Đại sứ Đỗ Sơn Hải đón đoàn cứu hộ Quân đội Nhân dân Việt Nam tại sân bay tỉnh Hatay. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ) |
Ngày 6/2, trung tâm và miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng như khu vực Tây Bắc Syria rung chuyển bởi trận động đất mạnh 7,8 độ Richter. Tính đến ngày 15/2, số người thiệt mạng tại hai nước đã lên tới con số gần 40.000.
Hiện nhiều người vẫn mắc kẹt trong các đống đổ nát, thiếu thốn điều kiện sinh hoạt cơ bản nhất. Theo Hiệp hội kinh doanh và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, thiên tai đã “thổi bay” 84,1 tỷ USD, tức 1/10 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm quan sát và lập mô hình động đất, núi lửa và mảng kiến tạo Anh (COMET) cho biết, trận động đất đã tạo ra hai vết nứt khổng lồ dài tới 300km tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tuy nhiên, sâu và khó lành hơn cả là vết thương trong lòng những người Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã đánh mất cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè sau khoảnh khắc kinh hoàng thứ Hai tuần trước.
Sau tất cả, những nỗ lực, tình cảm ấm áp từ các đoàn cứu trợ ở các quốc gia bất kể màu da, địa lý, được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đã phần nào làm vơi đi nỗi đau để lại sau thảm họa thiên tai.
Hàn gắn rạn nứt
Ngay sau thảm họa động đất, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ về những mất mát của người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hàng chục đoàn cứu trợ đã tới các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa, thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và giúp đỡ những người ở lại nguôi ngoai nỗi đau, ổn định cuộc sống.
Đáng chú ý, trong số đó có cả những đoàn cứu trợ đến từ các quốc gia đang có quan hệ trắc trở với nước sở tại như Mỹ, Armenia, Hy Lạp, Thụy Điển. Mặc dù là đồng minh thân thiết một thời của xứ cờ hoa và thành viên quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ sáng lập, song quan hệ giữa Washington và Ankara đã ít nhiều rạn nứt bởi thương vụ S-400. Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn không có quan hệ chính thức do căng thẳng liên quan đến cáo buộc diệt chủng từ Thế chiến I.
Trong khi đó, liên kết giữa Ankara và láng giềng Athens ngày càng mong manh giữa tranh chấp chủ quyền và năng lượng trên Địa Trung Hải. Mối quan hệ Thụy Điển-Thổ Nhĩ Kỳ đang đi vào ngõ cụt khi Ankara từ chối chấp nhận Stockholm vào NATO.
Tuy nhiên, sau thảm họa động đất, những đối đầu, bất đồng chính trị, căng thẳng ngoại giao giữa các nước này với Thổ Nhĩ Kỳ đã được đặt sang một bên, nhường chỗ cho sự cảm thông, chia sẻ với đất nước được coi là “mạnh thường quân” của thế giới: Năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ hai thế giới về cung cấp viện trợ khắc phục thiên tai với 5,5 tỷ USD, chỉ sau Mỹ.
Đáp lại, Tổng thống Bashar al-Assad đã có cử chỉ thiện chí khi đồng ý mở thêm hai cửa khẩu với Thổ Nhĩ Kỳ gồm Bab al-Salam và Al Ra’ee, giúp hàng viện trợ nhân đạo có thể thuận lợi và kịp thời tới các vùng chịu ảnh hưởng.
Dù hành động này không đồng nghĩa với việc ngừng bắn, song ít nhiều góp phần khắc phục hệ quả của thảm họa và hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng tại quốc gia Bắc Phi.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp cùng lực lượng địa phương và thành viên đoàn quốc tế khác tại hiện trường ở thành phố Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: QPVN) |
Tinh thần nhân ái của người Việt tỏa sáng
Là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã lập tức gửi lời chia buồn và sớm hành động thiết thực nhằm hỗ trợ chính phủ, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Ngay sau khi xảy ra động đất, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ngày 8/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời thăm hỏi tới Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Sentop và Chủ tịch Quốc hội Syria Hammouda Youssef Sabbagh.
Trong thư thăm hỏi gửi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông báo Việt Nam sẽ hỗ trợ khẩn cấp mỗi nước 100.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả của trận động đất.
Lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam gửi một đội cứu hộ, cứu nạn ra nước ngoài. Ngay sau khi đến thành phố Adiyaman, đội cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an đã cứu thành công một bé trai 14 tuổi và giúp tìm kiếm, đưa nhiều thi thể ra khỏi đống đổ nát. Tối ngày 13/2, sau khi tới Antakya, tỉnh Hatay, một trong những tỉnh thiệt hại nặng nề nhất, đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập tức triển khai công tác và đã đạt kết quả ban đầu.
Đặc biệt, không thể không kể tới là sự hỗ trợ không biết mệt mỏi của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria dành cho các đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam sở tại và chính phủ của nước bạn.
Bên cạnh theo dõi sát tình hình, tích cực bảo hộ công dân tại các vùng bị ảnh hưởng, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ankara đã tổ chức quyên góp tiền, vật dụng thiết yếu gửi tới người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại sứ Đỗ Sơn Hải cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cũng tháp tùng hai đoàn công tác, hỗ trợ hết mức có thể cho nỗ lực cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nước sở tại của chính phủ Việt Nam.
Ngày 14/2, Đại sứ Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria Lương Quốc Huy đã ký sổ tang và trao khoản tiền quyên góp 1.000 USD cho Đại sứ Syria tại Tehran.
Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam triển khai cứu hộ tại một tòa nhà ở thành phố Adiyaman, phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy & Cứu nạn Cứu hộ) |
Trước đó, ngày 12/2, đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cùng đại diện của cộng đồng người Việt tại Nga đã trao tặng 500.000 ruble (7.000 USD) quyên góp cho Đại sứ Syria tại Nga Bashar al-Jafari.
Những hành động ấy không chỉ cho thấy Việt Nam tiếp tục là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, mà còn thể hiện nghĩa tình của người Việt với hai đối tác hữu nghị, lịch sử và truyền thống nhân ái cao đẹp “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Tràng vỗ tay của người dân dành cho đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam tại sân bay tỉnh Hatay đêm ngày 13/2, chia sẻ xúc động của cô gái Thổ Nhĩ Kỳ tới đội cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an ngày 14/2 cho đến lời cảm ơn chân thành của Đại sứ Shafiq Dayoub tới Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria, có lẽ là những minh chứng rõ nét nhất.
Những tình cảm ấy không chỉ góp phần vun đắp hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, mà còn lan tỏa hình ảnh cao đẹp, nhân nghĩa của người Việt Nam tới bạn bè năm châu.
Trả lời phỏng vấn ngày 14/2, Đại sứ Đỗ Sơn Hải cho biết: "Khi nhận được tin hai đoàn cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sang, chúng tôi thực sự rất mừng nhưng cũng phân vân, không biết các hoạt động cứu nạn, cứu hộ và hiệu quả như thế nào. Đây không những là lần đầu tiên của lực lượng cứu nạn cứu hộ của Việt Nam, mà có lẽ còn là đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chúng ta cử đội cứu nạn cứu hộ đi xa như vậy. Chúng ta đã cử đội cứu nạn, cứu hộ sang láng giềng giúp đỡ, nhưng khi đó khoảng cách địa lý khá gần gũi... ". Tuy nhiên, lo lắng ấy đã dần vơi đi khi ngay từ những hoạt động đầu tiên, hiệu quả của các đoàn cứu nạn, cứu hộ đã được người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các đội cứu hộ quốc tế ghi nhận. Đại sứ nêu rõ: "Các nước cũng đánh giá cao hiệu quả hoạt động của hai đội cứu hộ từ Việt Nam, không những về trình độ, năng lực mà còn cả sự cần mẫn, sự cố gắng trong suốt thời gian có mặt tại hiện trường". |
Trong các ngày 9 và 12/2, các đoàn công tác gồm 100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội và công an đã được cử sang Thổ Nhĩ Kỳ cùng với nhiều vật tư, thiết bị để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại Adiyaman và Hatay - hai trong số 10 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai. Cùng với các hoạt động cứu hộ, quân đội Việt Nam đã vận chuyển 35 tấn vật chất hậu cần gồm lương khô, lương thực, thực phẩm, dụng cụ cấp dưỡng, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và vật tư doanh trại tới Thổ Nhĩ Kỳ. Đoàn cứu hộ cứu nạn Bộ Công an đã trao tặng hai tấn thiết bị y tế cho nước bạn thông qua Cơ quan Ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ. |