Ngày 15/2, Ấn Độ đã phóng thành công một tên lửa đẩy mang theo 104 vệ tinh. Với lần phóng này, Ấn Độ đã chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số lượng vệ tinh được phóng nhiều nhất chỉ trong một lần phóng, phá vỡ kỷ lục phóng 37 vệ tinh trong một lần phóng của Nga vào năm 2014.
Thiết lập kỷ lục
Từ bãi phóng ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ, 104 vệ tinh trên đã được phóng bằng tên lửa đẩy PSLV-C37. Sau 28 phút, các vệ tinh đã được đưa thành công vào quỹ đạo định sẵn.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), các vệ tinh thứ cấp thường có kích thước không quá lớn, bởi vậy chúng có thể được phóng đồng loạt chỉ bằng một tên lửa đẩy. Nhiệm vụ chính của các nhà khoa học là thiết lập hành trình để chúng không va vào nhau khi tách khỏi tên lửa đẩy và đi vào đúng quỹ đạo.
Với lần phóng này, Ấn Độ đã chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số lượng vệ tinh được phóng nhiều nhất chỉ trong một lần phóng. (Nguồn: CNN) |
Trong số 104 vệ tinh, đáng chú ý có vệ tinh của Ấn Độ quan sát Trái Đất với độ phân giải cao nặng 714 kg mang tên Cartosat 2. Sứ mệnh của Cartosat 2 sẽ kéo dài 5 năm. Trong số 104 vệ tinh trên thì có 101 vệ tinh của nước ngoài, gồm 96 vệ tinh của Mỹ, số còn lại thuộc về các nước Israel, Kazakhstan, Hà Lan, Thụy Sỹ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). 104 vệ tinh này được sử dụng để vẽ bản đồ Trái Đất, theo dõi tàu bè nhằm giám sát nạn đánh bắt cá trái phép và cướp biển, hỗ trợ những cuộc thử nghiệm về vi trọng lực...
Đây là lần thứ hai Ấn Độ đưa thành công nhiều vệ tinh vào quỹ đạo chỉ trong một lần phóng. Trước đó, vào tháng 6/2015, nước này đã phóng thành công 23 vệ tinh vào quỹ đạo chỉ bằng một tên lửa đẩy.
Cựu Thủ tướng Ấn Độ Pranab Mukherjee đã chúc mừng Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) thiết lập dược một kỷ lục mới về phóng các vệ tinh vào không gian và phát biểu rằng: “Đây là một bước ngoặt trong lịch sử của chương trình không gian của Ấn Độ. Tôi kêu gọi ISRO tiếp tục phấn đấu cho sự tiến bộ về khả năng không gian của Ấn Độ trong tương lai”.
Cuộc đua quyết liệt
Theo hãng tin CNN, không phải Mỹ hay các nước châu Âu, châu Á mới là khu vực mà cuộc đua trong lĩnh vực khoa học vũ trụ diễn ra gay cấn nhất hiện nay. Việc Ấn Độ phóng thành công 104 vệ tinh vào quỹ đạo báo hiệu cuộc chạy đua thám hiểm không gian ở châu Á sẽ càng thêm nóng. Cả Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đều có những kế hoạch đầy tham vọng nhằm vượt lên trong cuộc đua được kỳ vọng giúp họ nâng cao vị thế trên trường quốc tế, mang lại không ít lợi ích về kinh tế và thương mại.
Trong hai thập kỷ qua, Ấn Độ đã trở thành một trong những “nhà cung cấp dịch vụ” quan trọng trên thị trường hàng không vũ trụ khi phóng vệ tinh với mức chi phí chỉ bằng 60-70% so với các quốc gia khác. Kể từ năm 1962, việc tàu Mangalyaan của Ấn Độ lần đầu tiên thành công trong hoạt động thăm dò sao Hỏa đã buộc thế giới phải chú ý đến chương trình không gian của Ấn Độ. Năm 2008, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 4 cắm quốc kỳ trên Mặt Trăng (sau Mỹ, Trung Quốc, Nga). Cho đến nay, Ấn Độ đã phóng 79 vệ tinh từ 21 quốc gia, kể cả vệ tinh từ các công ty lớn như Google và Airbus, thu về lợi nhuận ít nhất là 157 triệu USD. Hiện nước này đang gia tăng chi tiêu cho chương trình không gian trong giai đoạn 2017-2018 lên hơn 20%, từ khoảng 1,1 tỷ USD lên 1,4 tỷ USD, với 2 sứ mệnh đầy tham vọng sẽ được cấp kinh phí ban đầu đầu là thám hiểm sao Hỏa và sao Kim. Thông qua kế hoạch đáp xuống bề mặt sao Hỏa vào năm 2021 hoặc 2022, theo website Ars Technica, dường như Ấn Độ đang cạnh tranh với đối thủ nặng ký Trung Quốc.
Năm ngoái, Ấn Độ đã thử nghiệm mô hình RLV. (Nguồn: CNN) |
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang chuẩn bị cho kế hoạch phóng tàu vũ trụ chở hàng Thiên Chu-1 và tàu vũ trụ tiếp tế vào tháng 4/2017 tới, tạo cơ sở cho việc đưa trạm không gian của nước này đi vào hoạt động vào năm 2022. Cũng trong năm nay, Trung Quốc sẽ phóng 1 tàu vũ trụ lên mặt trăng nhằm thu thập mẫu đất đem về trái đất. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc đặt mục tiêu đến cuối thập kỷ này sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đáp xuống phía bên kia của Mặt Trăng, đồng thời đáp tàu thăm dò xuống sao Hỏa.
Đối với Nhật Bản, chương trình không gian của nước này cũng đang nhắm đến Mặt Trăng khi Nhật Bản muốn cho tàu thăm dò tự hành đáp xuống bề mặt vệ tinh của trái đất này vào năm 2018. Ngoài ra, Hàn Quốc - một quốc gia không mạnh về khoa học vũ trụ như những nước châu Á khác cũng đang có những tham vọng của riêng mình.
Các nhà phân tích nhận định, sự cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực năng lượng không gian và thể hiện uy tín tại khu vực châu Á dường như có hơi hướng của cuộc đua như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, thực tế đó không phải là động cơ duy nhất. Việc theo đuổi của khoa học và tiến bộ kỹ thuật mang đến lợi ích kinh tế và thương mại cũng là một yếu tố quan trọng khiến các nước châu Á đang nỗ lực không ngừng.