📞

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc 'nóng rẫy' tại Nga, hộ gia đình cũng đang 'khử USD hóa'

Linh Chi 08:23 | 20/03/2023
Nền kinh tế Nga - bị hạn chế bởi các mạng lưới tài chính phương Tây và đồng USD - đã chấp nhận một giải pháp thay thế: Tăng sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc 'chiếm sóng' tại Nga. (Nguồn: Xinhua)

Các nhà xuất khẩu năng lượng sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch của mình. Không chỉ thế, Nga đã quyết định lưu trữ tất cả doanh thu thặng dư từ dầu khí vào năm 2023 bằng Nhân dân tệ, khi nước này ngày càng chuyển sang sử dụng đồng nội tệ Trung Quốc để dự trữ ngoại hối.

Lựa chọn hợp lý duy nhất

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2/2022 đã gây ra làn sóng trừng phạt tài chính do Mỹ dẫn đầu đối với Moscow. Hai quyết định mạnh mẽ nhất đó là phương Tây đóng băng gần một nửa (300 tỷ USD) dự trữ ngoại tệ của Nga và loại bỏ các ngân hàng lớn của đất nước khỏi SWIFT.

Những biện pháp trừng phạt này đã khiến Nga thúc đẩy cơ sở hạ tầng tài chính thay thế đồng USD.

Ông Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu và ở Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie Endowment nhận định, Moscow đã loại bỏ những lo ngại về việc trao cho Trung Quốc quá nhiều đòn bẩy đối với nền kinh tế.

Ông Gabuev nói: "Bây giờ đó là lựa chọn hợp lý duy nhất cho Tổng thống Vladimir Putin".

Người phát ngôn Bộ Tài chính Nga cho biết, đồng Nhân dân tệ đang “đóng một vai trò ngày càng quan trọng” trong quỹ đầu tư quốc gia. Quỹ này đã tăng gấp đôi tỷ lệ Nhân dân tệ mà quỹ có thể nắm giữ vào tháng 12/2022.

Bộ Tài chính Nga cũng bắt đầu bán đồng Nhân dân tệ vào tháng 1/2023 để bù đắp thâm hụt ngân sách ngày càng lớn.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng trung ương Nga, tỷ lệ xuất khẩu của đất nước được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ đã tăng lên 14% vào tháng 9/2022. Con số này tăng từ mức 0,4% trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu.

Nga bắt đầu cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng USD kể từ năm 2014. Đến năm 2018, khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung, quốc gia này đã bán trái phiếu Kho bạc Mỹ nắm giữ và bắt đầu giao dịch bằng đồng Ruble và các loại tiền tệ khác .

Quá trình "khử USD hóa" đã diễn ra và đồng Euro cũng đang dần bị "gạch tên" khỏi Nga vào năm ngoái.

Hộ gia đình "nhập cuộc"

Thương mại bùng nổ giữa Nga và Trung Quốc đã giúp đồng Nhân dân tệ tăng sức hấp dẫn. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đã trở thành khách hàng mua dầu lớn của Nga. Ngược lại, Moscow ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh về chất bán dẫn và công nghệ khác.

Theo dữ liệu của Refinitiv, các công ty Nga cũng đã chuyển sang sử dụng đồng Nhân dân tệ và phát hành trái phiếu bằng đồng tiền Trung Quốc trị giá hơn 7 tỷ USD vào năm ngoái. Trong những tuần gần đây, đồng Nhân dân tệ và Ruble thường là cặp tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Moscow, dựa trên khối lượng giao dịch hàng ngày.

Công ty khổng lồ về nhôm Rusal là công ty đầu tiên phát hành trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ bên trong nước Nga vào tháng 8 năm ngoái. Các nhà xuất khẩu hàng hóa khác như công ty dầu mỏ Rosneft đã "theo chân". Hầu hết giao dịch với Trung Quốc và các giao dịch hàng ngày đều ưu tiên sử dụng Nhân dân tệ.

Bistrodengi, một nền tảng cho vay của Nga, bắt đầu bán trái phiếu Nhân dân tệ vào năm ngoái. Giám đốc tài chính của công ty Yakov Romashkin tiết lộ, giao dịch bằng Nhân dân tệ rẻ hơn nhiều so với đồng Ruble.

Không chỉ thế, các hộ gia đình cũng đang "nhập cuộc". Theo trang web so sánh Banki.ru, tại Nga, có gần 50 tổ chức tài chính cung cấp tài khoản tiết kiệm bằng đồng Nhân dân tệ. Quỹ giao dịch trao đổi bằng đồng Nhân dân tệ đầu tiên cũng chính thức được ra mắt trên Sàn giao dịch Moscow vào tháng 1/2023.

Dữ liệu từ Ngân hàng trung ương Nga cho thấy, các hộ gia đình đã gửi gần 41 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 6 tỷ USD) vào các ngân hàng tại nước này vào cuối năm ngoái. Con số này tăng từ mức 0 vào đầu năm 2022. Hiện tại, Nhân dân tệ chiếm hơn 1/10 trong số 53 tỷ USD ngoại tệ mà các hộ gia đình nắm giữ.

Tháng 10/2022, nhà tư vấn và blogger tài chính người Nga Olga Gogaladze cho hay, người dân từ lâu đã mua USD và Euro để tự bảo vệ mình trước sự biến động của đồng Ruble. Điều đó đã thay đổi vào năm ngoái, khi nhiều người lo lắng về tác động của các biện pháp trừng pphạt từ phương Tây.

Bà Gogaladze nói: “Các cuộc trò chuyện đang diễn ra xung quanh việc đồng USD không còn được ưu tiên tại Nga. Đồng Nhân dân tệ đã được lựa chọn như một sự thay thế có sẵn".

Bà Gogaladze có tài khoản tại ngân hàng kỹ thuật số Nga Tinkoff để gửi tiết kiệm bằng đồng Nhân dân tệ. Bà cho biết, các tài khoản tiết kiệm bằng Nhân dân tệ thường có lãi suất thấp hơn so với tài khoản bằng đồng Ruble, nhưng đồng tiền này vẫn là một lựa chọn tốt cho những người lo lắng về sự mất giá của nội tệ Nga.

Đồng USD vẫn giữ vị trí thống trị hệ thống tài chính thế giới. (Nguồn: CNBC)

Chưa thể chấm dứt quyền lực tối cao của USD

Trước bối cảnh "người người, nhà nhà" tăng sử dụng Nhân dân tệ, câu hỏi đặt ra là, liệu đồng tiền này có thể cạnh tranh với đồng USD với tư cách là đồng tiền thống trị hệ thống tài chính thế giới không?

GS. Eswar Prasad tại Đại học Cornell (Mỹ) nhận định, việc xây dựng cơ sở hạ tầng để vượt qua hệ thống tài chính lấy đồng USD làm trung tâm rất khó khăn và tốn kém.

Trung Quốc đã ra mắt Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới bằng Nhân dân tệ (CIPS) vào năm 2015. Đây được coi là đối thủ cạnh tranh của mạng SWIFT.

Nhưng theo ông Prasad, hệ thống CIPS vẫn chưa được các quốc gia khác áp dụng rộng rãi. Thay vào đó, các ngân hàng Nga và Trung Quốc dựa vào mạng lưới các chi nhánh địa phương và ngân hàng đại lý để xử lý các giao dịch mà không cần SWIFT.

GS. Daniel McDowell tại Đại học Syracuse (Mỹ) khẳng định, việc Nga tăng sử dụng đồng Nhân dân tệ không có nghĩa là chấm dứt quyền lực tối cao của USD. Tuy nhiên, hành động này có thể làm giảm khả năng sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ.

(theo WSJ)