Thủ tướng Pháp Pierre Mendès France gặp Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng. |
Tham dự Hội nghị có đại diện 9 bên (đồng Chủ tịch Hội nghị là Trưởng đoàn Liên Xô và Trưởng đoàn Vương quốc Anh). Lúc này, với cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH tham dự Hội nghị Geneva về lập lại hòa bình ở Đông Dương và Việt Nam.
Đối mặt với khó khăn
Phái đoàn Việt Nam bước vào hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng. Do lập trường giữa các đoàn có khoảng cách khá lớn nên các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm chạp.
Một mặt, đồng chí Phạm Văn Đồng đại diện cho đoàn đại biểu Việt Nam DCCH kiên quyết đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở các bên tham gia phải công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia; cô lập phái chủ chiến ở Pháp và sự can thiệp của Mỹ; làm cho nhân dân Pháp thấy chính phủ Pháp của Thủ tướng Laniel lúc bấy giờ là hiếu chiến cần phải thay đổi thì Hội nghị Geneva mới thu được kết quả.
Mặt khác, trưởng đoàn Việt Nam DCCH Phạm Văn Đồng vạch trần lập trường hiếu chiến của đoàn đại biểu các nước phương Tây. Theo đó, đoàn đại biểu Mỹ âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, thay chân Pháp xâm lược Đông Dương. Đoàn đại biểu của Vương quốc Anh thì chủ trương ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh. Phái chủ chiến của Pháp nhận đàm phán với Việt Nam để tránh búa rìu dư luận và tránh bị nhân dân Pháp lật đổ, đồng thời cứu nguy cho quân đội Pháp ở Đông Dương. [1]
Tuy nhiên, đồng chí Phạm Văn Đồng đã triệt để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi cả trong và ngoài Hội nghị, nhất là tranh thủ trưởng đoàn Liên Xô Viacheslav Molotov và trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai kịch liệt lên án thái độ hiếu chiến và dã tâm phá hoại Hội nghị của đoàn Pháp và Mỹ.
Kết quả là, do đoàn Pháp vẫn giữ lập trường cứng rắn, nên nội các của Thủ tướng Joseph Laniel bị nhân dân Pháp lên án, buộc phải từ chức ngày 12/6/1954. Phe chủ chiến ở Pháp bị đánh đổ, ông Mendès France thuộc phái chủ hòa lập chính phủ mới. Ngày 18/6/1954, khi nhậm chức, ông Mendès France tuyên bố sẽ từ chức, nếu trong vòng một tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương. Vào thời điểm này, tại Sài Gòn, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng thay Bửu Lộc dưới quyền Bảo Đại.
Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Hội nghị Geneva. (Nguồn: Getty Images) |
Khéo léo và cương quyết
Trong Hội nghị, vấn đề khó khăn nhất là giới tuyến phân vùng và thời hạn tuyển cử ở Việt Nam.
Chấp hành chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng đã kiên trì đề xuất lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến tạm thời và tiến hành tổng tuyển cử sớm [2]. Tuy nhiên, phía Pháp không đồng ý và vẫn đề xuất lấy vĩ tuyến 18 làm giới tuyến. Cuối cùng, với sự khéo léo và cương quyết, tại cuộc họp đêm 20/7/1954, đồng chí Phạm Văn Đồng và 4 trưởng đoàn Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc vào phút chót mới thỏa thuận được là lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân vùng giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam và thời hạn tổng tuyển cử ấn định là hai năm.
Vào ngày 10/5/1954, bản đề nghị 8 điểm nổi tiếng của trưởng đoàn Phạm Văn Đồng được đưa ra và trở thành cơ sở thảo luận tại Hội nghị, bởi nó có ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân các nước thuộc địa và các nước thực dân, đặc biệt là đối với nhân dân và chính phủ Pháp.
Trong đó, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng nhấn mạnh lập trường cơ bản của Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền của Việt Nam, của Lào và Campuchia. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài... Những đề nghị hợp tình, hợp lý do đồng chí Phạm Văn Đồng đưa ra đã được dư luận tiến bộ ở chính nước Pháp và trên thế giới đồng tình ủng hộ [3].
Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước tòa nhà Hội nghị Geneva. (Nguồn: Getty Images) |
“Thắng lợi to”
Thành công của Hội nghị Geneva là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to” [4].
Có thể thấy, vào thời điểm diễn ra Hội nghị, tình hình thế giới và quan hệ quốc tế vô cùng phức tạp. Đoàn đàm phán Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng đứng đầu gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, không có thông tin… nhưng đã chủ động và tích cực khắc phục khó khăn, có những đóng góp quan trọng, kiên trì tìm biện pháp bảo đảm lợi ích của đất nước, của cách mạng Đông Dương, của hai chính phủ kháng chiến Pathet Lào và Khmer Issarak.
Những đóng góp của đồng chí Phạm Văn Đồng và đoàn Việt Nam đã tạo ra những đột phá đưa Hội nghị tới thành công, ký kết các hiệp định đình chiến ở Đông Dương. Hình ảnh về nhà ngoại giao Phạm Văn Đồng với đôi mắt sáng, vầng trán cao và nhất là những phát biểu đanh thép, những cuộc trả lời phỏng vấn sắc sảo tại Hội nghị Geneva đến nay vẫn luôn được bạn bè quốc tế nhắc đến, là niềm tự hào, là tấm gương không chỉ đối với ngành ngoại giao Việt Nam mà còn của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Thành công của Hội nghị Geneva năm 1954 được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là nhân dân các nước Đông Nam Á, nhiệt liệt hoan nghênh và coi đó như thắng lợi của chính mình. Với thắng lợi này, nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã biết đến Việt Nam, tin tưởng vào chính sách ngoại giao hòa bình và hữu nghị của Việt Nam, coi đó là một thành công rực rỡ của đường lối dùng đàm phán hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế, kể cả những cuộc xung đột nghiêm trọng.
Các thành viên đoàn Việt Nam DCCH dự Hội nghị Geneva 1954. (Ảnh tư liệu TTXVN) |
Theo ông Trần Việt Phương, nguyên thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sinh thời ông Phạm Văn Đồng luôn đặt lợi ích quyền lợi dân tộc lên trên hết, biết kết hợp quyền lợi dân tộc với yêu cầu của ý thức hệ. Ông hay nhắc đến một câu nói của Jean Jaurès, lãnh tụ xã hội chủ nghĩa Pháp nổi tiếng: “Một ít chủ nghĩa yêu nước thì đưa ta xa rời chủ nghĩa quốc tế, nhưng rất nhiều chủ nghĩa yêu nước thì đưa ta vào trung tâm của chủ nghĩa quốc tế” (Phạm Văn Đồng và Ngoại giao Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia 2006, trang 108,109) |
Ông Phạm Văn Đồng (1/3/1906-29/4/2000), bí danh là Tô, sinh ra trong một gia đình công chức tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Với 41 năm là Ủy viên Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, ông được coi “là một học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “nhà lý luận chính trị và văn hóa xuất sắc”, “nhà ngoại giao tài năng, có uy tín trên thế giới”… (Điếu văn của BCHTW Đảng đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Phạm Văn Đồng, ngày 6/5/2000) |
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, 2017, Hiệp định Geneva năm 1954 về Đông Dương, website Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 18/12/2017.
[2] . Theo đồng chí Lê Danh, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cán bộ phục vụ đoàn, lúc đầu đoàn chính quyền Quốc gia Việt Nam hòa đã cao giọng: “Muốn hòa bình phải chia cắt đất nước từ tỉnh Thanh Hóa”. Tuy nhiên, Chiến thắng Điện Biên Phủ khi đàm phán Hiệp định Geneva đã đẩy phái đoàn Quốc gia Việt Nam rời khỏi Geneva (xem: Hồng Điệp và Thanh Hải, 2014, “60 năm Hiệp định Geneva: Thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam”, Báo Tin tức online, ngày 14/7/2014)
[3] Theo đồng chí Việt Phương, nguyên thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xem: Hồng Điệp và Thanh Hải, 2014, “60 năm Hiệp định Geneva: Thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam”, Báo Tin tức online, ngày 14/7/2014).
[4] Vũ Dương Ninh, “Hiệp định Geneva 1954- Một thắng lợi trên con đường cứu nước”, Báo Quân đội Nhân dân, ngày 19/7/2009.
| Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Người học trò xuất sắc của Bác Hồ Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhà ngoại giao, nhà văn hóa lớn, nhiều người ở trong nước và nước ngoài đã viết về ... |
| Đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng TGVN. Gần một thế kỷ của cuộc đời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tận lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ ... |
| Niềm tin chiến thắng mang tên Việt Nam của Fidel Castro 50 năm trước Có lẽ trong lịch sử thế giới, chưa thấy một lãnh tụ của quốc gia nào như Fidel, liên tục suốt 42 năm từ 1964 ... |
| Một mốc son lịch sử của nền Ngoại giao Việt Nam Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, mở ra một trang mới trong ... |
| Bộ Ngoại giao long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva Sáng nay, 25/4, Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024) chính ... |