Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn hai quốc gia Đông Nam Á là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Ảnh chụp Thủ tướng Suga đến sân bay quốc tế Soekarno-Hatta, Indonesia, ngày 20/10. (Nguồn: Kyodo) |
Cảnh báo làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 không làm giảm sự sôi động của hoạt động ngoại giao, chuyển dịch, tái cấu trúc kinh tế toàn cầu. Đông Nam Á là một trong những khu vực thu hút sự quan tâm của các nhà chính trị, ngoại giao quốc tế.
Bộ Tứ chủ động
Hội nghị Bộ Tứ (Quad) ngày 6/10 tại Nhật Bản phát đi những tín hiệu mới về sự quan tâm đối với các nước Đông Nam Á.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Đông Nam Á và “cam kết lâu dài với ASEAN” trong cuộc họp các Ngoại trưởng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53); cam kết hỗ trợ 153,6 triệu USD cho các dự án hợp tác trong Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mekong - Mỹ ngày 11/9.
Nhật Bản ký Hiệp định hỗ trợ hậu cần quốc phòng song phương với Ấn Độ (ACSA) tháng 9/2020, tạo khả năng mở rộng phạm vi phòng thủ ra khu vực lớn hơn, tới nơi hợp lưu giữa 2 đại dương với trung tâm là Đông Nam Á.
Việt Nam và Indonesia là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide, nhằm gửi thông điệp về việc cùng nhau xây dựng khu vực hòa bình, thịnh vượng. Những chỉ dấu chứng tỏ Nhật Bản xoay trọng tâm vào Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đi nhưng chưa chắc đã đến. Đến nhưng chưa chắc tìm được thứ cần. Tìm được nhưng chưa chắc giữ được lâu. Còn tùy theo mục đích, sự thành tâm. Điều ấy cũng đúng trong quan hệ quốc tế. |
Ấn Độ luôn khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN trong chính sách Hành động hướng Đông, tham gia tích cực các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, thể hiện ý định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược lâu dài, bền vững, cùng có lợi với ASEAN.
Trong cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Australia, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM hẹp) ngày 19/2, Bộ trưởng Linda Reynolds nhấn mạnh: Australia tự hào là nước đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác, đối thoại khu vực với ASEAN và quan hệ Australia-ASEAN sẽ tiếp tục phát triển.
Các nhà nghiên cứu quốc tế nhận xét Bắc Kinh luôn coi Đông Nam Á là khu vực “sân sau” của mình. Nhưng trước bối cảnh mới, Trung Quốc thấy phải thúc đẩy mạnh hơn Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), củng cố, tăng cường vị thế, lợi ích ở địa bàn chiến lược, vùng đệm, vành đai ngăn chặn sự can dự của Mỹ và phương Tây.
Trung Quốc - lợi thế và trở ngại
Các nhà nghiên cứu Ấn Độ bình luận về suy thoái của kinh tế toàn cầu sau đại dịch: thế giới mà chúng ta từng hiểu rõ và quen thuộc, nhiều khả năng sẽ trở thành ký ức lịch sử. Mỹ vướng vào cuộc bầu cử tổng thống nhiều rắc rối! Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có những lợi thế nhất định.
Trong 3 nền kinh tế lớn, GDP của Mỹ và EU âm thì Trung Quốc vẫn tăng hơn 3% (quý II), dự báo sẽ cao hơn trong quý IV. Trung Quốc vẫn là “mắt xích” chủ chốt trong chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản phẩm toàn cầu, “nhà đầu tư” số một. Khoảng 2.600 dự án trong khuôn khổ BRI đã định vị sự hiện diện, ảnh hưởng của Trung Quốc trên các châu lục. Ngoại giao vaccine Covid-19 của Trung Quốc cũng tỏ ra khá hữu dụng.
Nhưng Trung Quốc cũng đứng trước không ít vấn đề phức tạp mới. Hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế bị phủ bóng bởi những dấu hiệu tiêu cực. Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) ngày 6/10 cho thấy, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc ở nhiều nước lên mức cao nhất trong 12 năm qua (81% người Australia trả lời không thích Trung Quốc, tương tự ở Anh là 74%, Mỹ là 73%...).
Trong đợt bầu thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 13/10/2020, Trung Quốc trúng cử với 139 phiếu, thấp nhất trong 15 nước, thua xa Senegal - 188 phiếu, Cuba - 170 phiếu, kém cả Nga - 158 phiếu. Điều đáng chú ý, Cuba, Nga là 2 nước thường bị Mỹ và phương Tây lên án, trừng phạt vì lý do “nhân quyền”. Ông Louis Charbonneau, Giám đốc tổ chức Giám sát nhân quyền nhận xét, nếu có thêm ứng cử viên khác thì Trung Quốc cũng có thể bị loại!
Dư luận về “bẫy nợ” chưa lắng thì nhiều nước lại yêu cầu giãn, hoãn trả nợ. Vấn đề công nghệ 5G và Tập đoàn thiết bị mạng và viễn thông Huawei đang nổi cộm trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, thì mạng xã hội Tic Tok bị Ấn Độ và một số nước cấm cửa, trong đó có cả Pakistan, đồng minh gần gũi của Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn năm 2020 nhiều khả năng bị hủy. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng không thể thực hiện chuyến thăm Nhật Bản theo dự kiến trong tháng 10/2020.
Trong nước, nổi lên vấn đề Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan và yêu cầu đột phá về kinh tế hậu Covid-19. Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến công du phía Nam. Dư luận quốc tế nhận xét, bối cảnh Trung Quốc hiện nay có phần tương tự như chuyến “Nam du” của ông Đặng Tiểu Bình cách đây gần 3 thập kỷ, năm 1992.
Vai trò trung tâm của ASEAN
Tin liên quan |
Ngoại trưởng Trung Quốc công du Đông Nam Á: Những trọng tâm mới thời hậu Covid? |
Đối với Đông Nam Á, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại số một. Nhiều dự án kinh tế, cảng biển, đường giao thông do Trung Quốc đầu tư đã cắm chân ở Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Myanmar, Lào... Bằng chiến thuật “cắt lát Salami”, Trung Quốc đã chi phối một số nước. Kết cục là Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã có lần không ra được tuyên bố chung.
Tuy nhiên, năm 2020, ASEAN có nhiều thay đổi, thể hiện sự thống nhất hơn, đồng thuận cao hơn về những vấn đề quan trọng của khu vực. Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và tuyên bố chung AMM 53 và của các hội nghị khác bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa hiện nay, bao gồm những vụ việc nghiêm trọng và những hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông…
Những hành vi ấy làm xói mòn niềm tin, làm gia tăng căng thẳng, nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và pháp luật trong khu vực. Tuyên bố chung AMM 53 tái khẳng định các mục tiêu và nguyên tắc nêu trong Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khuyến khích các đối tác cùng ASEAN thúc đẩy và hợp tác trên các lĩnh vực.
Ngày 23/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhắc lại phán quyết của PCA trong vụ kiện Trung Quốc năm 2016, trước Liên hợp quốc, nhấn mạnh: Chúng tôi kiên quyết bác bỏ những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết này. Tuyên bố cho thấy Philippines có bước chuyển trong lập trường, dù Trung Quốc nói hai nước đã giải quyết xong!
Indonesia tuyên bố quan điểm về Biển Đông không thay đổi dù hợp tác với Trung Quốc thử nghiêm vaccine Covid -19. Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi nhiều lần nhắc lại quan điểm Indonesia không phải là một bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và bản đồ đường 9 đoạn mà Trung Quốc sử dụng làm cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế.
Brunei, nước lâu nay im hơi lặng tiếng nhất trong “5 nước, 6 bên” cũng ra tuyên bố về Biển Đông, nhấn mạnh cam kết duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực; bày tỏ các bên cần thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Dư luận quốc tế đánh giá ASEAN ngày càng thể hiện quan điểm rõ ràng, sự thống nhất, vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. Nhà nghiên cứu quốc tế Carl Thayer, Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia đánh giá: ASEAN “phản ứng mạnh mẽ trước những yêu sách của Trung Quốc” và có “sự thay đổi đáng kể về quan điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông”.
Trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ ngày 9/9/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hoan nghênh sự kiên định của lãnh đạo ASEAN về giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; tiếp tục khẳng định sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và vai trò trung tâm của ASEAN trong tầm nhìn của Hoa Kỳ đối với khu vực.
(còn nữa)
| Tầm nhìn của tân Thủ tướng Nhật Bản qua chuyến công du Đông Nam Á TGVN. Ngày 18/10, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã khởi hành chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ sau khi đảm ... |
| Ngoại trưởng Trung Quốc công du Đông Nam Á: Những trọng tâm mới thời hậu Covid? TGVN. Ngoại giao vaccine Covid-19, TQ đóng vai đối tác then chốt thời kỳ hậu đại dịch và 'cách ly' Mỹ là trọng tâm chuyến ... |
| Trung Quốc sẽ là một cường quốc như thế nào ? TGVN. Có thể được tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi trên khi nhìn lại lịch sử Trung Quốc. Michael Schuman, tác giả cuốn ... |