukraine nên tìm đường khác?
Viện Brookings phân tích, "Điện Kremlin có vẻ bằng lòng tiếp tục cuộc xung đột âm ỉ này như một phương tiện để gây áp lực, gây bất ổn và mất tập trung cho Kiev, khiến giới lãnh đạo Ukraine khó tiếp tục với mục tiêu xây dựng lại một nhà nước thành công và thịnh vượng”.
Bên ngoài lãnh thổ Ukraine, Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 cũng bị cho là một nguồn thường xuyên gây ra căng thẳng chính trị. Những căng thẳng này lên đến đỉnh điểm vào năm 2019 khi cựu Tổng thống Donald Trump giáng đòn trừng phạt nặng nề vào Nga và chỉ trích Đức, vì nước này ngày càng phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga. Điều này khiến dự án bị chậm tiến độ thêm 2 năm.
Cách tiếp cận tích cực đối với các vấn đề đối ngoại đã dẫn đến một loạt các biện pháp trừng phạt và đáp trả giữa Đức và Mỹ, làm căng thẳng đáng kể quan hệ giữa hai đồng minh. Nhưng kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, nhiều biện pháp trừng phạt trên đã được miễn trừ trong nỗ lực hàn gắn quan hệ. Ông Biden cũng tỏ ra không mặn mà với ý kiến của Ukraine về Dòng chảy phương Bắc 2.
Deutsche Welle bình luận, “việc chống lại Đức trong vấn đề cụ thể này không phục vụ lợi ích chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ trong mối quan hệ với châu Âu. Thái độ của Tổng thống Biden đối với Ukraine giống như một kiểu bỏ mặc vô hại, để gửi đi thông điệp rằng, Kiev phải làm nhiều hơn trên mặt trận cải cách”.
Tuần trước, đường ống dẫn khí tự nhiên công suất 55 tỷ m3/năm đã bắt đầu được nạp khí đốt, Hiện chỉ đang chờ cấp phép vận hành từ cơ quan quản lý của Đức. Tất nhiên, những biến số bất ngờ vẫn có thể xuất hiện, nhưng ít nhất tới thời điểm này, mối quan hệ ba bên Mỹ-EU-Nga đã có được sự cân bằng tạm thời, thuận lợi cho việc khởi động tuyến đường ống.
Mới đây, Tổng thống Nga Putin cũng đã đảm bảo với Ukraine rằng, nghĩa vụ theo hợp đồng của Nga đối với việc chuyển hàng qua Ukraine là 40 tỷ m3/năm. "Không cần thiết phải đặt bất kỳ ai vào thế khó, kể cả Kiev”, ông khẳng định tại một sự kiện về năng lượng.
Tuy nhiên, tình hình vẫn khiến Kiev lo lắng, lo ngại việc giá dầu tăng cao, thị trường năng lượng căng thẳng, châu Âu sẽ đẩy nhanh tiến độ vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, đẩy Kiev ra rìa và tước đi quyền trung chuyển dầu mỏ của quốc gia này.
Ukraine kêu gọi EU bảo vệ lợi ích cho mình. Tuy nhiên, thực tế thì vẫn là thực tế, hợp đồng mới nhất về cung cấp khí đốt kéo dài 15 năm giữa Nga và Hungary vừa được EU khẳng định không vi phạm luật khối này. Có lẽ, Kiev cần tìm một con đường khác?