Việc giá cả các mặt hàng tăng mạnh có thể khiến người dân ở Đông Nam Á gặp khó khăn và đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực. (Nguồn: Getty) |
Suy dinh dưỡng, nạn đói hiện hữu
Thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có và nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều nơi trong năm 2022 đang hiện hữu.
Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng năm 2008.
Xung đột Nga-Ukraine (hai quốc gia sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới) và đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, hạn hán ở Mỹ, mưa đá ở Pháp, khí hậu khô ở Argentina, nắng nóng bất thường ở Ấn Độ sẽ làm giảm sản lượng lúa mì mùa vụ 2022-2023.
Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, nhiều nước sản xuất đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Các nước phụ thuộc nhập khẩu lương thực lâm vào cảnh khó khăn. Tất cả đã làm gia tăng nạn đói trên khắp thế giới đến mức chưa từng thấy.
Theo thống kê của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) công bố vào tháng 4 năm nay, số người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2019, lên 276 triệu người tại 81 quốc gia, trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo Báo cáo về “An ninh lương thực & dinh dưỡng trên thế giới” (SOFI) năm 2022, thách thức trong việc nuôi sống thế giới hiện đang trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Dự báo, có gần 670 triệu người sẽ vẫn phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030, chiếm 8% dân số thế giới.
Tin liên quan |
Singapore: Nguy cơ giảm tăng trưởng GDP, chuyên gia nêu ‘chìa khóa’ giúp hạ nhiệt lạm phát |
Còn tại Đông Nam Á, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và các chuyên gia đã cảnh báo, mặc dù là khu vực có thế mạnh về nông nghiệp nhưng nơi đây cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro từ nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu.
Chỉ số giá lương thực (FPI) đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3/2022, vượt qua mức giá trong giai đoạn 2007-2008 khi cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu xảy ra.
Theo FAO, chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 5/2022 tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực, thực phẩm tiếp tục ở mức cao kỷ lục mới, đe dọa trực tiếp cuộc sống người dân Đông Nam Á.
Thống kê cho thấy, trung bình, người dân Philippines chi 30-40% thu nhập cho lương thực thực phẩm. Do đó, giá các mặt hàng này tăng cao sẽ gây rất nhiều khó khăn cho người dân nước này.
Ở nhiều quốc gia trong khối ASEAN, tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng và tăng trưởng thấp còi hiện ở mức độ cao và điều này có thể là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn trong khu vực.
Chung tay tìm giải pháp và hành động
Đối mặt với giá thực phẩm không ngừng tăng, một số nước Đông Nam Á đã áp dụng chính sách bảo hộ lương thực, dừng xuất khẩu một số mặt hàng, như Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ và Malaysia hạn chế xuất khẩu thịt gà.
Tất nhiên hiện nay, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, Indonesia đã dỡ bỏ lệnh cấm trong khi Malaysia cũng nới lỏng một phần quy định.
Trong bối cảnh đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực, FAO khuyến nghị, người dân và các chính phủ cần tìm giải pháp đa dạng hóa nguồn cung lương thực, hướng tới những nguồn thực phẩm thay thế và giảm sự phụ thuộc vào các loại cây lương thực chủ lực truyền thống.
Đông Nam Á vốn được coi là “vựa lúa” của thế giới, có hai trong ba nhà xuất khẩu gạo toàn cầu hàng đầu (Việt Nam và Thái Lan). Gạo là mặt hàng được tiêu thụ rộng rãi nhất trên toàn ASEAN, nhưng khu vực này vẫn phải mua lúa mì và ngô từ thị trường quốc tế.
Trong thập niên qua, nhập khẩu lúa mì của Indonesia, quốc gia đông dân nhất ASEAN, đã tăng hơn gấp đôi từ 4,8 triệu tấn (2010) lên gần 11 triệu tấn (2019).
Hơn nữa, lúa mì và ngô cũng được dùng làm thức ăn cho gia súc. Tiêu thụ thịt trong khu vực đã tăng nhanh, đặc biệt là ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Cánh đồng lúa mì ở Tbilisskaya, Nga. (Nguồn: AP) |
Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều không dự kiến sẽ bình thường hóa xuất khẩu trong những tháng tới do xung đột. Do đó, việc đa dạng hóa nguồn cung và tìm nguồn lương thực thay thế đang khá cấp bách đối với các nước hiện nay,
Theo giới phân tích, các nước trong khu vực cũng có thể tận dụng những tiến bộ khoa học thực vật, bao gồm các sản phẩm bảo vệ cây trồng và công nghệ sinh học thực vật. Đây là những công cụ đang ngày càng cho thấy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh lương thực ở châu Á và trên toàn cầu.
Thêm vào đó, việc sử dụng có trách nhiệm các sản phẩm bảo vệ thực vật giúp nông dân sản xuất được nhiều thực phẩm với diện tích đất canh tác ít hơn bằng cách bảo vệ cây trồng khỏi sự tấn công của sâu bệnh, cỏ dại và dịch bệnh cây đồng thời nâng cao năng suất canh tác.
Các chuyên gia cho rằng, ASEAN cần nghiêm túc xem xét cách thức xây dựng dựa trên các cơ chế hiện có của mình nhằm đối phó với làn sóng tăng giá trên các mặt hàng.
Một trong số đó là cơ chế Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN +3 (APTORR), được thành lập vào năm 2011 nhằm ngăn chặn lạm phát giá gạo tăng nhanh và không khuyến khích đầu cơ giá và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch giữa các quốc gia thành viên.
Bên cạnh đó, dù ASEAN không có cơ chế song song đối với lúa mì, ngô, dầu thực vật hoặc phân bón, nhưng cần phải khám phá cách huy động các khuôn khổ khu vực của mình để cung cấp bổ sung nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng giá lương thực mới chớm nở.
| Singapore: Nguy cơ giảm tăng trưởng GDP, chuyên gia nêu ‘chìa khóa’ giúp hạ nhiệt lạm phát Singapore - trung tâm tài chính Đông Nam Á, được coi là điểm sáng tăng trưởng toàn cầu, đang đối mặt với nguy cơ lạm ... |
| RCEP mang lại lợi ích cho Trung Quốc và các nước ASEAN như thế nào? Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại, một chuỗi cung ứng khu vực tích hợp hơn theo Hiệp định RCEP cũng mang lại ... |